Khi nhìn nhận, đánh giá một sự kiện, cần đặt nó trong một bối cảnh lịch sử cụ thể mới có thể có một cái nhìn khách quan, đúng đắn. Bối cảnh lịch sử những năm 80 của thế kỷ XX trên khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến rất phức tạp trước mưu đồ chiếm đóng quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ nhiều phía. Ngày 30/7/1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 06/NQ-TW về đấu tranh bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trước mắt là quần đảo Trường Sa và xác định rõ: “Đây là nhiệm vụ khẩn trương, quyết liệt, lâu dài, là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; không riêng của lực lượng vũ trang mà các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan phải đóng góp tích cực”[1]. Lúc này, dù tiềm lực có hạn, ta đã xây dựng thế trận phòng thủ trên các bãi đá Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le, bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của Trung Quốc ra các đảo, đá lân cận.
Ngày 04/3/1988, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp và xác định: “Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để họ chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại của ta tiếp tế, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa”[2]. Vì vậy, quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao và giao cho Lữ đoàn 125 huy động lực lượng tàu thực hiện nhiệm vụ này.
Tàu HQ-505, con tàu duy nhất không bị chìm đã “ủi bãi” thành công lên đảo Cô Lin sau khi bị tàu địch bắn cháy, trở thành cột mốc chủ quyền sống của Việt Nam. Đảo Cô Lin vì thế được giữ vững đến hôm nay. Với chiến công oanh liệt, tàu HQ-505 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Tư liệu.
Sự kiện Gạc Ma (14/3/1988) chính là đỉnh điểm của một âm mưu đã được Trung Quốc tính toán, triển khai qua nhiều bước nhằm xâm chiếm quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi không thể uy hiếp được bộ đội ta rút khỏi các bãi đá, Trung Quốc đã dùng vũ lực với sức mạnh vượt trội bắn cháy và chìm 3 tàu, khiến cho 64 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương. Ngay sau trận Gạc Ma, Báo Nhân Dân và Báo Hà Nội Mới số ra ngày 15/3/1988 đã đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nêu rõ: “Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc”[3]. Điều này thể hiện bản lĩnh của bộ đội Hải quân trong cuộc đấu trí với kẻ thù, khi đối mặt với các hành động khiêu khích luôn bình tĩnh, khôn khéo tránh xung đột vũ lực nhưng kiên quyết chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đồng thời, Đảng, Nhà nước và quân đội đã sớm nhìn nhận và triển khai kế hoạch nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước tại các thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa. Nó hoàn toàn đối lập với những luận điệu của các phần tử phản động khi nhìn nhận sự kiện Gạc Ma, Việt Nam đã không có sự chuẩn bị và “không nổ súng” để bảo vệ biển, đảo đất nước.
Trong Tuyên bố ngày 15/3, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: “Nhân dân và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kiên quyết lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhà cầm quyền Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích quân sự, rút ngay các tàu chiến của họ ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả do hành động khiêu khích quân sự của họ gây ra”[4]. Điều đó cho thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tỏ rõ lập trường, lên án mạnh mẽ hành động xâm chiếm trái phép từ phía Trung Quốc. Thực tế, không phải chỉ khi sự kiện Gạc Ma diễn ra, mà ngay từ tháng 01/1988, khi Trung Quốc bắt đầu có các hành động chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên, báo chí và nhân dân Việt Nam đã liên tục lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Trung Quốc.
Các hoạt động tưởng niệm, tri ân các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma ngày 14/3/1988 thường xuyên được tổ chức. Ảnh: Tư liệu.
Ba mươi tư năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn khắc ghi và tri ân sâu sắc đối với những cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh trong sự kiện Gạc Ma. Với chiến công oanh liệt, tàu HQ505 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các đồng chí Liệt sĩ Trần Văn Phương, Liệt sĩ Vũ Phi Trừ, Liệt sĩ Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân chương các loại. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là địa chỉ đỏ giáo dục cho thế hệ hôm nay về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng như sự hy sinh anh dũng của các lớp cha anh. Công tác tìm kiếm các di vật, hài cốt của các chiến sĩ vẫn được Đảng, Nhà nước và nhiều tổ chức, cá nhân nỗ lực thực hiện dẫu vấp phải bao khó khăn, trắc trở. Lịch sử trận chiến hào hùng trên vùng biển Trường Sa và bãi đá Gạc Ma là chủ đề được truyền tải, giáo dục ở các cấp độ trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Sự kiện Gạc Ma chưa bao giờ bị quên lãng mà trái lại, vẫn luôn được triệu triệu người dân Việt Nam khắc ghi để trân trọng, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì biển, đảo Tổ quốc, biết trân quý hòa bình đang có cũng như thấm thía bài học trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước không chỉ hôm nay mà còn cả mai sau.
Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng, Đảng ta xác định mục tiêu “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”[5]. Khối thống nhất đó chính là lòng dân triệu người như một, cùng một ý chí, chung một quyết tâm bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, trước những thông tin lệch lạc, phiến diện về lịch sử đấu tranh bảo vệ biển, đảo, mỗi chúng ta cần tỉnh táo nhận diện và đấu tranh phản bác, không để những tổ chức, phần tử chống phá lợi dụng kích động, chia rẽ nhân tâm nhằm phá hoại công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc đang chung sức thực hiện.
Lê Thủ