Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đã để lại một sự nghiệp vẻ vang với những đóng góp lớn lao trên nhiều phương diện cho đất nước. Di sản của đồng chí gắn liền với thành tựu trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta. Cả cuộc đời cách mạng của mình, đồng chí đã không ngừng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các tư tưởng lệc lạc, sai trái.
Trong “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”[1], đồng chí Đào Duy Tùng đã chỉ rõ những tàn dư tư tưởng phi vô sản trong cán bộ, đảng viên tác động tiêu cực tới vấn đề tư tưởng của Đảng, đó là sự hỗn hợp của nhiều loại tư tưởng cũ, trong đó có tư tưởng tiểu tư sản, tư tưởng tư sản, tư tưởng phong kiến. Đồng chí xác định nguồn gốc của những loại tư tưởng này, chính là những tàn dư tư tưởng văn hóa của chủ nghĩa thực dân, vốn mang ý đồ thâm độc là “xóa bỏ tất cả những gì tốt đẹp tạo nên tâm hồn Việt Nam, thay vào đó bằng văn hóa phản động, đồi trụy của chúng”. Đồng chí nhận diện những thủ đoạn một cách có hệ thống của “bọn đế quốc” nhằm gieo rắc quan điểm tư sản trong nhiều lĩnh vực của đời sống thuộc địa. Chúng đem sách, báo, phim ảnh nội dung xấu nhằm đầu độc thanh, thiếu niên thông qua hàng trăm tờ báo và tạp chí, hệ thông phát thanh truyền hình, hàng chục nhà xuất bản ngày đêm tung tin tức phản động vào trong nước, nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng ta, ca tụng chế độ tư bản, truyền bá văn hóa lai căng.
Đồng chí Đào Duy Tùng chỉ ra âm mưu cố hữu của các thế lực thù địch, luôn tìm cách chống phá cách mạng Việt Nam, hòng làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta: “Bọn phản động lợi dụng những nhược điểm, khuyết điểm của ta trong công tác quản lý, đời sống quần chúng còn khó khăn, để gieo rắc hoài nghi đối với chế độ, hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng…”[2]. Âm mưu, thủ đoạn đó không ngừng được các thế lực thù địch triển khai một cách quyết liệt và tinh vi. Theo đồng chí Đào Duy Tùng, “Đó là những luận điệu gieo rắc hoài nghi đối với chế độ mới, hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, đề cao chủ nghĩa cá nhân tư sản, khuyến khích sự hưởng thụ vật chất”[3], do đó đe dọa trực tiếp tới tư tưởng trong Đảng và các cơ quan của Nhà nước.
Nhìn nhận rõ những biểu hiện của tư tưởng phi vô sản, đồng chí Đào Duy Tùng chỉ ra những nguy cơ, tác hại: trên thực tế, tư tưởng tiểu tư sản, tư tưởng tư sản, tư tưởng phong kiến đã có tác động đến nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên với những biểu hiện khác nhau. Về mặt chính trị, là sự dao động, hữu khuynh và tả khuynh mà hữu khuynh là chủ yếu. Nó thể hiện tình trạng dao động, thậm chí có lúc giảm sút lòng tin vào đường lối của Đảng, hiểu không đúng về đấu tranh giai cấp. Về mặt ý thức tư tưởng, là chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện dưới nhiều màu sắc: tham ô, địa vị, cầu an, ngại khó, làm việc cầm chừng; thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm, bản vị, địa phương, cục bộ, báo cáo sai sự thật, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; tự mãn, lười suy nghĩ, lười học tập… Về phương pháp, là bệnh chủ quan một chiều, biểu hiện phổ biến trong việc đánh giá tình hình, thiếu xem xét toàn diện, thiếu phân tích khoa học; trong việc quyết định chủ trương thì dựa vào cảm tính, căn cứ vào nguyện vọng chủ quan, không nắm vững quy luật khách quan, không xuất phát từ thực tế, thiếu điều tra nghiên cứu.
