Ngày 20-3 hàng năm được Liên hợp quốc chọn làm ngày Quốc tế Hạnh phúc (International Day of Happiness) nhằm tôn vinh và thúc đẩy niềm hạnh phúc của con người trên toàn cầu. Theo quan niệm của người Butan, đây là ngày đặc biệt trong năm khi mà mặt trời nằm ngang đường xích đạo, ánh sáng cân bằng bóng tối, ước mơ hài hòa với hiện thực. Ngày Quốc tế Hạnh phúc truyền tải thông điệp: “Cân bằng và hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc”.
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 (World Happinesss Report) công bố ngày 19/3/2021, Việt Nam thăng hạng từ vị trí thứ 83 lên vị trí thứ 79 trên tổng số 149 quốc gia được khảo sát, trở thành quốc gia đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và vượt lên trên Trung Quốc (vị trí 84) về chỉ số Hạnh phúc. Song, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam được “gọi tên” quốc gia hạnh phúc. Năm 2018, Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation - NEF) tại Anh công bố Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI), trong đó Việt Nam xếp hạng 5 trong số những quốc gia “hạnh phúc nhất thế giới” và đứng thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. HPI được xây dựng căn cứ theo 03 tiêu chí: Tuổi thọ trung bình, Bất bình đẳng thu nhập (chêch lệnh trong chất lượng cuộc sống giữa những tầng lớp trong xã hội) và Dấu chân sinh thái (ảnh hưởng tới môi trường tính trên đầu người). Theo đó, Việt Nam được đánh giá cao về tỷ lệ phổ cập giáo dục (98% dân số), tuổi thọ trung bình (73,7 tuổi), tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh (từ 58% năm 1993 xuống 10,7% năm 2010).
Việt Nam thăng hạng từ vị trí thứ 83 lên vị trí thứ 79 trên tổng số 149 quốc gia được khảo sát về chỉ số Hạnh phúc.
Lý giải về sự thăng hạng không ngừng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng chỉ số Hạnh phúc, chúng ta không thể không nhắc tới những thành công trong đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng và chiến lược, chính sách phát triển của nhà nước trong những năm qua.
Trong suốt chặng đường 35 năm đổi mới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nền kinh tế vĩ mô đạt tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao và ổn định; văn hóa, giáo dục, y tế và các dịch vụ công cộng không ngừng được cải thiện, đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân; khoa học, công nghệ luôn được quan tâm và ưu tiên phát triển; công tác xây dựng Đảng và đổi mới hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ và quyết liệt… Nhà nước kiến tạo phát triển không chỉ tạo ra một khuôn khổ vững chắc mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội, vì sự ấm no, hạnh phúc và an toàn của người dân Việt Nam.
Đặc biệt, trong khi hàng loạt các cường quốc trên thế giới phải chao đảo trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nổi lên là một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng kiên cường, bản lĩnh, sáng tạo và nhân văn. Nhờ những quyết sách vừa quyết liệt, kịp thời, vừa linh hoạt uyển chuyển trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã không những khẳng định được vị thế của quốc gia trên trường quốc tế mà còn không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với dân số khoảng 98 triệu người thì tới nay Việt Nam mới chỉ ghi nhận 2.806 ca nhiễm bệnh và 35 ca tử vong (tính đến hết ngày 21/4/2021). Trong khi các nền kinh tế lớn đều đóng băng thương mại thì Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,91%, đạt kỳ tích xuất siêu 20,1 tỷ USD, trở thành một trong 10 quốc gia trên thế giới và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đạt được tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020.
Chính phủ và chính quyền các cấp đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Hàng loạt các gói hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra như: gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ thuế phí 180 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ trả lương cho lao động 16 nghìn tỷ đồng,… Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và các quyền của người dân trong bối cảnh đại dịch. Hàng loạt các chính sách nhằm đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn giá, hỗ trợ việc làm, trợ cấp thất nghiệp được thực thi; các đối tượng người nghèo, người khuyết tật, người già, trẻ em, người mắc bệnh hiểm nghèo,… được đặc biệt quan tâm và trợ giúp trên tinh thần “không để người dân nào đói cơm, lạt muối vì Covid-19”.
Theo kết quả khảo sát của nền tảng Dalia (Cộng hòa Liên bang Đức) ngày 30/3/2020, Việt Nam là quốc gia có độ hài lòng cao nhất thế giới về phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh với 62% người Việt Nam được hỏi cho rằng chính phủ đã thực thi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phù hợp. Còn theo cuộc khảo sát mới nhất do UNDP thực hiện và công bố ngày 8/12/2020, 96% người dân Việt Nam được hỏi đánh giá nỗ lực của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 là “tốt” hoặc “rất tốt”, gần 94% có cùng đánh giá đối với nỗ lực ứng phó của chính quyền cấp tỉnh.
