Cho đến bây giờ, nhiều người chỉ biết đến cuộc tiến công ồ ạt của 60 vạn quân Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ ngày 17/2 đến ngày 16/3/1979. Nhưng ít người biết rằng, sau khi rút quân, Trung Quốc tiếp tục cuộc xung đột, lấn chiếm biên giới dai dẳng, ác liệt, nhằm “làm chảy máu Việt Nam” kéo dài đến 10 năm sau
Sau cuộc tiến công toàn tuyến biên giới Việt Nam tháng 2/1979 bị thất bại thảm hại, Trung Quốc vẫn không từ bỏ ý đồ khiêu khích và tiến công quân sự nước ta. Từ tháng 3/1979 đến đầu năm 1989, Trung Quốc tiếp tục duy trì một lực lượng quân đội rất lớn áp sát biên giới, thường xuyên dùng pháo binh và bộ binh tiến công lấn chiếm nhiều vùng biên giới trên bộ của Việt Nam.
Trên địa bàn tỉnh Hà Tuyên, từ tháng 4/1979 đến tháng 12/1980, quân Trung Quốc 282 lần bắn pháo sang đất Việt Nam, xâm nhập vũ trang 157 vụ. Các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh Hà Tuyên đã đánh trả 45 trận, trong đó 44 trận đánh trả bằng pháo binh, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch.
Ngày 15/10/1980, quân Trung Quốc sử dụng 1 trung đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn pháo binh lấn chiếm điểm cao 1992, thuộc huyện Xín Mần. Lực lượng vũ trang tại chỗ của ta đã chiến đấu kiên cường, diệt 200 tên địch.
Ngày 31/3/1981, quân Trung Quốc dùng 1 đại đội tiến công biên phòng đồn Săm Pun, huyện Mèo Vạc.
Ngày 7/5/1981, Trung Quốc tiếp tục sử dụng lực lượng lớn bộ binh và pháo binh mở cuộc tiến công lớn sang Việt Nam, lấn chiếm điểm cao 1800A, 1800B thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên.
Đến ngày 25/5/1981, Trung Quốc tiếp tục huy động 2 trung đoàn bộ binh đánh chiếm điểm cao 1688 của Việt Nam, thuộc địa bàn xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Tuyên.
Cũng trong tháng 5/1981, trên khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, Trung Quốc sử dụng lực lượng một lực lượng quân sự lớn quy mô sư đoàn, có pháo binh chi viện, tiến công đánh chiếm toàn bộ khu vực bình độ 400, thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, có điểm chúng lấn chiếm sâu vào đất ta 600m. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở đây đã diễn ra hết sức quyết liệt, nhiều lần quân ta chiếm lại được bình độ 400 nhưng sau đó, địch dùng pháo binh và bộ binh phản kích tái chiếm đóng trái phép lãnh thổ Việt Nam.
Trong năm 1983, quân Trung Quốc tiếp tục bắn pháo và xâm nhập trái phép Việt Nam, chỉ trong 4 tháng đầu năm, chúng đã bắn 13.000 quả đạn pháo trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Đặc biệt từ đầu năm 1984, địch pháo kích ác liệt vào nhiều điểm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam và tiến công lấn chiếm một số điểm trên biên giới thuộc các tỉnh Hà Tuyên, Cao Bằng và Lạng Sơn.
Trước những hành động xâm lấn của địch, các đơn vị vũ trang Việt Nam đã kịp thời đánh trả.
Tại Tràng Định, Lạng Sơn, quân ta tổ chức vây ép suốt 2 tháng, đánh bại hành động lấn chiếm của địch, buộc chúng phải rút khỏi các điểm cao 820 và 636. Tại huyện Đình Lập, quân ta tập kích đánh chiếm lại điểm cao 412 ở khu vực bản Chắt.
Tại tỉnh Cao Bằng, pháo binh của ta bắn chế áp trận địa pháo địch ở Bình Mãng, phá huỷ 4 khẩu pháo của địch, vây ép buộc chúng phải rút khỏi khu vực mốc 26 và 27 thuộc huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng.
Trên tuyến biên giới tỉnh Hà Tuyên, địch dùng 1 sư đoàn bộ binh và 5 trung đoàn pháo binh đánh chiếm các điểm cao 226,233, bình độ 300 và 400, điểm cao 722, 1509 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.
Một lính Trung Quốc bị tiêu diệt khi đang cắm cờ lấn chiếm điểm cao 1509 tại Vị Xuyên, Hà Tuyên (Ảnh tư liệu)Trước những hành động lấn chiếm của địch, tháng 6 và 7/1984, quân ta tổ chức đánh chiếm lại các điểm cao. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị trận đánh không tốt, nên trận tiến công ngày 12/7/1984 không thành công, quân ta tổn thất lớn, hơn 600 cán bộ chiến sĩ hi sinh[1].
