Những năm cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhà cầm quyền và các học giả ở các nước tư bản phương Tây với chế độ đa nguyên, đa đảng chính trị đã đưa ra luận điệu “phi chính trị hóa” quân đội, cảnh sát nhằm hạn chế lực lượng này can thiệp vào các cuộc tranh dành quyền lực chính trị. Họ yêu cầu giới chức trách quân sự phải giữ trung lập với lý do nếu chính trị vượt qua năng lực, phạm vi quân đội và sự can dự của sỹ quan quân đội vào chính trị sẽ phá hoại tính chuyên nghiệp của họ… Đó là những luận điệu giả hiệu, dối trá chống lại quan điểm của học thuyết Mác - Lênin về bản chất giai cấp của lực lượng vũ trang.
Lực lượng Công an Nhân dân - "Thanh bảo kiếm" bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Ảnh: Internet
Theo quan điểm của học thuyết Mác - Lênin, lịch sử phát triển của xã hội loài người từ khi có giai cấp, có nhà nước cho đến nay lực lượng quân đội, cảnh sát luôn luôn gắn bó chặt chẽ với giai cấp, với nhà nước sinh ra nó. Đúng như Ph.Ănghen đã viết: “không có cảnh sát, nhà nước không thể tồn tại được”[1]. Sau này V.I.Lênin đã kế thừa và bảo vệ những quan điểm của C.Mác, Ph.Ănghen về xây dựng quân đội, cảnh sát kiểu mới và chỉ rõ: “quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giám sát tư sản và chế độ Nga hoàng, bọn này bao giờ cũng lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”[2]. Đồng thời, V.I.Lênin cũng nêu ra những nguyên tắc cơ bản về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới. Trong đó, nguyên tắc Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang là nguyên tắc quan trọng nhất.
Vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại vô hại”[3]. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là quân đội của nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[4]. Đối với lực lượng công an nhân dân, Người cũng chỉ rõ: Lực lượng công an nhân dân “là bộ phận của bộ máy nhà nước nhân dân dân chủ, chuyên chính tiến tới chủ nghĩa xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ của dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của dân”[5].
Không có và không bao giờ có “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”.
Ở Việt Nam hiện nay, trên các phương tiện thông tin, nhất là mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị trong nước và nước ngoài đã và đang đưa ra những lý lẽ đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, với âm mưu nhằm tách lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho những lực lượng này mất phương hướng, mục tiêu chiến đấu và bị vô hiệu hoá. Để đấu tranh làm thất bại âm mưu đó của các thế lực thù địch, trong thời gian tới cần tập trung giải quyết, thực hiện triệt để các giải pháp sau:
Một là, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân rằng “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là luận điệu phản động, phản Mác-xít và không phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuyệt đối trung thành, giữ vững nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội nhân dân và công an nhân dân. Quán triệt và tuân thủ nghiêm quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Hai là, không ngừng hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang phù hợp với tình hình mới, hoàn thiện hệ thống và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong quân đội và công an; xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân thực sự trung thành, tin cậy về chính trị, xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý thực hiện chủ trương của Đảng đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”[6]. Xử lý nghiêm minh những phần tử phản động, thoái hóa biến chất “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở trong nước và nước ngoài nói chung, trong lực lượng vũ trang nói riêng.
Bốn là, tích cực đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm vào Việt Nam, phản bác sự phi lý của luận điệu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang bằng những lập luận khoa học, căn cứthực tiễn thuyết phục. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn những nguồn thông tin xấu, độc tiếp cận người dân Việt Nam nói chung và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nói riêng.
[1]C.Mác - Ăngghen: Tuyển tập, tập 6, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.184.
[2]V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, M.1979, t.12, tr.136.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.217.
[4]Hồ Chí Minh, sđd, tập 14, tr.345.
[5]Hồ Chí Minh, sđd, tập 11, tr.247.
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 157-158.
Đức Thảo