Nói riêng tàn dư tư tưởng phong kiến thì sự ảnh hưởng thể hiện chủ yếu ở quan điểm đạo đức, thế giới quan. Đó là thái độ coi thường lao động, tư tưởng địa vị, công thần, hiện tượng mê tín dị đoan, quan niệm lạc hậu trong cưới xin, ma chay, cúng bái, tư tưởng may rủi trong làm ăn, phân biệt đối xử người trên, kẻ dưới, giữa đàn ông và phụ nữ… Còn đối với trong Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng cho rằng, tàn dư tư tưởng phong kiến thể hiện trong quan điểm đánh giá cán bộ, thường nhấn mạnh một chiều mặt phẩm chất, đạo đức mà không chú trọng đầy đủ đến năng lực công tác, lấy quá trình cống hiến làm thước đo chính về phẩm chất và năng lực mà không chú ý đầy đủ đến khả năng đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay. Quan điểm về phẩm chất đạo đức cũng theo kiểu phong kiến. Đề bạt cán bộ theo lối xếp ngôi thứ, sống lâu lên lão làng, coi thường cán bộ trẻ, chỉ nhìn về quá khứ hay chủ yếu nhìn về quá khứ, coi quá khứ là tất cả. Đối xử không bình đẳng với phụ nữ, không đánh giá đúng năng lực công tác của cán bộ nữ, thậm chí coi thường phụ nữ. Một biểu hiện khác của tàn dư tư tưởng phong kiến là một số cán bộ, đảng viên bị ảnh hưởng nặng chữ “nhàn” của nhà nho. Tư tưởng phong kiến còn thể hiện ra ở các tác phong độc đoán, quan liêu, gia trưởng[4].
Những biểu hiện đó nếu không được ngăn chặn, khắc phục kịp thời, hiệu quả thì sẽ đe dọa trực tiếp tới nền tảng tư tưởng của Đảng, ảnh hưởng đến sự thống nhất về nhận thức, hành động và uy tín của Đảng. Đồng chí nhận thấy tình hình đó làm nổi bật vị trí quan trọng và tính chất cấp bách của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống tư tưởng phi mác xít.
Trên mặt trận đấu tranh ấy, đồng chí Đào Duy Tùng đã đề xuất những định hướng, giải pháp nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống tư tưởng phi mác xít. Trước hết là sự coi trọng công tác nghiên cứu, phát triển lý luận. Nhằm khẳng định hơn nữa nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng nhấn mạnh vai trò của công tác nghiên cứu lý luận. Đồng chí nhận định rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta có nhiều thành tựu trong việc vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lênin, khẳng định sự phát triển lý luận của Đảng ta là tương đối toàn diện. Theo tinh thần đó, đồng chí Đào Duy Tùng cho rằng, còn phải tăng cường công tác lý luận hơn nữa để theo kịp sự phát triển của tình hình thực tế ở trong nước và trên thế giới. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đời sống hiện thực của đất nước đặt ra nhiều vấn đề đòi hòi Đảng ta phải trả lời, giải đáp thỏa đáng về mặt lý luận. Đồng chí còn lưu ý: “phải thấy rõ chúng ta đứng trước tình hình là các thế lực thù địch, cơ hội chủ nghĩa trong nước và ngoài nước đang tiến công về tư tưởng, lý luận, nhằm làm cho ta đi chệch khỏi con đường đã lựa chọn. Cho nên trong quá trình bảo đảm sinh hoạt tư tưởng, lý luận theo nguyên tắc của Đảng, không thể buông lỏng cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch, cơ hội”[5].
