Để thực hiện ý đồ xuyên tạc vấn đề nhân quyền, trong đó có quyền được hưởng những giá trị văn hoá, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, hòng gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, có luận điệu cho rằng, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số “lâu nay vẫn bị xâm phạm khi tôn giáo chỉ được tự do trong khuôn khổ “theo ý Đảng”.
Chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam là: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Ảnh minh họa.
Sự thật là, là một quốc gia đa dân tộc, trong tiến trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa cộng đồng 54 dân tộc anh em, và tôn trọng sự đa dạng về văn hoá của đồng bào như một quy luật tất yếu khách quan. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định: “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ truyền thống tốt đẹp của các dân tộc”. Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ ràng: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình”; Điều 24 Hiến pháp 2013 cũng chỉ rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016) quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội” …
Bảo đảm nhu cầu về văn hoá, tín ngưỡng,tôn giáo cho đồng bào có sự thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, từ chủ trương đến hành động. Bởi vậy, đời sống văn hoá tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng đa dạng, phong phú. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo báo cáo tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2020, hiện có khoảng trên 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo các tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người dân tộc thiểu số), trong đó có khoảng 8,7% theo Phật giáo; 6,1% theo đạo Tin lành; 3,7% theo đạo Công giáo; 0,56% theo Hồi giáo.
Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá hữu hình và văn hoá tinh thần của đồng bào đã đạt được nhiều thành tựu. Điển hình như, để bảo tồn và phát huy không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2008), các tỉnh Tây Nguyên đã ban hành nhiều văn bản phê duyệt các đề án, dự án theo từng giai đoạn (tỉnh Kon Tum có đề án giai đoạn 2016-2010 và giai đoạn 2021- 2026; Đắk Lắk có 4 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh theo các giai đoạn từ 2007 đến 2020...). Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức phục dựng Lễ cúng cầu mưa, Lễ kết nghĩa anh em của người Êđê tại thành phố Buôn Ma Thuột, Lễ cúng Ché tại cộng đồng, Lễ cúng mừng lúa mới và tổ chức trình diễn đúc chiêng; tỉnh Đắk Nông khôi phục lễ hội Tằm Jun - Dyun Jông - Lễ kết nghĩa của dân tộc Mạ; tỉnh Kon Tum đã tổ chức phục dựng 15 nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số; tỉnh Gia Lai đã tổ chức phục dựng Lễ mừng nhà rông mới của người Bahnar,… Đặc biệt, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số bền vững, trong đó có sự gắn kết giữa giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống với tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường đang được triển khai mạnh mẽ ở nhiều địa phương trên cả nước.
Có lẽ chăng, điều mà những kẻ không thiện chí cho rằng Đảng, Nhà nước phải xoá những điều “cấm”, “chống” được quy định trong Cương lĩnh, Hiến pháp, Luật thì mới bảo đảm quyền tự do, dân chủ, nhu cầu về văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo, mới là không “xâm phạm”?!
Đài Á châu tự do nhân vụ việc “Tịnh thất Bồng Lai” bị cơ quan điều tra khởi tố, xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ảnh: Internet.
Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc”; Hiến pháp 2013 cũng nêu: “nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”, “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”;… Như vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên quyết nghiêm cấm những hành vi đi ngược lại với lợi ích chính đáng của nhân dân, cũng chính là để bảo đảm tối đa cho những lợi ích chính đáng ấy. Tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội chính là để cho tự do, dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất nhất.
Như vậy, “ý Đảng” hoàn toàn xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu, quyền lợi của Nhân dân, thống nhất và phù hợp với “lòng dân”, luôn vì lợi ích của Nhân dân, bảo vệ Nhân dân. Chủ nhân của những luận điệu xuyên tạc không biết hay cố tình bỏ qua sự thống nhất, luôn đồng hành song song mà bấy lâu nay những người dân Việt Nam có lương tri đều có thể cảm nhận và thấu hiểu: “Ý Đảng - lòng dân”!.
Quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng được củng cố với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Và trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế đã đến Việt Nam, với các mục đích khác nhau, nhưng những gì họ thấy được từ công khai gặp gỡ, trực tiếp “mắt thấy tai nghe” đều thừa nhận không có cái gọi là "đàn áp người dân tộc thiểu số, đàn áp tôn giáo" như luận điệu xuyên tạc của nhiều phần tử phản động, thù địch rêu rao.
Cố nhiên, đời sống văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá : “Chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn”[1], mà nguyên nhân cơ bản là do “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hoá còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hoá… Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hoá chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hoá trong thời kỳ mới…”[2], “Quản lý Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng có mặt còn hạn chế. Có hiện tượng thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở một số nơi”[3].
Mặc dù còn có những hạn chế, yếu kém, song quan điểm và chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan điểm đúng đắn đó là cơ sở để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng, xâm phạm lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân.
Để đạt được mục tiêu, chủ trương đó, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, giải pháp bền vững nhất là phải tăng “sức đề kháng” cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trước nguy cơ và sự tấn công của những “virus” độc hại. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào, và đặc biệt cần đẩy mạnh việc “huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”[4].
Nguyễn Thị Hoa