Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (năm 2013) đã chỉ rõ: “Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm, tình hình cụ thể của từng giai tầng xã hội, trong từng giai đoạn cách mạng”[1].
Hiến pháp năm 2013 của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[2].
Đặc biệt, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng Tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu”.
Để thực hiện mục tiêu và các nhiệm vụ đề ra, Nghị quyết 35-NQ/TWgiao nhiệm vụ tổ chức thực hiện đối với nhiều cơ quan, ban, ngành. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nghị quyết chỉ rõ: “Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết”.
Như vậy, về cả phương diện lý luận, lịch sử - thực tiễn và pháp lý - chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ dừng lại là tổ chức chính trị xã hội đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; mà Mặt trận còn có sứ mệnh quan trọng trong việc tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước thông qua hoạt động đấu tranh chống các luận điệu sai trái và âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với kiều bào tại đền Ngọc Sơn, thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Vai trò, sứ mệnh đó được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, với tư cách là trung tâm tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chủ trì thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, với vai trò này, trên cơ sở quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước và phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên để tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Khi xã hội đồng thuận, các tầng lớp nhân dân đoàn kết một lòng, “ý Đảng” hợp “lòng Dân” thì đó là thành trì vững chắc nhất, là sức mạnh vô địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, là vũ khí hữu hiệu và sắc bén để đề phòng và chống lại các quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc cũng cần nhận diện đúng và “trúng” những cái xấu, những căn bệnh có thể gây chia rẽ, mất đoàn kết.Đó là căn bệnh hẹp hòi, cục bộ, chủ nghĩa cá nhân… Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Hẹp hòi là căn bệnh “rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải. Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hoá, v.v. đều do bệnh hẹp hòi mà ra!”[3]. Đồng thời, phải chống chủ nghĩa cá nhân, “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”[4].
Từ việc nhận diện đúng tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm để Mặt trận có những cách thức phòng tránh trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cũng như tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Đồng thời, tuyên truyền việc thực hành dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội; có quan điểm rõ ràng không đồng tình với hành vi nói xấu, bôi nhọ cán bộ nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác vận động, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền và tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và tôn giáo.
Thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của hơn 96 triệu dân tham gia thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, một mặt Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các chương trình, các nghị quyết chuyên đề về vận động đoàn kết dân tộc, tôn giáo; mặt khác, triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước để thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các tôn giáo nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào có đạo nói riêng theo hướng “ích nước, lợi nhà”, “tốt đời, đẹp đạo”, “Đạo pháp-dân tộc-chủ nghĩa xã hội”, thông qua đó huy động cao nhất sức người, sức của, sự đồng tâm, hiệp lực của đồng bào vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; lợi dụng thiếu sót, sơ hở trong quản lý gây tâm lý bất mãn với chính quyền, khích lệ tư tưởng cực đoan, ly khai để kích động chống đối đòi nhân quyền, đòi dân chủ, đòi tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xâm hại nền độc lập của dân tộc. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thể hiện rõ vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, đồng thời có quan điểm rõ ràng với đối với các biểu hiện sai trái, thù địch, vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo.
Ba là, với tư cách là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân,Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi mọi người dân có thể nói lên tiếng nói của mình, thông qua đó để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp xúc, đối thoại, tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc có thể “đi sâu”, “bám rễ”, nắm chắc tình hình nhân dân, từ đó trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình nhanh chóng xây dựng các phương án, các biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường, phát huy những mặt tích cực, những hoạt động có lợi hoặc hạn chế, khắc phục những biểu hiện sai trái, những hoạt động cản trở xu thế phát triển, vi phạm pháp luật; trên cơ sở đó, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước giải quyết nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao tặng bức tranh Bác Hồ với Bác Tôn cho Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024. Ảnh: Internet.
Với vai trò của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân đội trong thực hiện công tác dân vận, trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội…, từ đó không để các thế lực thù địch lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, những hạn chế, khuyết điểm, vấn đề xã hội bức xúc để triển khai chiến lược “diễn biến hoà bình” hòng chống phá sự nghiệp cách mạng.
Bốn là, với vai trò giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc không chỉ dừng lại ở việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giám sát cán bộ, đảng viên, mà quan trọng hơn là còn trực tiếp tham gia vào công tác tiếp xúc, đối thoại với các cá nhân, các tổ chức nhân danh tổ chức xã hội có những quan điểm, những đánh giá chưa khách quan, thiếu thiện chí về các vấn đề quan trọng, nổi cộm của đất nước, hoặc lợi dụng các diễn đàn để phát biểu, xuyên tạc, phủ nhận những thành quả mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được. Từ đó, có định hướng tuyền truyền, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân, không để nhân dân bị các đối tượng thù địch lợi dụng.
Cùng với chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, ngay từ khi ra đời, Mặt trận dân tộc thống nhất - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện sứ mệnh cao cả là trung tâm sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi tập trung ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của các tầng lớp nhân dân. Với sứ mệnh ấy, qua từng giai đoạn lịch sử, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa và nhất là trong công cuộc đổi mới, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng bước được bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, trong đó vai trò, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa của Mặt trận Tổ quốc ngày càng được khẳng định và tăng cường.
Hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, chống phá Đảng và sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, hành động ngày càng công khai và quyết liệt hòng xoá bỏ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, một mặt Mặt trận Tổ quốc phải tiếp tục thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; mặt khác, qua hoạt động của mình, Mặt trận Tổ quốc cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó trực tiếp và quyết định đến kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời,thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, để các chủ trương, chính sách sát cuộc sống, đáp ứng lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, cùng nhau hợp sức xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định, phát triển toàn diện và bền vững của đất nước, thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tâm Sáng