Từ năm 1985 đến đầu năm 1989, Trung Quốc tiếp tục mở nhiều đợt tiến công vào các trận địa phòng ngự của ta ở huyện Vị Xuyên, trong đó, riêng ngày 14/10/1986, chúng đã bắn 35.000 quả đạn pháo các loại. Đặc biệt, ngày 7/1/1987, chúng bắn hơn 60.000 quả đạn pháo và huy động 1 sư đoàn bộ binh liên tục mở các đợt tiến công các điểm cao 233, 685,1100,1509 thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Tuyên. Đây là ngày địch tấn công, bắn phá nhiều nhất so với nhiều ngày trước đó. Có nơi, pháo địch bắn vào sâu đất Việt Nam tới 18 km, chỉ cách Thị xã Hà Giang 2 km về phía Bắc.
Ngày 14/10/1987, quân Trung Quốc tiếp tục bắn sang đất Việt Nam 35.000 quả đạn pháo.
Trước hành động xâm lược của quân địch, quân và dân ta trên tuyến biên giới đã kịp thời đánh trả quyết liệt, đẩy lùi tất cả các cuộc tấn công lấn chiếm của địch. Chỉ tính trong 3 ngày đầu năm 1987, quân ta đã đánh thiệt hại 5 trung đoàn quân Trung Quốc, tiêu diệt gần 1.500 tên xâm lược, phá hủy và thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh, bảo vệ vững chắc vùng biên giới của Tổ quốc.
Mặc dù xung đột vũ trang xảy ra hết sức ác liệt nhưng Việt Nam vẫn thể hiện tính nhân đạo cao cả đối với nhân dân Trung Quốc.
Trên tinh thần nhân đạo, sau trận chiến ác liệt những ngày đầu năm 1987, Việt Nam cho phép phía Trung Quốc sang thu lượm hàng nghìn xác binh sĩ tử trận về bên kia biên giới.
Về phần mình, Trung Quốc cũng có những thời điểm ngừng bắn để ta giải quyết vấn đề tử sĩ.
Ngày 8/4/1987, tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Việt Nam trao trả cho phía Trung Quốc 8 người Trung Quốc bị bắt giữ do xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam. Ngày 13/7/1987, Việt Nam tiếp tục thả 72 thuyền nhân Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.
Pháo binh Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (Ảnh tư liệu)
Ngày 1/8/1987, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Lạng Sơn đã gửi lời chia buồn tới người dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sau một trận bão gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhân dân tỉnh Quảng Tây.
Tháng 9 và tháng 10/1987, Nhân dịp Quốc khánh của Việt Nam (2/9/1945) và Trung Quốc (1/10/1949), Việt Nam thả 26 người Trung Quốc xâm nhâp trái phép Việt Nam; phía Trung Quốc cũng thả 34 người Việt Nam bị họ bắt giữ trái phép.
Tháng 11/1987, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục nhắc lại tinh thần sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc bất cứ ở đâu, vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ cấp nào, nhằm tìm một giải pháp chính trị được hai bên chấp nhận, nhằm khôi phục sớm nhất các quan hệ bình thường giữa hai nước cũng như tình bằng hữu lâu năm giữa hai dân tộc . Báo Nhân Dân ngày 27/11/1987 có bài Xã luận trình bày rõ chủ trương này. Tuy nhiên, thiện chí trên của Việt Nam đã không được phía Trung Quốc đáp lại.
Sở dĩ Trung Quốc không đáp lại những thiện chí của Việt Nam bởi đang toan tính âm mưu lấn chiếm lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Không lâu sau đó, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo và bãi cạn của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa.
Ngày 12/5/1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị hai bên đàm phán về biên giới trên bộ, nhằm sớm chấm dứt tình trạng căng thẳng ở biên giới giữa 2 nước, để nhân dân hai nước ở vùng biên giới được sống trong yên ổn và xây dựng hòa bình và để đường biên giới hai nước trở thành đường biên giới hòa bình hữu nghị.
Đầu năm 1989, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đinh Nho Liêm sang thăm Trung Quốc từ ngày 16 đến ngày 20/1/1989 để thảo luận vấn đề bình thường hoá quan hệ giữa hai nước và các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Đến đầu năm 1989, sau khi Việt Nam tuyên bố sẽ rút hết quân ở Campuchia về nước trước thời hạn trong năm 1989, Trung Quốc dừng các hoạt động xâm lấn Việt Nam nhưng vẫn duy trì lực lượng quân sự lớn dọc biên giới tiếp giáp Hà Tuyên.
Trong 10 năm (1979-1989), tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang và nhân dân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Hải Đăng
[1]Cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Hà Tuyên coi ngày 12/7 là Ngày giỗ trận.