Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội
Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng Internet, các trang mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài như Facebook, Youtube, các Blog cá nhân,… để chống phá cả hệ thống chính trị và xuyên tạc quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.
Trước hết, về tư tưởng chính trị, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bịa đặt, vu cáo, nói xấu lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; phủ nhận, xuyên tạc lịch sử Đảng, truyền bá hệ tư tưởng tư sản, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đòi “tam quyền phân lập”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, từ đóhạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Việt Tân kêu gọi biểu tình trên mạng xã hội. Ảnh: cand.com.vn
Qua mạng xã hội, chúng lợi dụng công cuộc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta để nói xấu bản chất của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Chúng đòi Quân đội, Công an tách khỏi sự lãnh đạo của Đảng; phủ nhận vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị ở Việt Nam. Tung tin thất thiệt, kêu gào “giữ gìn chủ quyền biển, đảo, “đổi mới hay là mất nước”. Lợi dụng lòng yêu nước, yêu biển, đảo của một số ít người, gây rối loạn tư tưởng, chia rẽ, suy giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Chúng còn dẫn chứng, thổi phồng những mặt trái của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; kịch liệt phê phán kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể; tung hô kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa; kích động “dân chủ kinh tế” theo kiểu phương Tây.
Các thế lực thù địch thường sử dụng tần suất lớn, đưa thông tin dày đặc, tràn lan, xuyên tạc, bịa đặt để đánh lừa, kích động người xem, người đọc; gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, kích động gây rối, tụ tập tạo điểm nóng, kích động hình thành nhóm, tổ chức đối lập đe dọa an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chúng lợi dụng mạng xã hội đưa một phần sự thật, dùng những tin, bài, những hình ảnh trên các báo chí chính thống trong nước nhưng phân tích với dụng ý xấu, lái dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch; kích động bạo lực hình ảnh phản cảm; lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, bôi nhọ, vu khống lãnh tụ…
Các tổ chức phản động thường xuyên xuyên tạc chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Ảnh: Internet.
Một số tổ chức thông qua các hoạt động hợp tác giáo dục, hội thảo, giao lưu để gây sức ép, xây dựng báo cáo lên chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế theo hướng xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam với những đề xuất, đòi mở rộng dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do lập hội để hạ uy tín Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Như vậy, thông qua mạng xã hội, các thế lực thù địch và tội phạm mạng luôn tìm mọi thủ đoạn tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cả hệ thống chính trị nước ta, chống phá quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Vấn đề bảo vệ an ninh mạng ở Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết, không chỉ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam.
Hệ thống chính trị với việc giữ gìn an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết đã định hướng cho toàn Đảng, toàn dân, trong đó lực lượng làm công tác tư tưởng làm nòng cốt tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mọi lĩnh vực nói chung và trên không gian mạng nói riêng. Trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng Intemet, mạng xã hội; chú trọng xây dựng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng theo hướng tinh gọn, đủ mạnh; đồng thời, đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều văn bản về đảm bảo an ninh mạng. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng tại kỳ họp thứ 5, ngày 12/6/2018.
Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Trước bối cảnh mới, để bảo đảm an ninh mạng, các cơ quan chức năng của Nhà nước phải tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; phải đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Luật An ninh mạng, cũng như việc tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành với Bộ Công an để triển khai Luật An ninh mạng đạt hiệu quả cao nhất. Các cơ sở giáo dục - đào tạo đưa nội dung giáo dục an ninh mạng vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp học.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước cần vào cuộc, điều tra, xử lý các đối tượng tung tin giả, bịa đặt và các đối tượng tiếp tay cho sự bịa đặt ấy lan truyền trong xã hội. Cần chủ động phân loại đối tượng chống phá để có phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp với từng loại đối tượng, tội phạm xuyên tạc thông tin. Cần theo dõi, tìm kiếm gửi tới các mạng xã hội nước ngoài yêu cầu gỡ bỏ những bài đăng sai sự thật, những bài đăng ảnh hưởng đến an ninh của Việt Nam. Cần hợp tác với các trang mạng xã hội được cấp phép hoạt động ở Việt Nam trong việc đưa tin khách quan, trung thực, có tính xây dựng; hạn chế các mạng xã hội tán phát nhiều thông tin xấu, độc nhất từ các tổ chức phản động lưu vong, thù địch, chống đối từ nước ngoài.
Bảo vệ an ninh mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ảnh minh hoạ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những đối tượng chuyên xuyên tạc thông tin, từ đó cảnh giác, đề phòng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, các phương tiện truyền thông, tạo nên sức mạnh tổng hợp chỉ rõ các quan điểm sai trái, vạch trần các âm mưu phản động, thù địch, từng bước cô lập chúng trên mạng xã hội. Chủ động chia sẻ, lan tỏa những tin, bài, ảnh có nội dung tích cực, gương người tốt việc tốt trong học tập, công tác, lao động sản xuất, trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày để có lan toả những hình ảnh tốt đẹp trong xã hội.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia không gian mạng cần phải nhận thức và rèn luyện ý thức, kỹ năng khai thác thông tin trên Internet, mạng xã hội. Xây dựng bản lĩnh vững vàng, tiếp cận trực tiếp, kịp thời để có nhận thức đúng đắn, thường xuyên với các thông tin chính thống. Cảnh giác với những bài viết, bài nói, đoạn video clip... của các phần tử phản động, đề cập một cách mập mờ về nhân vật, không gian, thời gian, cung cấp thông tin dạng một chiều. Trang bị kiến thức cần thiết để tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, tự “miễn dịch” với những thông tin xấu độc. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhạy bén nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động chống phá trên không gian mạng của các thế lực thù địch để có cơ sở vững chắc đấu tranh, chủ động tiến công với các quan điểm sai trái, phản động trên các website giả mạo, các trang mạng có nhiều nội dung thông tin xấu, độc.
Phạm Tuyên