Nhận diện…
Với nhiều phương thức tung tin chống phá, trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông, như đài nước ngoài bằng tiếng Việt (VOA, RFA (Mỹ), BBC (Anh), RFI (Pháp), các trang mạng của tổ chức khủng bố (Việt Tân, “Nhật ký yêu nước”), hay rất nhiều các tài khoản nhóm và cá nhân trên mạng xã hội Facebook, Google, YouTube (Nguyễn Văn Đài, Lisa Phạm, Lê Văn Sơn, Lê Dũng Vova, blog “Bà Đầm Xòe”), sách, bài viết, bài nói của một số cá nhân..., các thế lực thù địch đã bộc lộ các quan điểm và thủ đoạn chống phá như:
- Xuyên tạc thể chế nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt Nam. Theo các tổ chức và cá nhân chống đối, thể chế nhất nguyên chính trị là thể chế “phi dân chủ”, đi ngược lại quy luật phổ biến trong quan hệ “kinh tế quyết định chính trị” là đa thành phần kinh tế thì phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng cho rằng “không thể có dân chủ trong chế độ một đảng cộng sản duy nhất cầm quyền ở Việt Nam”, vì thế cần “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Chúng kêu gọi nếu Đảng không tự mình rời bỏ vị trí “độc quyền” lãnh đạo, thì nhân dân hãy dùng quyền phúc quyết để xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, tức xóa bỏ sự hiến định vị thế cầm quyền của Đảng.
Xuyên tạc hội nghị hiệp thương là một trong các hoạt động chống phá nằm trong mưu toan phá hoại bầu cử đại biểu Quốc hội của các thế lực thù địch
- Xuyên tạc mô hình và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị - Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Chúng cho rằng, với cơ chế này nhân dân không làm chủ được vì Đảng đề ra chủ trương, đường lối và bố trí nhân sự của mình vào các cơ quan nhà nước, giữ các vị trí trọng yếu, quyết định hết các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (!?); các quyền đó theo Hiến pháp là thống nhất, thì không thể kiểm soát quyền lực được, nên hãy “tam quyền phân lập” (!?). Chúng còn ráo riết đưa người ứng cử tự do vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Qua các vòng hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, các “ứng cử viên” này bị loại ra khỏi danh sách vì không đủ tiêu chuẩn và không được tín nhiệm, thì chúng yêu cầu “phải xóa bỏ cơ chế hiệp thương”. Chúng kêu gào xây dựng “xã hội dân sự”, để các tổ chức quần chúng hoạt động độc lập, như là lực lượng đối trọng, đối lập với đảng cầm quyền, để kiểm soát quyền lực của Đảng, Nhà nước, để xây dựng cơ sở xã hội cho các đảng đối lập ở Việt Nam.
- Xuyên tạc các quyết sách chính trị của Đảng trong lịch sử cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Về hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, các nhân vật “lật sử” cho rằng Đảng phát động chiến tranh nhân dân là sai lầm, gây ra bao tổn thất; nếu không đánh Pháp, đuổi Nhật, chống Mỹ thì đã không có hàng triệu người dân hy sinh, đất nước tan hoang vì chiến tranh...(!?). Chúng cố tình đưa ra lập luận này hòng đánh vào nỗi đau sau chiến tranh của mỗi người dân Việt Nam, nếu bị kích động, sẽ gây ra sự “oán trách” Đảng Cộng sản trong một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế. Hiện tại, hầu như tất cả các nội dung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách cụ thể trên từng lĩnh vực trong từng nhiệm kỳ Đại hội Đảng đều bị các thế lực thù địch, phản động tấn công xuyên tạc, với giọng điệu dè bỉu, chê bai, “cảnh báo” nhân dân “đừng tin”. Như: kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, Đảng Cộng sản gán ghép “định hướng XHCN” để “mị dân”; phát triển kinh tế tư nhân, nhưng nhà nước bỏ mặc doanh nhân tự xoay xở, chỉ tập trung nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước (!?); nói tự do tôn giáo, nhưng hạn chế, cản trở tôn giáo hoạt động, truyền bá, phát triển; nói đảm bảo quyền con người, nhưng vi phạm nhân quyền, bỏ tù các “tù nhân lương tâm” khi họ đứng lên đấu tranh...(!?).
Tổ chức phản động Việt Tân thường đăng tải các bài viết có những luận luận khập khiễng, xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ
- Nâng hiện tượng lên thành bản chất, quy kết hành vi sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên thành chủ trương của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện quyết sách chính trị của Đảng. Khi Đảng chưa xử lý hết được một bộ phận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, thì các thế lực thù địch lu loa đó là “vùng cấm”, là “nội bộ o bế, bảo vệ nhau”; khi sai phạm của “bộ phận không nhỏ” bị đưa ra ánh sáng, thì chúng lập luận là “phe phái đánh nhau” (!?). Khi dịch bệnh do Covid-19 hoành hành phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế, phong tỏa thì chúng nguýt ngoáy là “vi phạm Hiến pháp về quyền tự do đi lại, cư trú”. Khi một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt theo nghị quyết, một số dự án chậm tiến độ bị thu hồi, hoặc sai phạm bị đình chỉ, điều tra... thì chúng lu loa là Đảng “không đủ khả năng” hoặc “hết vai trò” lãnh đạo...
