Ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác -Lênin nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng đã bị các thế lực thù địch chống phá quyết liệt và không ít người đòi Đảng ta, Nhân dân ta phải từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vì họ cho rằng đó là “con đường sai lầm”, đòi chúng ta phải đi theo con đường khác. Chúng ra sức lợi dụng sự kiện chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, cho rằng chủ nghĩa xã hội đã “cáo chung”, chủ nghĩa Mác -Lênin đã lỗi thời, do đó Việt Nam tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu.
Mới đây, xung quanh thời điểm diễn ra Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội tiếp tục đưa ra các quan điểm tấn công, xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các đối tượng cho rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm. Đây thực chất là những luận điệu phi lịch sử, phản động, phản khoa học. Mục đích của chúng là lái nước ta chệch khỏi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Thứ nhất, trong học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác đã tập trung phân tích hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Chính sự “giải phẫu” của C.Mác đối với xã hội tư bản chủ nghĩa và các quy luật vận động của nó đã cho phép ông luận chứng về tính tất yếu phải diệt vong của chủ nghĩa tư bản và sự ra đời, sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; C.Mác cũng đã phát hiện ra vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.
Thứ hai, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đã trải qua những cuộc thử nghiệm lịch sử để lựa chọn con đường đi cho dân tộc. Tuy nhiên, các phong trào yêu nước từ lập trường phong kiến, đến lập trường dân chủ tư sản, tiểu tư sản đều không thành công. Xã hội rơi vào bế tắc, khủng hoảng về đường hướng phát triển.
Sớm hấp thụ tinh thần yêu nước, thương dân, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta lần lượt thất bại, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nung nấu quyết tâm đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Trong quá trình bôn ba, Người đã nghiên cứu, tìm hiểu về các cuộc cách mạng điển hình, kiểm nghiệm nhiều học thuyết, nhiều con đường đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân các nước thuộc địa. Người nghiên cứu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 và nhận thấy: “Cách mạng Pháp cũng như cách mạng Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Vì vậy, theo Người, con đường cách mạng tư sản không phải là hướng đi của Nhân dân Việt Nam.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Người tìm thấy trong bản Luận cương đó ánh sáng chân lý của thời đại, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đó là: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Thứ ba, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải là sự “cáo chung” của chủ nghĩa xã hội, nó cũng không phải do chủ nghĩa Mác -Lênin đã lỗi thời mà đó là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp do đã hiểu sai, vận dụng sai những quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác -Lênin trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác -Lênin, đổi mới để tìm kiếm những mô hình phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của quốc gia- dân tộc mình. Công cuộc cải cách của Trung Quốc nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; công cuộc đổi mới của Việt Nam, Lào, Cuba và một số trào lưu xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã chứng tỏ sức sống của chủ nghĩa Mác -Lênin, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Thứ tư, hiện nay “chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”. Tất cả điều đó là những minh chứng cho thấy cách thức phát triển kiểu tư bản chủ nghĩa đang chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn. Những tiền đề cho sự phủ định chủ nghĩa tư bản đang ngày càng chín muồi trong lòng chủ nghĩa tư bản.
Thứ năm, trong 35 năm đổi mới, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”, do đó “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Những thành tựu của 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991), đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.
Như vậy, có thể khẳng định sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là hoàn toàn đúng đắn như Đảng ta đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trương Viên