Tàu Đô đốc L’Amiral Latouche Tréville, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911). Ảnh tư liệu.
Ít có nhân vật lịch sử nào ngay từ khi còn sống đã trở thành huyền thoại và cũng ít có nhân vật lịch sử trên thế giới mà cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người là nguồn cảm hứng bất tận cho giới khoa học trong nước và nước ngoài nghiên cứu qua nhiều thế hệ, trước kia, hiện tại và mãi về sau này, người đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
112 năm nhìn lại, toàn dân tộc Việt Nam và mỗi người con đất Việt mãi luôn khẳng định rằng, việc quyết định sang phương Tây để tìm con đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành là hoàn toàn đúng đắn.
Dẫu vậy, trong một số công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài lại chưa đánh giá chính xác hoặc nhìn nhận chưa đúng về quyết định lịch sử của Nguyễn Tất Thành khi sang phương Tây để tìm đường cứu nước.
Nhận diện…
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin nêu lên các quan điểm chưa chính xác của bốn học giả nước ngoài đã có công trình khoa học công bố và đã được dịch ra tiếng Việt về sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911):
Thứ nhất, trong công trình “Tuổi trẻ của một người dân thuộc địa, hành trình một sự lưu vong - Hồ Chí Minh cho đến năm 1911” (xuất bản năm 1992) của tác giả Daniel Hémery - nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại nổi tiếng của Pháp, đã kể lại câu chuyện về việc ông Nguyễn Sinh Sắc khi làm quan tri huyện đã phạm lỗi bị triều đình nhà Nguyễn cách chức, triệu hồi. Theo Daniel Hémery, chính điều này đã ảnh hưởng tới quyết định ra nước ngoài của Nguyễn Tất Thành; tác giả này cho rằng: “Việc người cha bị cách chức, bị loại khỏi xã hội, chịu nhục nhã, lưu vong tự nguyện vào Nam Kỳ đã thúc đẩy Nguyễn Tất Thành bỏ xứ năm 1911. Cha lưu vong, con lưu vong”[1](?!).
Cũng theo Daniel Hémery, chính vì “nước mất, gia đình tan vỡ, trong lòng đầy cay đắng và tủi nhục, Thành xuống tàu Đô đốc Latouche Tréville ở Sài Gòn để đi một chuyến dài, không ý đồ chắc chắn, lang thang vô tận hơn 30 năm theo hướng mà thực sự Người không ngờ. Lờ mờ đi tìm một khuynh hướng mới”[2](?!).
Thứ hai, Giáo sư Furuta Motoo (Trường Đại học tổng hợp Tokyo, Nhật Bản) trong cuốn sách “Hồ Chí Minh - Giải phóng dân tộc và đổi mới” (xuất bản năm 1997) đã thể hiện sự không đồng tình với quan điểm của Daniel Hémery. Giáo sư cho rằng: “Vào thời điểm này, việc Hồ Chí Minh sang Pháp và xin vào học ở trường đào tạo quan lại của các nước thuộc địa không phải vì mục đích tìm kế sinh sống cho bản thân và gia đình mình, mà vì muốn “tìm con đường cứu nước” và "muốn sau này trở về giúp đỡ đồng bào”.
Tuy nhiên, tác giả Furuta Motoo cũng chưa dám khẳng định ý chí đánh đổ thực dân Pháp để mang lại độc lập cho nhân dân Việt Nam của Nguyễn Tất Thành; theo ông: “Vào thời điểm này, nếu nói Hồ Chí Minh đã có ý tưởng trở thành người cách mạng để đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp” thì liệu có cái gì đó hơi quá hay không? Phải chăng nên nói một cách thỏa đáng như thế này: “Đương thời, Hồ Chí Minh cũng chưa có được một suy nghĩ rõ ràng về phương pháp để thực hiện “ý tưởng vì đồng bào?”[3].
