Cùng với đó là đời sống công nhân ở một số nước phát triển cũng được cải thiện, các chính phủ tư bản cũng có sự quan tâm hơn tới người lao động thông qua các quỹ phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Công nhân hiện nay còn sở hữu cả cổ phần của các công ty, ngoài tiền công, họ còn được hưởng cổ tức. Một số lao động giỏi thậm chí có thể gây sức ép, hay buộc ông chủ phải đáp ứng những yêu cầu của mình… Cho nên có luận điệu cho rằng kết luận của C.Mác về việc công nhân phụ thuộc vào nhà tư bản cả trong và ngoài xí nghiệp cũng không còn đúng nữa. Thậm chí họ cho rằng hiện nay không còn phân biệt tư bản và lao động nữa, không ai bóc lột ai.
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Mỹ năm 1900. Ảnh: Internet.
Trước những cách hiểu sai lầm hoặc cố tình bóp méo những luận điểm của C.Mác trong học thuyết giá trị thặng dư, chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết giá trị thặng dư trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, chúng ta đều thấy rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có những tác động, làm thay đổi sâu sắc về cách thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức quản lý, cũng như thay đổi cả về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, vị trí con người trong sản xuất,... Việc sử dụng máy móc, công nghệ, robot ngày càng phổ biến hơn, mang lại năng suất cao hơn, khiến các nhà tư bản ngày nay thuê ít công nhân hơn. Các nhà tư bản không những không cần thuê nhiều công nhân trực tiếp sản xuất, mà đôi khi còn không cần cả công nhân điều khiển máy móc -do quá trình tự động hóa phát triển mạnh, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, robot thông minh.
Tuy nhiên, nếu xuất phát từ thực tế đó mà nóirằngnhà tư bản không còn bóc lột giá trị thặng dư nữa, hay chỉ là bóc lột robot thì lại hoàn toàn sai lầm. Dù cho quá trình sản xuất có hiện đại tới đâu thì đây vẫn là quá trình lao động của con người để tạo ra của cải, nó không thể thiếu nhân tố con người trong quá trình đó. Trong nền sản xuất hiện đại ngày nay, con người có thể không tham gia trực tiếp vào nhiều công đoạn của sản xuất, song con người phải đứng bên cạnh quá trình sản xuất. Việc sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai vẫn phải do con người quyết định, tất nhiên, khoa học -công nghệ càng phát triển thì càng hỗ trợ cho con người trả lời những câu hỏi trên dễ dàng hơn.
Như vậy, khác với giai đoạn C.Mác nghiên cứu về nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, hiện nay những người lao động làm thuê ở những nước tư bản phát triển với số lượng lớn là lao động trí tuệ, làm việc cùng với máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại. Và máy móc, thiết bị, công nghệ có hiện đại đến đâu đi nữa, kể cả robot, cũng do con người tạo ra, cũng có giá trị, tồn tại dưới dạng tư liệu sản xuất, là điều kiện vật chất không thể thiếu của quá trình sản xuất. C.Mác chưa bao giờ phủ định vai trò quan trọng của tư liệu lao động trong quá trình sản xuất. Dù máy móc, công nghệ hiện đại đã thay thế lao động trực tiếp và một bộ phận lao động trí tuệ của con người, nhưng không thay thế được địa vị lao động của con người, càng không thể thay đổi địa vị chủ thể của con người trong quá trình sản xuất. Do đó, mặc dù hiện nay quá trình sản xuất đã có nhiều thay đổi, song không thể phủ nhận lý luận của C.Mác về việc lao động sống là nguồn gốc tạo ra giá trị mới, trong đó có giá trị thặng dư, và bản chất của sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày nay vẫn dựa trên cơ sở bóc lột giá trị thặng dư.
Việc áp dụng máy móc hiện đại vẫn không làm thay đổi bản chất bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Ảnh: Internet.
