Nhận diện
Hiện nay, mạng xã hội đã trở nên rất quen thuộc và thông dụng đối với hầu hết mọi người. Trên không gian mạng, người ta có thể dễ dàng kết nối với cộng đồng, tiếp cận, chia sẻ thông tin với người khác một cách nhanh chóng và thuận tiện. Các mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram, Twitter, YouTube… đang thu hút được số lượng người truy cập, theo dõi ngày càng lớn. Ở Việt Nam, có khoảng 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên (theo Báo cáo tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021 do We are social và Kepios công bố đầu năm 2022)[1].
Lợi dụng những tiện ích và khả năng lan tỏa cực kỳ nhanh chóng tới đông đảo người dùng của mạng xã hội, các thế lực thù địch thường xuyên tung tin bịa đặt, xuyên tạc với mục đích làm sai lệch bản chất chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nói xấu, bôi nhọ, hạ uy tín của cán bộ lãnh đạo, nhằm gieo rắc sự hoài nghi, làm lung lay, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Thông tin mà các thế lực thù địch gieo rắc thường có một phần thông tin đúng để dễ lấy lòng tin của mọi người, sau đó bẻ lái, dẫn dụ đến những nội dung xuyên tạc, bịa đặt theo chủ đích đen tối của chúng.
Về phương pháp thực hiện, các thế lực thù địch thường sử dụng các chiêu thức sau đây:
Một là, hậu thuẫn cho các tổ chức, cá nhân phản động lập ra nhiều trang web, blog, fanpage, công khai đưa tin chống phá Việt Nam. Chẳng hạn, tổ chức Việt Tân lập ra và duy trì hơn 1.000 tài khoản mạng xã hội; tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” tạo lập, duy trì các trang web, blog, địa chỉ email như “chinhphuquocgia.com”, laylaidatto@gmail.com”, “Cuutuchinhtri.org”… Các tài khoản và trang mạng này hàng ngày, hàng giờ ra rả các luận điệu phản động, tuyên truyền, kích động, hòng nhuộm đen tư tưởng, lôi kéo người tham gia tổ chức. Mặt khác, chúng sử dụng mạng xã hội như một phương thức liên lạc, tổ chức, điều hành các hoạt động biểu tình, khủng bố, phá hoại nhằm vào nhân dân, đất nước.
Hai là, chúng sử dụng các tài khoản giả mạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cá nhân cán bộ lãnh đạo, người nổi tiếng để dễ bề đánh lừa, dẫn dắt dư luận, trà trộn thông tin giả mạo; lợi dụng các sự kiện, vụ việc để tung “hỏa mù”, gây nhiễu loạn thông tin, làm nhân dân hoang mang, không phân định được phải - trái, trắng - đen, từ đó giảm lòng tin vào Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ…
Ba là, chúng kích động, lôi kéo các phần tử bất mãn, các trí thức, văn nghệ sĩ cực đoan, lệch lạc về tư tưởng, lợi dụng tự do ngôn luận, sử dụng mạng xã hội viết bài, livestream để phủ nhận con đường đi lên chủ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phủ nhận thành tựu của cách mạng và vai trò lãnh đạo của Đảng; tuyên truyền quan điểm sai trái, phản động về các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, phủ nhận hoặc hạ thấp những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Mặt khác, các đối tượng này còn cổ xúy, tôn vinh lối sống vị kỷ, tự do chủ nghĩa, thực dụng, làm khủng hoảng giá trị, gây tâm lý hoang mang, mất phương hướng cho không ít người, nhất là thế hệ trẻ…
Nhận định về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã khẳng định: “Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình; cổ xúy cho lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa; đồng thời, cấu kết với các phần tử cơ hội và bất mãn chính trị hoạt động ráo riết, chống phá cách mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn”.
Trang facebook giả mạo.
Đấu tranh phản bác, ngăn chặn
Trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tận dụng triệt để mạng xã hội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và thâm độc để tấn công nhằm làm suy yếu chế độ ta. Do đó, chúng ta cần có những giải pháp hiệu quả ngăn chặn và làm thất bại âm mưu của chúng. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, xây dựng và thực hiện cơ chế cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, truyền thông và các tầng lớp nhân dân một cách kịp thời, công khai, minh bạch, không để các thế lực thù địch có cơ hội thao túng thông tin, xuyên tạc sự thật, gây hoang mang trong dư luận. Khi có được nguồn tin chính thức đầy đủ và cập nhật, nhân dân sẽ không bị lung lạc trước tin xấu, độc, bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần đẩy mạnh, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về tác hại của tin xấu, độc; nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn “nhuộm đen” về tư tưởng của các thế lực thù địch. Đồng thời, cần chú ý hơn nữa việc giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, từ đó tạo cơ chế phòng ngừa, “miễn dịch” trước những tác động tiêu cực của thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.
Thứ ba, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp và các chế tài pháp lý về quản lý, sử dụng mạng xã hội, đồng thời cải tiến, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để quản lý chặt chẽ nội dung thông tin trên mạng xã hội, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh truyền thông. Đây là những hàng rào kỹ thuật thiết yếu và quan trọng để chúng ta ngăn chặn kịp thời những thông tin có nội dung tiêu cực, phản động, không để chúng lộng hành, mặc sức gieo rắc mầm mống chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thứ tư, thành lập các cơ quan chuyên môn, thường xuyên rà soát, truy tìm các thông tin có nội dung phản động, chống phá để ngăn chặn, gỡ bỏ, không để phát tán trên mạng xã hội. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh không khoan nhượng, xử phạt nghiêm minh với những cá nhân, tổ chức có liên hệ, giúp sức các tổ chức phản động hoặc cố tình tung tin bịa đặt, sai sự thật, xuyên tạc, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuyên truyền những tư tưởng độc hại trên mạng xã hội.
Khẳng định sự cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp này, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, đọc trên internet, mạng xã hội”[2].
Ngô Thị Thu Ngà