Liên hợp quốc ra đời ngày 24-10-1945 với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tạo môi trường ổn định bền vững để hợp tác và phát triển. Trải qua gần 77 năm hình thành và phát triển, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đã thu hút sự tham gia hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập, với một hệ thống toàn diện hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc vào ngày 20-9-1977. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn, trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, sở hữu nền kinh tế lạc hậu, lại chìm giữa làn sóng bao vây, cấm vận.
Kết nạp Việt Nam làm thành viên, Liên hợp quốc đã mở đường để một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập tham gia vào các cơ chế quốc tế. Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam thiết lập quan hệ rộng mở với thế giới, từ đó không chỉ tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế cho tái thiết đất nước, mà đã ngày càng tham gia, đóng góp sâu rộng hơn vào các công việc chung của Liên hợp quốc và toàn cầu. Liên hợp quốc cũng luôn là một trong những tổ chức đi đầu giúp đỡ Việt Nam hoạch định các chính sách và chương trình hành động về đổi mới, cải cách kinh tế, cải cách hệ thống pháp luật, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế.
Về phần mình, cùng với các thành tựu về đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đóng góp vào các công việc chung của Liên hợp quốc với tinh thần trách nhiệm cao. Cụ thể, nước ta đã tham gia hoạch định những chương trình nghị sự quốc tế dựa trên không chỉ lợi ích quốc gia mà còn với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế để tạo ra sân chơi bình đẳng giữa nước lớn, nước nhỏ, vì hòa bình, an ninh và phát triển dựa trên luật pháp quốc tế.
Năm 2000-2002, Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng chấp hành Chương trình phát triển Liên hợp quốc. Năm 2012-2015, là nước đầu tiên có một Ngôi nhà xanh chung của Liên hợp quốc. Năm 2017, tham gia Kế hoạch Chiến lược chung mới giai đoạn 2017-2021. Năm 2016-2018, trở thành thành viên Hội đồng kinh tế xã hội. Năm 2020-2021, Liên hợp quốc thông qua Ngày quốc tế chống dịch bệnh 27-12 do Việt Nam đề xuất; đóng góp cho Quỹ Ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc và cơ chế tiếp cận công bằng với vắc xin (COVAX); trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu của Liên hợp quốc (MEDEVAC).
Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào vấn đề bảo vệ quyền con người, khi từ giai đoạn 2014-2016 đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền; tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Về hòa bình và an ninh, từ năm 1996 đến 1998, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Năm 2008-2009, Việt Nam lần đầu trở thành Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; năm 2018, ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước. Từ năm 2017 đến năm 2021, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại phái bộ ở Nam Sudan và 1 đội công binh tại phái bộ ở Abyei. Năm 2020-2021, Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm và hoàn thành xuất sắc trọng trách Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trên chặng đường 45 năm là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã luôn kết hợp hài hòa giữa bảo đảm lợi ích quốc gia với việc đóng góp một cách tích cực, trách nhiệm, thực chất và hiệu quả vào các công việc chung. Những kết quả đạt được đã tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên; đồng thời hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thời gian tới, phát huy những thành tựu đã đạt được sau 45 năm đồng hành, bám sát chủ trương đối ngoại của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Việt Nam dù ở bất kỳ cương vị hay đảm nhiệm trọng trách nào, sẽ luôn tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho những mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc.
Theo Hanoimoi.com.vn