Thứ hai, thực tế cho thấy hiện nay đời sống của một bộ phận công nhân ở các nước phát triển đã được cải thiện đáng kể, nhiều công nhân ngoài thu nhập từ tiền công còn có thu nhập từ cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm,… Với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, đặc biệt trong khoảng 50 năm qua, rõ ràng là năng suất lao động tăng cao, của cải mà xã hội loài người tạo ra ngày càng lớn, do vậy, thu nhập của công nhân ở những nước phát triển cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, mức tăng này chắc chắn là ít hơn rất nhiều so với thu nhập của các ông chủ tư bản. Đây chính là sự “bần cùng hóa tương đối” trong lý luận về tích lũy tư bản của C.Mác. Thực tế là đời sống người lao động làm thuê đã được cải thiện, nhưng chênh lệch thu nhập, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội vẫn tiếp tục gia tăng. Còn việc một bộ phận công nhân có cổ phần trong doanh nghiệp, được coi như đồng sở hữu và cũng được chia cổ tức khi có lợi nhuận, đây có chính là sự thay đổi về lượng của quan hệ sản xuất, nhưng chưa dẫn tới thay đổi về chất. Những người công nhân nắm cổ phần của doanh nghiệp thực ra chỉ là những cổ đông nhỏ, hay siêu nhỏ, và gần như không có tiếng nói trong doanh nghiệp. Các nhà tư bản là những cổ đông khổng lồ, là những người quyết định trong hội đồng quản trị. Còn cổ tức mà công nhân nhận được cũng chỉ là một phần nhỏ giá trị thặng dư mà chính những người làm thuê đã tạo ra được phân phối lại.
Mặt khác, xem xét quan hệ bóc lột giá trị thặng dư ngày nay không thể bó hẹp trong quan hệ kinh tế ở các nước tư bản phát triển, bởi vì nó đã mang tính quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã làm cho phân công lao động quốc tế ngày càng sâu sắc. Thông qua các hình thức như xuất khẩu tư bản, mở rộng thống trị của các công ty xuyên quốc gia (TNCs), bất bình đẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế…, hiện nay, nhiều khâu, nhiều công đoạn của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa đã được đưa sang các nước đang phát triển, đặc biệt là những công đoạn thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Đây chính là quá trình mở rộng quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa ra phạm vi toàn thế giới, nói cách khác là bóc lột giá trị thặng dư đã mang tính quốc tế.
Tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc ở các nước tư bản chủ nghĩa. Ảnh: Internet.
Công nhân ở một số nước tư bản phát triển có thể làm việc trong những nhà máy hiện đại, với thu nhập khá cao, nhưng còn rất nhiều công nhân ở các nước kém phát triển hơn đang làm việc vất vả với tiền công thấp, và thực chất cũnglàlàm thuê cho các tập đoàn tư bản lớn -các công ty xuyên quốc gia. Không những vậy, các công ty con của các các công ty xuyên quốc gia đặt tại nhiều nơi trên thế giới, lại đang tìm mọi cách để “chuyển giá, trốn thuế” hay chuyển lợi nhuận dưới dạng chi phí về công ty mẹ, hoặc một nơi nào đó có thuế suất thấp, điều này tiếp tục mang lại lợi nhuận lớn hơn nữa cho các ông chủ tư bản.
Thực tế này đang tạo ra sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc hay sự bất bình đẳng thu nhập trên phạm vi toàn thế giới. Theo báo cáo năm 2022 của tổ chức Oxfam, trong 2 năm đầu của đại dịch Covid-19, tài sản của 10 người đàn ông giàu nhất thế giới đã tăng gấp hơnhai lần, từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD -với tốc độ gia tăng 15.000 USD mỗi giây hay 1,3 tỷ USD một ngày. Và cũng theo báo cáo này, tài sản của 10 người giàu nhất thế giới nhiều gấp 6 lần tài sản của 3,1 tỷ người nghèo nhất thế giới[1]. Còn bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành của Oxfam International thì cho rằng: "Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng bất bình đẳng chưa từng thấy trong lịch sử. Tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc cũng nguy hiểm chết người không kém gì virus”, “Các nền kinh tế bị thao túng đang mang lại của cải cho tầng lớp thượng lưu siêu giàu…”[2].
Như vậy, chủ nghĩa tư bản ngày nay đã thay đổi nhiều so với giai đoạn C.Mác nghiên cứu, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng đã tiến bộ lên rất nhiều với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ ba, rồi lần thứ tư. Tuy nhiên, bản chất của sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn là sản xuất giá trị thặng dư, dù cách thức, biện pháp đã có nhiều thay đổi. Sản xuất giá trị thặng dư hay lợi nhuận vẫn là qui luật kinh tế tuyệt đối của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Kiều Anh Vũ