1. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác, giai cấp vô sản Pháp đã lật đổ bộ máy nhà nước tư sản, giành được chính quyền, lập nên Công xã Pari năm 1871 - một nhà nước vô sản kiểu mới. Mặc dù chỉ tồn tại trong 72 ngày (18/3/1871 – 28/5/1871), nhưng như V.I.Lênin đánh giá: “Công xã Pari là kiểu mẫu vĩ đại nhất của phong trào vô sản trong thế kỷ XIX” và “trong phong trào hiện nay, tất cả chúng ta đều dựa vào kinh nghiệm của Công xã”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đúc rút bài học quý giá: “Cách mệnh Pháp hy sinh rất nhiều người mà không sợ; ta muốn làm cách mệnh thì cũng không nên sợ phải hy sinh”.
Sau Công xã Pari, với quá trình hoạt động tích cực, sáng tạo, lãnh tụ V.I.Lênin đã phát triển học thuyết Mác, vận dụng vào thực tiễn, đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và thành lập nhà nước Liên Xô năm 1922. Chính Lênin khẳng định: Chúng ta tự hào là có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xô viết, mở đầu thời đại cầm quyền của một giai cấp mới. Đối với Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Mười giống như mặt trời chói lọi, chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người. Đây là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một nước lớn là Liên Xô, rộng 1/6 diện tích thế giới.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại.
Thực tế lịch sử đó đã đập tan luận điệu của những kẻ phản động rêu rao “một bóng ma ám ảnh châu Âu”; đồng thời, tác động sâu sắc, làm cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều Đảng Cộng sản trên thế giới được thành lập, thúc đẩy quá trình tiếp nhận và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Đặc biệt, trong bối cảnh ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và dân tộc Việt Nam quyết định lựa chọn đi theo con đường cách mạng vô sản.
2. Chủ nghĩa xã hội hiện thực qua quá trình hình thành và phát triển, vận động qua những giai đoạn thăng trầm, tuy có những hạn chế, nhưng đã tỏ rõ tính ưu việt, phù hợp với xu thế thời đại. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, chủ nghĩa xã hội hiện thực đóng góp to lớn cho lịch sử phát triển nhân loại.
Một là, chủ nghĩa xã hội hiện thực phản ánh những bước thăng trầm của một hệ thống xã hội có thể chế chính trị, loại hình nhà nước, cách thức tổ chức và quản lý sản xuất, tham gia và giải quyết các mối quan hệ quốc tế, định hình quy tắc ứng xử giữa người với người, giữa con người với tự nhiên mà chủ nghĩa tư bản phải gờm mình vì coi đây là một hệ thống đối lập.
Do đó, giá trị mà chủ nghĩa xã hội đóng góp cho lịch sử nhân loại là hiện thực khách quan không thể phủ nhận. Về chính trị, xây dựng nhà nước kiểu mới, xóa bỏ tình trạng áp bức, bóc lột bất công, thực hành dân chủ rộng rãi. Về văn hóa, giáo dục, khoa học, phát triển nền văn hóa mới, tập trung phát triển giáo dục toàn dân, phát triển khoa học tiên tiến, đạt trình độ cao. Về xã hội, giải phóng con người triệt để, thực hiện công bằng, bình đẳng xã hội. Về đối ngoại, giúp đỡ các nước cùng chế độ chính trị, cùng hoàn cảnh phát triển kinh tế, khoa học, giáo dục, góp phần gìn giữ hòa bình thế giới, giải phóng hàng tỷ người trên trái đất thoát khỏi thảm họa chiến tranh.
Hai là, mô hình chủ nhĩa xã hội hiện thực ở các nước có sự khác nhau và có thể không hoàn toàn rập theo khuôn mẫu mà Mác - Lênin vạch ra từ ban đầu, nhưng chủ nghĩa xã hội hiện thực đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân lao động toàn thế giới, đáp ứng đòi hỏi về sự tiến hóa của nhân loại là xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công.
Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ước mơ cao đẹp, từ sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực của nhân loại, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn hàng tỷ người vào hành động vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Các nước xã hội chủ nghĩa đã góp phần làm phát triển mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc; nó không chỉ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế cho nhân dân lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn thúc đẩy trào lưu đấu tranh cho nền tự do, dân chủ ở các nước tư bản và trên toàn thế giới.
Ba là, hệ thống xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô một thời là điểm tựa của phong trào cách mạng thế giới; sát cánh cùng phong trào cách mạng thế giới, ủng hộ vật chất và tinh thần, củng cố niềm tin; là tường thành vững chắc đối phó và ngăn cản sự chống phá của các thế lực đối lập; đóng góp to lớn vào việc tiêu diệt thảm họa phát xít, ngăn chặn chiến tranh thế giới, bảo vệ hòa bình cho nhân loại.
Thực tế nửa sau thế kỷ XX, thế giới chứng kiến những “dòng thác cách mạng” tiến công và uy hiếp sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Đó là phong trào phát triển chủ nghĩa xã hội; phong trào giải phóng dân tộc của các thuộc địa Á, Phi, Mỹ Latinh; phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và lực lượng lao động trong các nước tư bản.
Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội của Đổi mới. Ảnh: Tư liệu.
Bốn là, chủ nghĩa xã hội tồn tại trên thế giới, dù gián tiếp hay trực tiếp, ở mức độ nhiều hay ít đều tác động tới chính sách của các nước tư bản, buộc các nước tư bản phải điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi hơn cho nhân loại. Với sức ép của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước phương Tây phải nhượng bộ và chấp nhận thực tế rất nhiều yêu sách đó.
Năm là, sau sự tan rã, sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, sức sống, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của mình, Trung Quốc và Việt Nam cũng như một số quốc gia khác từng bước xác định rõ hơn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, vươn lên phát triển mạnh mẽ; trở thành mẫu hình cho nhiều nước khác trên thế giới học tập kinh nghiệm. Thành công của đường lối cải cách ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam trên các lĩnh vực góp phần làm phong phú thêm lý luận về con đường và mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội; là thực tiễn sinh động làm tăng thêm tin tưởng vào tương lai thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.
Từ thực tế thành công của Trung Quốc và Việt Nam, nhiều nơi trên thế giới có xu hướng muốn đi theo chủ nghĩa xã hội, nhất là khu vực châu Mỹ La tinh. Nó chứng minh rằng: sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không thuộc về bản chất của chủ nghĩa xã hội, càng không thể coi là tất yếu như một số quan điểm sai trái, thù địch rêu rao.
3. Theo logic tiến hóa của lịch sử xã hội, nhất định loài người sẽ tiến tới chủ nghĩa cộng sản, các nước sẽ tiến đến những giá trị của chủ nghĩa xã hội, như V.I.Lênin đã từng nói: “Tất cả các dân tộc đều đi đến xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là điều không tránh khỏi”. Bởi vì, bản chất của chủ nghĩa xã hội nói lên tiếng lòng, nguyện vọng, mơ ước của đại đa số nhân dân lao động; là mục tiêu phấn đấu của mọi dân tộc, mỗi con người hướng tới dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ nghĩa xã hội hiện thực đã có nhiều đóng góp khách quan vào tiến bộ nhân loại. Dù lịch sử biến động và các thế lực thù địch, phản động cố tình xuyên tạc như thế nào, thì cũng không thể phủ nhận được hiện thực đó. Việt Nam kiên định con đường chủ nghĩa xã hội là một lựa chọn đúng đắn, phù hợp với thực tế Việt Nam và xu thế thời đại.
Lê Mật