Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có diện tích 54.508,3 km2, dân số khoảng 5.932.100 người và có đủ 54 dân tộc sinh sống. Tây Nguyên là một khu vực đặc biệt phong phú về thành phần dân tộc, đa dạng về văn hóa đồng thời cũng là nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đoàn kết một lòng theo Đảng, theo cách mạng, tham gia kháng chiến cứu nước và đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không chỉ đi dân công làm đường, góp lương, tải đạn mà còn trực tiếp cầm vũ khí tham gia chiến đấu chống ngoại xâm. Hình ảnh những người mẹ, người chị giã gạo nuôi quân, những chiến sỹ anh hùng đã trở nên quen thuộc qua các thước phim tư liệu cũng như thơ, ca, nghệ thuật.
Cùng với truyền thống đấu tranh cách mạng, đoàn kết là một trong những giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tây Nguyên. Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã đoàn kết đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết để xây dựng quê hương, đất nước. Thế nhưng các thế lực thù địch, phản động lại ngày đêm tìm cách phá vỡ truyền thống tốt đẹp ấy bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Để bảo vệ khối đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, cần nhận diện và đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl (Krông Ana, Đắk Lắk), năm 2018. Ảnh: Internet.
Nhận diện
Về âm mưu, các thế lực thù địch, phản động muốn kích động tâm lý kỳ thị dân tộc nhất là giữa người dân tộc thiểu số với người Kinh hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên. Từ đó, chúng lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số chống Đảng, chống chính quyền, kích động đồng bào dân tộc thiểu số đòi ly khai, tự trị. Mục tiêu của chúng là biến Tây Nguyên thành khu vực mất ổn định chính trị - xã hội và hình thành khu vực “tự trị”, thành lập “nhà nước Đề Ga độc lập”. Từ đó, chúng sẽ tiếp tục kích động các dân tộc thiểu số ở các khu vực khác chống chính quyền và hình thành các điểm nóng xung đột, xoá bỏ tính độc lập, thống nhất của đất nước Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Về thủ đoạn, các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc thiểu số với người Kinh để kích động tâm lý thù hận của đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh, chúng đưa ra luận điệu vu cáo rằng “người kinh bóc lột các dân tộc thiểu số”(?!). Thêm vào đó, sự khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán cũng được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm tuyên truyền, xuyên tạc với luận điệu “người kinh miệt thị người Thượng”(?!). Mặt khác, chúng còn lợi dụng những khó khăn về kinh tế, đời sống vật chất của người dân tộc thiểu số để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thậm chí chúng còn vu cáo chính quyền đối xử bất bình đẳng giữa người Kinh và người Thượng(?!).
Cán bộ, chiến sĩ bộ đôi biên phòng luôn gắn bó, gần gũi với đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: Internet.
Giải pháp đấu tranh
Trước âm mưu và những thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cần phải thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên.
Trước hết, Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên để từ đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng gây chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, về xóa đói, giảm nghèo, về an sinh xã hội cho các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhất là vùng sâu, vùng xa; nhiệm vụ của chính quyền các địa phương ở Tây Nguyên là thực hiện tốt các chủ trương, chính sách này để không ngừng cải thiện và nâng cao mức sống của đồng bào, từ đó củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước để ngăn chặn tình trạng các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào nhằm xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời giúp đồng bào các dân tộc thiểu số tránh bị lôi kéo vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử nhất là lịch sử đoàn kết trong đấu tranh cách mạng của các dân tộc Tây Nguyên nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào của các dân tộc từ đó củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, phát huy truyền thống đó trong xây dựng bản, làng, xây dựng đất nước phồn vinh,hạnh phúc.
Thứ tư, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt là người đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên với đồng bào các dân tộc thiểu số. Kiên quyết xử lý các cán bộ tham ô, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, xa dân để củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với chính quyền cơ sở.
Thứ năm, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên. Tăng cường công tác nắm bắt thông tin về diễn biến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời ngăn chặn và phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc về chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Dona Đoàn