Các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng để phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu độc, phản động, gây mất ổn định an ninh chính trị, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và Nhân dân.
Tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội
Theo thống kê từ Statista, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội,với khoảng 73,6 triệu người sử dụng mạng xã hội, 65,56 triệu người sử dụng Facebook, 66,63 triệu người sử dụng YouTube,... Mạng xã hội có độ phủ sóng rộng, tốc độ lan truyền nhanh đã thực sự trở thành “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Các blogger như Nguyễn Ngọc Như Huỳnh (biệt danh mẹ Nấm), hay Bùi Thanh Hiếu (biệt danh Hiếu buôn gió), luật sư Nguyễn Văn Đài… thường xuyên sử dụng facebook, youtube đưa tin bịa đặt, xuyên tạc những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Khoác “chiếc áo” dân chủ, những đối tượng phản động dùng nhiều thủ đoạn để lèo lái dư luận xã hội theo ý đồ của chúng. Điển hình như vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khi một nhóm đối tượng có tổ chức, manh động, được trang bị vũ khí, tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và UBND xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin vào ngày 11/6/2023 đã làm 9 người thiệt mạng (4 cán bộ công an, 2 cán bộ xã, 3 người dân) và làm bị thương một số người. Trong khi công tác điều tra, xác định nguyên nhân đang được các lực lượng chức năng thực hiện đúng trình tự thì lúc này đối tượng Nguyễn Văn Đài ra sức bóp méo, xuyên tạc, kích động người dân. Đối tượng vu khống Việt Nam đàn áp tôn giáo, gây chia rẽ các dân tộc Tây nguyên. Bên cạnh đó hàng loạt các cá nhân, tổ chức phản động (Uỷ ban cứu người vượt biển (BPSOS), RFA…) thừa cơ hội này đăng tin vu cáo, xuyên tạc chính quyền đàn áp người Thượng.
Trước những lời lẽ phân tích bên ngoài là đứng về phe dân chủ, đấu tranh để đòi quyền lợi cho người dân nhưng thực chất sâu xa bên trong là chia rẽ, kích động người dân gây rối, chống đối chính quyền. Vì vậy, mỗi người dân tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo khi tiếp cận, chia sẻ, bình luận, không tham gia các hội nhóm không rõ ràng. Đó cũng là một cách để bảo vệ mình trên không gian mạng, tránh sử dụng mạng xã hội sai quy định của pháp luật, dẫn đến vi phạm pháp luật như nhiều trường hợp đã bị xử lý thời gian vừa qua, thậm chí một số trường hợp bị bắt giam vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật hình sự và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tỉnh táo nhận định “đỏ” và “đen”
Phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái là một trong những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra. Đó là căn bệnh “a dua”, chạy theo số đông mà không cần biết đúng sai, không tìm hiểu rõ bản chất vấn đề.
Lợi dụng thói a dua, tâm lý thích nổi bật, những phần tử phản động, thù địch triệt để lợi dụng căn bệnh này để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chúng tổng hợp, nhào nặn nhằm tạo ra những thông tin nghe qua tưởng chừng có cơ sở khách quan nhưng trên thực tế là đã khéo léo cài cắm những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo nhằm đánh lạc hướng dư luận. Chúng triệt để lợi dụng những người có ảnh hưởng tới cộng đồng (KOLS) lan truyền những thông tin trái sự thật được thu lượm từ những phát ngôn bừa bãi, từ những kẻ a dua gây nhiễu thông tin khiến dư luận hoang mang.
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc mà một bộ phận đảng viên, nhân dân đã đọc, đã nghe nhưng thiếu tỉnh táo, không phân biệt được đúng sai, thật giả mà bấm like, bình luận, chia sẻ. Thậm chí, nhiều người có biểu hiện dao động, mất lòng tin, dẫn tới hùa theo và xa hơn là “tự diễn biến”, rơi vào bẫy “không chiến tranh mà chiến thắng” của các thế lực thù địch.
