Trong chuyến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã gặp bà Đặng Hồng Nhựt, một nữ cựu tù chính trị Côn Đảo. Biết chúng tôi đang muốn tìm hiểu về cuộc đấu tranh của tù nhân Nhà tù Côn Đảo, nhất là của những nữ tù nhân, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người nữ cựu tù trầm ngâm trong giây lát, rồi hồi ức cứ thế ùa về
"Tháng 7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Lúc đó tôi 18 tuổi. Đáng lẽ tôi cũng có tên trong danh sách đi tập kết, nhưng lúc đó tổ chức thấy tôi còn trẻ, hoạt động năng nổ, nên trước hết bổ sung tôi vào nhóm hỗ trợ tập kết (chèo ghe, chèo thuyền từ nhà ở tới hội trường tập huấn).
Ngoài việc chèo ghe, chèo thuyền, tôi còn giữ con của mấy dì khi mấy dì đi học. Khi mà thấy tôi cũng năng nổ, hăng hái hoạt động, thì tổ chức nói “nếu miền Nam cần, cháu có sẵn sàng phục vụ không? Nói thật là lúc đó tôi cũng không hình dung tình hình sẽ khó khăn, kéo dài, cũng như hàng triệu người miền Nam khác, tôi nghĩ là sau 2 năm sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đồng thời lúc đó, sức trẻ, còn hăng hái lắm, hoạt động cách mạng thấy vui vì thấy mình được đóng góp cho cách mạng, cho kháng chiến. Vậy là tôi ở lại.
Ban đầu, tổ chức giao nhiệm vụ cho tôi làm giao liên cho Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định.
Tôi bị bắt tháng 2/1966. Sau khi bị đưa đi loanh quanh một số nhà tù trong đất liền mất mấy năm, năm 1969, tụi nó đưa tôi ra ngoài Côn Đảo.
Các đồng chí có bàn tới đường dây Côn Đảo, tôi có biết chút ít về vấn đề này. Tôi muốn nói cái này, tôi làm công tác văn thư của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ, cái chuyện vô tù, giữ khí tiết, tổ chức trong tù … thì Xứ ủy Nam Bộ có chỉ đạo. Tôi là người chép công văn gửi đi các nơi. Như vậy, tôi khẳng định chắc chắn có đường dây Côn Đảo. Xứ ủy Nam Bộ trong lúc bị đàn áp, có lúc phải tạm lánh sang tận Phnômpênh thuộc Campuchia, nhưng khi có điều kiện vẫn chỉ đạo cả hoạt động đấu tranh trong các nhà tù. Bởi vì số đảng viên trong tù lúc đó rất đông, bị bắt vào tù, đã bị lộ ra là đảng viên, các đồng chí muốn xin chỉ thị Xứ ủy Nam Bộ ở ngoài là trong tù thì hoạt động như thế nào, có tổ chức chi bộ Đảng không, rồi vấn đề ly khai, không ly khai nữa, nói chung là còn rất nhiều vấn đề mà các đồng chí trong tù nhiều lúc không tự quyết định được, muốn tham khảo ý kiến ở ngoài mặc dù trong tù cũng có một số đồng chí lãnh đạo cao cấp bị bắt (như đồng chí Hoàng Dư Khương, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ).
Mô hình tái hiện cảnh bị giam cầm, đày ải của nữ tù chính trị Côn Đảo
Tuy nhiên, vào tù, sau một thời gian, lần hồi mình cũng biết cách đối phó với tụi nó. Nhiều khi anh em vào trước truyền lại cho anh em vào sau thôi. Chứ nói thật, khi bị bắt vô tù, có khi bị cách ly, cấm cố, nhiều khi mất phương hướng đấu tranh lắm.
Hồi đó nếu vô tù, địch không biết mình là đảng viên thì có thể chào cờ, chấp hành nội quy gì đó, để có thể trở về tiếp tục công tác. Nếu địch nó biết mình là đảng viên, thì phải kiên quyết bảo vệ khí tiết.
Tôi bị bắt năm 1966, trong quá trình điều tra khai thác thì cố gắng không dính tới đảng viên nhưng mà ở chung với mấy dì, mấy chị thì cũng có nói tới chống chào cờ.
Trong thời kỳ mới thì phong trào đấu tranh chống chào cờ chưa mạnh, khi tham gia chống chào cờ thì cố tỏ ra là mình bất mãn với chế độ, chứ cố gắng không để tụi nó nghi ngờ là đảng viên.
Đến khi lên nhà tù Thủ Đức, tôi cũng tuyên bố là không chào cờ. Nhưng không nhận mình là người cán bộ, đảng viên, là người cách mạng, tôi chỉ nói tôi bất mãn bởi vì các ông đánh tôi dữ quá giờ tôi đi không được, tôi phản đối các ông, tôi chống chào cờ của chế độ các ông. Nó cũng đánh, còng mình ác liệt lắm. Cuối năm 1972, tôi mới được về (khi đó, Hiệp định Pari đã ký tắt).
