Với mưu đồ hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến hoạt động bầu cử, thời gian gần đây, trên các website, trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành… xuất hiện những bài viết, ý kiến, luận điệu với cái nhìn thiếu thiện cảm, phiến diện đối với công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở nước ta. Trong đó, chúng đưa ra luận điệu sai lệch và thâm hiểm như: “Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng “đạo diễn”, chỉ là “hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng” hoặc “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”… Từ đó, các đối tượng đưa ra yêu sách đòi Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử; thậm chí, chúng còn bộc lộ rõ ý đồ đòi Đảng phải “tự rút lui” và từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận sự cạnh tranh với những đảng phái khác để thúc đẩy dân chủ…
Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam đã phản ánh, đưa tin về một số website, trang tin phản động xuyên tạc về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV
Những luận điệu, nhận định mà các thế lực thù địch đang rêu rao như trên là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật, không hiểu hoặc cố tình không hiểu vai trò của Đảng trong hoạt động bầu cử, cũng như thể chế chính trị ở Việt Nam được quy định trong Hiếp pháp, pháp luật từ cách đây hơn 75 năm.
Bầu cử và đảng chính trị gắn bó chặt chẽ với nhau. Ở các nước, các đảng chính trị chỉ có thể trở thành đảng cầm quyền khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử. Do vậy, các đảng chính trị đã chuyển hóa bầu cử, ứng cử thành công cụ để tranh cử và thắng cử đóng vai trò then chốt trong bầu cử. Ở các nước này “Hoạt động tranh cử... về hình thức là cuộc ganh đua giữa các cá nhân, song thực chất là cuộc chạy đua giữa các đảng phái”. Điều này thể hiện rõ ở nhiều nước phát triển và các nước theo chế độ đa đảng khác.
Ở Việt Nam, khi chưa giành được chính quyền, Đảng đã từng tham gia vận động bầu cử, tranh cử trong cuộc đấu tranh vì các quyền dân sinh, dân chủ (1936 - 1939). Từ cuối năm 1945, mặc dù tuyên bố “tự giải tán”, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, Đảng vẫn giới thiệu được các đảng viên tham gia tranh cử và lãnh đạo thành công công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946). Sau khi giành được chính quyền, Đảng giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vị thế đó được Hiến pháp ghi nhận. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tại Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp nước ta quy định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân nhân dân các cấp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Ảnh: Internet.
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử thể hiện qua việc đề ra chủ trương và lãnh đạo Nhà nước xây dựng, đổi mới, hoàn thiện chế độ bầu cử; định ra chủ trương lớn có tính định hướng để tổ chức các cuộc bầu cử; lãnh đạo Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tham gia tổ chức bầu cử; lãnh đạo khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia bầu cử,xây dựng chính quyền. Đảng tham gia cuộc bầu cử qua việc bồi dưỡng, giới thiệu đảng viên ứng cử; tham gia công tác hiệp thương, tuyên truyền, vận động bầu cử. Trong đó, giới thiệu đảng viên ứng cử là con đường duy nhất của đảng chính trị nắm giữ quyền lực nhà nước một cách chính đáng và hợp pháp, hiện thực hóa sự lãnh đạo thông qua Nhà nước, duy trì, củng cố vị thế lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bầu cử và tham gia bầu cử trên cơ sở pháp luật. Các hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong bầu cử luôn bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch theo các trình tự, thủ tục do luật định về bầu cử.
Như vậy, việc Đảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử là hoàn toàn đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Thực tiễn hơn 90 năm qua đã khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn và duy nhất, mang tính quyết định của Đảng trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong cuộc bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất, từ đó lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Hiện nay, để lãnh đạo cuộc bầu cử, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó đặt ra yêu cầu cuộc bầu cử phải bảo đảm được tiến hành “dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân”. Với yêu cầu đó, chúng ta tin tưởng rằng thông qua hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, người dân cả nước sẽ phát huy đầy đủ quyền làm chủ của mình, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ công dân thông qua việc bỏ phiếu để lựa chọn ra những đại biểu thực sự có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức theo luật định, xứng đáng đại diện cho mình làm đại biểu dân cử.
Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, mỗi cán bộ đảng viên, người dân trong và ngoài nước cần tỉnh táo tiếp nhận những thông tin đúng, chính thống để giữ vững niềm tin và hành động đúng, tránh tin vào luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế thù địch, phản động; tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đóng góp vào thành công trong ngày hội lớn của đất nước.
Thành Lê