Tỉnh táo trước cám dỗ
Thông qua mạng xã hội, thế lực phản động ra sức tuyên truyền phá hoại tư tưởng của cán bộ, đảng viên, chia rẽ nội bộ Đảng; xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dư luận xấu trong xã hội. Các đối tượng này đều sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là facebook để tập hợp, mở rộng lực lượng kết nối giữa các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Tài khoản facebook giả mạo “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Đồng thời, chúng lập ra các trang có tên và giao diện tương tự các trang mạng chính thống của Đảng và Nhà nước để gây nên sự nhầm lẫn của người dân. Qua các nội dung tương tác chúng kêu gọi tập hợp lực lượng, để bày tỏ quan điểm đối lập, chống phá; dụ dỗ các đối tượng cơ hội, sai phạm, thoái hóa biến chất tham gia viết bài xuyên tạc, phát tán tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chính trị xấu, độc. Thực tế đã có nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên bị lôi kéo, tham gia tụ tập biểu tình gây mất an ninh trật tự…
Chẳng hạn, năm 2019, tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” có trụ sở tại Mỹ do Đào Minh Quân - quốc tịch Mỹ cầm đầu, chỉ huy đã lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin bằng cách tổ chức chiến dịch trưng cầu dân ý. Hắn hứa hẹn sẽ hỗ trợ tài chính, cấp đất, xây nhà để dụ dỗ một số người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết. Đổi lại những ai đăng ký nhận hỗ trợ sẽ phải tham gia “trưng cầu dân ý” thể hiện quan điểm chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vì lòng tham và sự nhẹ dạ, cả tin nhiều người đã mắc bẫy và vướng vào vòng lao lý.
Tỉnh táo trước những sự kiện, điểm nóng
Những thông tin trên “không gian ảo” - mạng xã hội, rất khó kiểm chứng nên dễ dàng bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng để “tung hoả mù”. Cách thức các chúng sử dụng là tạo dựng, phát tán các thông tin, hình ảnh, video về các vụ việc có nội dung lập lờ, suy diễn về các sự kiện mang tính thời sự, biến những vụ việc không thành có, hay khếch đại những thông tin chưa kiểm chứng, hòng lẫn lộn thật giả để lôi kéo, kích động, định hướng dư luận theo ý đồ đen tối của chúng. Mục đích của chúng là kêu gọi cộng đồng mạng, những người nhẹ dạ cả tin, những phần tử cơ hội, bất mãn tham gia bình luận, chia sẻ, tạo “điểm nóng”. Các đối tượng này triệt để lợi dụng các kênh youtube, facebook, blog cá nhân để “thổi phồng” các vấn đề nhạy cảm của đất nước như dịch Covid-19, vụ Việt Á, các vụ tranh chấp đất đai, vụ tấn công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk… hòng gây ra sự bức xúc và ác cảm của người dân đối với chính quyền. Điều này tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội.
Đừng trở thành “con tin” trên mạng của các thế lực thù địch
Hiện nay, các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước ngày càng ráo riết, quyết liệt hơn trong việc sử dụng mạng xã hội để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta với mức độ ngày càng thường xuyên, liên tục, tần suất cao, phạm vi ngày càng mở rộng, tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt đối tượng chúng hướng đến là giới trí thức trẻ, học sinh, sinh viên. Họ bị xúi giục, kích động đăng tải những nội dung xuyên tạc, sai trái, bịa đặt,… mà không biết đã mắc bẫy của các thế lực thù địch, phản động. Hành động này đã vô tình “nối giáo cho giặc” và nhiều trường hợp đã bị pháp luật xử lí nghiêm minh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích và cả những nguy cơ, thách thức của mạng xã hội, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển và quản lý internet, mạng xã hội. Đồng thời, chúng ta cũng triển khai những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội. Song, quan trọng hơn cả, mỗi người dân cần tỉnh táo, sáng suốt khi tham gia mạng xã hội. Mỗi công dân mạng cần trở thành nhân tố nòng cốt, là “chiến sĩ” trên không gian mạng; phải thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, sự khôn khéo khi đấu tranh trên mạng xã hội, luôn phải tỉnh táo tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, biến thành “con tin” trên không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước.
Nguyễn Thị Thu Sương