Sau 3 lần còng, tuyệt thực nó cho tôi vô trại, cho ở cùng một số chị đã ở lâu rồi, đã chiến thắng những đợt tra tấn. Khi vô đó, tôi thấy các chị có tổ chức sinh hoạt (chị Mười Thanh là người phụ trách) trong khi đó có một nhóm khác chống quyết liệt chuyện đó, chống quyết liệt đó. Có chị Quý là đài phát thanh của cái nhóm kia, hay gọi là phát ngôn cũng được. Trong một dịp đấu tranh với địch (tuyệt thực) đòi được thăm nuôi, đọc sách, học văn hóa… thì nó đồng ý giải quyết cho thăm nuôi. Trong lực lượng đó nó cho một số trẻ, má Lập Quốc (trước là trong nhóm của tôi, lúc đó còn nhỏ), tới thăm nuôi thì tôi biết là trong cái đường dây của mình. Tôi mới bàn với Lập Quốc là nhắn ra để nối đường dây và tôi xin ý kiến về việc tổ chức đảng trong tù. Đồng chí Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) trả lời với tôi về những vấn đề trong nhà tù: có được phép tổ chức, sinh hoạt đảng không? Đối với những quần chúng kiên cường trong nhà tù có được kết nạp không? Đấu tranh chính trị và dân sinh dân chủ ? (đấu tranh dân sinh dân chủ là chủ yếu). Đồng chí Võ Văn Kiệt đồng ý về việc tổ chức đảng, nhưng phải thật khéo léo tổ chức thế nào để chúng không lấy cớ để đàn áp. Kết nạp đảng trong nhà tù thì cũng được. Qua quá trình cùng nhau đấu tranh, nếu thấy quần chúng yêu nước trung kiên, được thử thách qua nhiều hoạt động, có thể kết nạp Đảng được. Đảng có thể phát triển ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều đó càng cho thấy sức sống mãnh liệt của Đảng.
Thư nữ tù nhân tố cáo chế độ tàn bạo tại Nhà tù Côn Đảo và Chí Hòa trước dư luận Sài Gòn (Ảnh: Bảo tàng báo chí Việt Nam)Tôi cũng biết việc kết nạp đảng viên trong tù. Bành Dương được kết nạp ở Côn Đảo. Bành Dương là cô gái trẻ, tham gia đấu tranh cùng tụi tôi. Chưa phải là đảng viên, nhưng cô ấy cũng thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, kẻ địch cũng phải nể phục.
Đầu tiên là công nhận đảng viên chính thức cho đồng chí Võ Thị Thắng. Lúc đó thì Võ Thị Thắng báo cáo với tụi tôi là ở ngoài đời được kết nạp nhưng chưa chính thức. Vì vậy, chúng tôi công nhận, chuyển chính thức cho Võ Thị Thắng. Sau này, khi ra trước tòa án kẻ thù, chị Võ Thị Thắng có hành động anh hùng với câu nói nổi tiếng “chính quyền của các ông có tồn tại được 20 năm không mà đòi bỏ tù tôi 20 năm”.
Chị Mười Thanh cũng có kết nạp mấy đồng chí: cô Bịp (đã mất), cô Mười Liễu… Tôi có kết nạp đoàn cho Lập Quốc,, sau đó là kết nạp Đảng cho Lập Quốc và cô Hồng Tâm, bây giờ các đồng chí đó cũng về hưu hết rồi. Các bạn, các đồng chí đó sau này ra tù đều được công nhận hết.
Nhà tù Thủ Đức đến cái đợt nó giết chết 3 chị, đấu tranh và nó hốt hết các chị ở biệt giam P42 chị em về Chí Hòa, sau đó ra Côn Đảo.
Kết nạp đảng viên ở tại Chí Hòa, ra Côn Đảo mới chính thức. Lập Quốc được kết nạp tại chuồng cọp Côn Đảo. Bành Dương cũng được kết nạp trong một cuộc tuyệt thực gần chết ở chuồng cọp Côn Đảo. Tôi nhớ là tham gia cái đợt tuyệt thực đó, Bành Dương đã thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất cùng mấy chị em tụi tôi. Cuối cùng khi cuộc đấu tranh thắng lợi, địch chuyển phòng Bành Dương, lúc đó chúng tôi mới nhớ là phải kết nạp Đảng cho cô ấy. Chúng tôi cũng làm đủ các thủ tục cần thiết. Tôi nhớ là khi đó, địch giục chuyển phòng, chúng tôi phải đóng cửa làm lễ kết nạp cho Bành Dương. Cô ấy yếu lắm. Khi chúng tôi bảo cô ấy thề trung thành với Đảng, với lý tưởng cộng sản, cô ấy không nói được nữa, chỉ có đôi mắt nói lên tất cả. Chúng tôi làm lễ kết nạp cho cô ấy chỉ trong vài phút, nhưng bọn trật tự đã cáu gắt ầm lên, bắt phải mở cửa. Vừa được tuyên bố kết nạp Đảng xong, cô ấy phải chuyển phòng. Đó cũng là thời điểm đợt đấu tranh tuyệt thực của chúng tôi thắng lợi".
Những câu chuyện của bà, có khi bị ngắt quãng bởi những giây phút xúc động, tưởng nhớ đến những bạn tù đã hy sinh, đã cho chúng ta một số thông tin quý báu về tinh thần đấu tranh của những nữ tù nhân chính trị trong các nhà tù, trại giam của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn nói chung, trong Nhà tù Côn Đảo nói riêng.
Trong hoàn cảnh tù đày, bị đày ải, bị đàn áp, đánh đập dã man, nhưng các bà, các chị vẫn không phai nhạt niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đặng Hồng Nhựt kể - Nguyễn Bình ghi