- Bóp méo, làm giả sự việc, hình ảnh của các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ rồi vu cáo đàn áp nhân dân. Đây là thủ đoạn rất phổ biến, gây hoang mang trong nhân dân, làm “mồi lửa” để một bộ phận người dân vì nhẹ dạ, cả tin mà bị kích động, lôi kéo vào các hoạt động chống phá chính quyền. Điển hình như bạo loạn ở Tây Nguyên những năm 2000 - 2004 do Tin Lành Đề-ga kích động, xúi giục đồng bào dân tộc thiểu số đòi “đất Tây Nguyên phải trả lại cho người Tây Nguyên”, “thiết lập nhà nước Đềga” của người dân tộc Tây Nguyên. Hay vụ việc Đồng Tâm, với chiêu trò vu cáo “quân đội chiếm đất của dân”, “chính quyền đưa vũ khí về đàn áp dân”. Trong những ngày chống dịch Covid-19 khốc liệt, không ngày nào trên mạng xã hội không xuất hiện các hình ảnh, video bị làm giả, bóp méo, như: “Shiper quỳ lạy xin lực lượng trực chốt”; “Bộ đội đang làm màu?”, “Thành phố Hồ Chí Minh đang thiết quân luật”, "Chống dịch hay chống dân; kẽm gai, quân đội, công an, pháo đài… sẽ còn thêm gì nữa?", “người nghèo không được hỗ trợ”, “không thấy Đảng, Nhà nước giúp dân”, “chỉ có dân giúp dân, không thấy chính quyền đâu”. Thậm chí chúng còn kêu gọi biểu tình phản đối phòng dịch, đốt sạch khu cách ly để “tự cứu nếu không muốn chết vì Covid”...
… và luận cứ đấu tranh
Một là, không thể nói thể chế nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt Nam là“phi dân chủ”, cũng không thể nói đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới là dân chủ. Lúc còn là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, hai đảng thì ít dân chủ hơn và một đảng thì ít dân chủ nữa, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”. Thế đã rõ, mức độ dân chủ và không dân chủ của chế độ chính trị một quốc gia không phụ thuộc vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chính đảng cầm quyền. Ở quốc gia nhất nguyên, một đảng, nếu đảng cầm quyền đại diện cho quyền và lợi ích của đa số người dân, phục vụ và bảo vệ cho số đông thì quốc gia đó vẫn dân chủ hơn quốc gia dù đa nguyên, đa đảng mà ở đó các đảng không đại diện và bảo vệ quyền lợi cho đông đảo người dân trong xã hội. Khi đảng cầm quyền bảo vệ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn có nghĩa là trong chế độ mà đảng đó thiết lập, nắm quyền lãnh đạo, dân chủ vẫn đang được bảo đảm, tính chính đáng của đảng cầm quyền là điều khẳng định.
- Hai là, với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo giải quyết những lợi ích thiết thực của người dân như quyền tự do, dân chủ, các vấn đề dân sinh, dân trí. Người dân quan tâm, hưởng ứng, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; tham gia bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên; tham gia bồi dưỡng kết nạp quần chúng vào Đảng… thể hiện sự thống nhất, đồng tâm của người dân với Đảng. Nhà nước không ngừng hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền làm chủ của nhân dân (Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin,...). Thông qua đó, nhân dân làm chủ trực tiếp thông qua quyền bầu cử, quyền ứng cử; thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác; thực hiện quyền đối thoại dân chủ trực tiếp giữa Nhân dân với chính quyền, góp ý trực tiếp đối với các dự luật.
Người dân TP Bến Tre trong một buổi đối thoại với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
- Ba là, thành công không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam 92 năm qua do Đảng lãnh đạo là giànhvàgiữ vững độc lập dân tộc, từng bước xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện hòa bình, Đảng đề ra đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩamột cách khách quan, khoa học. Đó là nền kinh tế phù hợp với sự phát triển của Việt Nam hiện nay, là nền kinh tế hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mà trong đó, sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người, sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
- Bốn là, phải thừa nhận có một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện xâm phạm lợi ích của nhân dân, sa sút về lối sống, về những chuẩn mực đạo đức,tham nhũng, tiêu cực đã làm ảnh hưởng xấu tới niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Song, cơ sở quyết định nhất của mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân là lợi ích của Nhân dân trong tương quan với lợi ích quốc gia - dân tộc. Hiện nay, khi mà lợi ích quốc gia - dân tộc vẫn là điểm mấu chốt, chi phối lợi ích sống còn của toàn Đảng và toàn dân thì mối quan hệ này không thể bị phá vỡ. Bản lĩnh chính trị, năng lực chính trị này của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần được chứng minh trong lịch sử.
- Năm là, trong thực tế, ở nơi này nơi kia quyền làm chủ của nhân dân chưa thực sự được tôn trọng, đời sống người dân chưa được bảo đảm đã làm hạn chế tính tích cực, năng động, sáng tạo vốn có của người dân, làm phát sinh những bức xúc trong xã hội, làm cho niềm tin của một bộ phận nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước bị giảm sút. Nhưng cũng trên thực tế, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương, đòi hỏi đảng viên của mình thực hiện trong bao nhiêu năm qua đã được bổ sung thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chủ trương đó là nhất quán, xuyên suốt. Cũng rõ ràng rằng các chủ trương, quan điểm, đường lối, cơ chế, chính sách, pháp luật về dân chủ luôn được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển và yêu cầu của đất nước.
Bạch Yến