Song song với đó, cần giáo dục, phổ biến sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tình cảm cách mạng. Đồng chí Đào Duy Tùng cho rằng, phải tập trung giáo dục, tuyên truyền hiệu quả chủ nghĩa Mác – Lênin; “cần giáo dục sâu sắc tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, làm thấu suốt tính cách mạng và tính khoa học, tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng ta”[6]. Mục đích cuối cùng của công tác tư tưởng theo đồng chí Đào Duy Tùng là “bồi dưỡng, xây dựng những tư tưởng, những tình cảm tốt đẹp, những hiểu biết khoa học cho cán bộ, đảng viên cũng như cho nhân dân lao động để họ dùng vũ khí tư tưởng đó tham gia vào việc cải tạo xã hội, cải tạo tự nhiên và rèn luyện bản thân, xây dựng con người mới”[7]. Tất nhiên, công tác tư tưởng phải gắn chặt chẽ với công tác tổ chức bởi đây “là một quy luật trong công tác xây dựng Đảng ta. Đó cũng là một nhân tố then chốt để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị”[8].
Cùng với đó là phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng chí Đào Duy Tùng đã sớm ý thức được vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông và việc phát huy tối đa vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, đồng chí ý thức rất rõ về tầm quan trọng của thông tin kịp thời, chính xác. Tất nhiên, để phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhất định phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình), các tổ chức văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học và hệ thống giáo dục quốc dân.
Bên cạnh đó là việc kết hợp “xây” và “chống” trong công tác tư tưởng, lý luận. Trong công tác tư tưởng, lý luận, đồng chí Đào Duy Tùng phản đối quan điểm “tô hồng” làm cho quần chúng say sưa với thành tích, thắng lợi, không thấy hết khó khăn, khuyết điểm cần khắc phục. Đồng thời, cũng kiên quyết chống lại quan điểm “bôi đen”, chỉ khuếch đại khuyết điểm, sai lầm, khó khăn nhất thời mà không thấy hoặc phủ nhận thành tích, thắng lợi. Cho nên, việc xây dựng tư tưởng mới không thể không đi liền với việc phê phán, chống những tàn dư tư tưởng phi vô sản. Có khắc phục, có đánh bại được tư tưởng phi vô sản thì tư tưởng mới, phẩm chất mới, mới hình thành, phát triển. Mặt khác, việc khắc phục những tư tưởng phi vô sản chỉ có thể tiến hành có kết quả khi đã sử dụng đúng đắn tư tưởng mới vào việc phân tích, mổ xẻ, phê phán tư tưởng phi vô sản. Do vậy, ngay quá trình “chống” cũng là quá trình “xây”, giữa “xây” và “chống” trong quá trình giáo dục tư tưởng có quan hệ biện chứng với nhau…
Tóm lại, một nội dung quan trọng trong di sản cách mạng của đồng chí Đào Duy Tùng chính là thành tựu lý luận và thực tiễn về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác tư tưởng phi mácxít, qua đó củng cố sự kiên định về mặt tư tưởng trong nội bộ Đảng, vun đắp niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước. Những đóng góp về lý luận, thực tiễn của đồng chí Đào Duy Tùng tiếp tục làm sáng lên ngọn lửa của trí tuệ, nhiệt huyết, sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.
[1] Đào Duy Tùng (2001), Tuyển tập Đào Duy Tùng. NXB Chính trị quốc gia. Tập 1. Tr.10.
[2] Đào Duy Tùng (2001), Tuyển tập Đào Duy Tùng. NXB Chính trị quốc gia. Tập 1. Tr.158.
[3] Đào Duy Tùng (2001), Tuyển tập Đào Duy Tùng. NXB Chính trị quốc gia. Tập 1. Tr.505.
[4] Đào Duy Tùng (2001), Tuyển tập Đào Duy Tùng. NXB Chính trị quốc gia. Tập 1. Tr.161-162.
[5] Đào Duy Tùng (1998), Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (xuất bản lần thứ 2). NXB Chính trị quốc gia, tr 222-223.
[6] Đào Duy Tùng (2001), Tuyển tập Đào Duy Tùng. NXB Chính trị quốc gia. Tập 1. Tr.154.
[7] Đào Duy Tùng (2001), Tuyển tập Đào Duy Tùng. NXB Chính trị quốc gia. Tập 1. Tr.433-434.
[8] Đào Duy Tùng (2001), Tuyển tập Đào Duy Tùng. NXB Chính trị quốc gia. Tập 1. Tr.447.
Tuấn Anh - Minh Văn