Cũng theo Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố ngày 12/3/2021, hơn 87% doanh nghiệp Việt Nam cho biết hài lòng với những chính sách cứu trợ từ phía Chính phủ. Trên các nền tảng mạng xã hội, Hashtag "Việt Nam quyết thắng đại dịch" và “#VietnamLeavesNoOneBehind (Việt Nam không bỏ rơi một ai) liên tục lọt top trending, cho thấy sự tự hào và niềm hạnh phúc của mỗi người dân trong một đất nước “lấy dân làm gốc”. Bạn bè quốc tế không ngừng ngợi ca và ghi nhận những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được. Đại sứ EU Giorgio Aliberti trong một lần trả lời phỏng vấn đã thốt lên rằng: “Được ở lại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch là một may mắn xa xỉ”.
Theo HSBC công bố, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia đáng sống nhất thế giới với người nước ngoài. Ảnh: Goway Travel.
Những nỗ lực và thành công của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong suốt chặng đường phát triển vừa qua là không thể phủ nhận và xem thường. Tuy nhiên, những phần tử phản động với âm mưu chống phá cách mạng, lật đổ chính quyền bằng mọi giá vẫn liên tục “tung” ra những luận điệu thù địch, sai trái và phi lý. Chúng cho rằng: “Việt Nam hạnh phúc nhất châu Á chỉ là tuyên truyền bịp bợm”; sự hạnh phúc của người dân Việt Nam chỉ là “thứ hạnh phúc giả tạo”; hay người dân Việt Nam “khổ mà không biết mình khổ”,… Chúng lấy những thước đo về tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, thu nhập bình quân đầu người,… để làm tiêu chí duy nhất đánh giá về cái gọi là “hạnh phúc thực sự của con người”.
Tuy nhiên, sự dung dưỡng của những “đồng tiền phản quốc” và thói ăn theo đua đòi cuộc sống xa hoa đã khiến chúng quên mất một điều rằng tăng trưởng kinh tế và sự giàu có không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc của con người. Đúng như danh nhân DeSivry đã từng nói: “Nếu nhầm lẫn giàu sang với hạnh phúc và lấy phương tiện sống làm chuẩn thì chẳng khác nào tưởng cái bát và đôi đũa làm cho mình ăn ngon miệng”. Thật vậy, ở Vương quốc Bhutan, nơi mà điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế chậm phát triển, hơn 70% dân số làm nông nghiệp và sinh sống tại nông thôn, người dân vẫn cho rằng mình là những người hạnh phúc nhất thế giới.
Vậy điều gì làm nên hạnh phúc của một quốc gia? Thực tế, “hạnh phúc” là một khái niệm trừu tượng và có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Con người ở những nền văn hóa khác nhau thì cũng sẽ có những quan niệm khác biệt về sự hạnh phúc. Ngay cả những bảng xếp hạng hạnh phúc (Happy Planet Index, World Happiness Report) cũng dựa trên những tiêu chí rất khác nhau để đo lường hạnh phúc của các quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng hạnh phúc thực sự của một người dân là khi những nhu cầu thiết yếu của họ được đáp ứng đầy đủ, họ có cảm giác sống có ích và có ý nghĩa; được tự do bộc lộ và chia sẻ, được sống trong môi trường của mình; họ được bảo vệ, được quan tâm và được cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội,… Đáng tiếc thay, ở những quốc gia mà các phần tử phản động liên tục ca ngợi là “hạnh phúc đích thực”, “giàu sang tột cùng”, “tự do - bình đẳng - bác ái thực sự” lại là những quốc gia mà người dân đang phải đối mặt với sự tang thương của dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, sự bất ổn của chính trị - xã hội, sự phân biệt chủng tộc, sự yếu kém và bất lực của hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng,…
Khát vọng dân tộc thịnh vượng, đất nước phồn vinh, nhân dân tự do, hạnh phúc là nguyện vọng chung của mỗi người dân Việt Nam và cũng là ý chí xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Lần đầu tiên cụm từ “dân thụ hưởng” đã được đưa vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhấn mạnh mục tiêu cốt lõi, cuối cùng của cả hệ thống chính trị là hướng tới lợi ích của nhân dân. Niềm hạnh phúc của người dân, sự phồn vinh của đất nước vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển trên chặng đường tương lai sắp tới của dân tộc như khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”.
Thành Nhật