Như vậy, dù không đồng tình với nhận định của Daniel Hémery, song Giáo sư Furuta Motoo lại nhìn nhận rằng, quyết định sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành với mục đích cuối cùng là đánh đổ thực dân Pháp giành độc lập dân tộc vẫn còn thiếu cơ sở khẳng định chắc chắn (?!).
Tác phẩm “Ho Chi Minh A Life” (Hồ Chí Minh - Một cuộc đời) của Giáo sư William J. Duiker. Ảnh tư liệu.
Thứ ba, trong tác phẩm “Ho Chi Minh A Life” (Hồ Chí Minh - Một cuộc đời) xuất bản năm 2000, Giáo sư William J. Duiker đặt ra câu hỏi về quyết định ra nước ngoài của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh. Mặc dù trích dẫn lại những bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đối với nhà báo Liên Xô Ossip Mandelstam và nhà báo Mỹ Anna Louise Strong khi nói về nguyên do chọn phương Tây cho hành trình của mình, đồng thời William J. Duiker cũng đã đọc nhiều bài viết từ Việt Nam nói về quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, song William J. Duiker vẫn tỏ ý “phải thận trọng”(?!).
Tuy nhiên, Duiker cũng phải thừa nhận rằng: “điều chắc chắn ông rời Sài Gòn mùa hè năm 1911 với tấm lòng yêu Tổ quốc cao độ cũng như thấu hiểu sự bất công mà chính quyền thuộc địa đã gây ra cho đồng bào của ông. Đối với Thành, dường như không có cách để giải quyết vấn đề này ở trong nước. Biết đâu điều đó có thể tìm thấy ở nước ngoài”[4].
Mặc dù rất đồng tình với những nhận định về tình yêu Tổ quốc cao độ của Nguyễn Tất Thành đã được hình thành từ trước đó và trên hành trình sang phương Tây của mình, song quan điểm của William J.Duiker vẫn còn sự nghi ngờ về tính chủ động lựa chọn hành trình sang phương Tây chứ không phải đi về phương Đông của Nguyễn Tất Thành và nếu hiểu theo cách của William J.Duiker thì chuyến đi đó của Nguyễn Tất Thành mang đầy tính may rủi (?!).
Qua việc khái quát ở trên, có thể thấy rằng nhận định của một số học giả nước ngoài về sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là chưa chính xác ở các mức độ khác nhau. Lý do dẫn đến sự thiếu chính xác này có thể là: Thứ nhất, điều kiện tiếp cận các nguồn tư liệu chưa đầy đủ, hoặc do phương pháp tiếp cận vấn đề, hoặc do chưa hiểu hết đặc điểm văn hóa của các dân tộc phương Đông. Thứ hai, các học giả chưa thực sự có phương pháp lịch sử - cụ thể trong quá trình nghiên cứu thực tiễn Việt Nam nói riêng và thực tiễn thế giới lúc bấy giờ nói chung.
Vì vậy, dù không mang thiên kiến hay hằn thù với Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hay với dân tộc Việt Nam, nhưng những nhận định trên là chưa chính xác. Điều này đòi hỏi các học giả, các nhà nghiên cứu Việt Nam phải có sự trao đổi, phản biện hợp lý và thấu đáo để qua đó giúp cho người nước ngoài và cả người Việt Nam có thêm hiểu biết và nhìn nhận chân xác về hành trình lịch sử này.
… Thực tiễn và giá trị lịch sử của sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước - luận cứ vững chắc để trao đổi và phản biện
Một là, khi đánh giá về sự kiện Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước, các học giả nước ngoài đưa ra những nhận định không chính xác bởi không nhìn nhận được quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành đã được khởi tạo ngay trong huyết quản của Người.
Nguyễn Tất Thành là một người Việt Nam yêu nước, được sinh ra trong một gia đình nhà nho duy tân. Vì vậy, nhân cách của Nguyễn Tất Thành được hình thành và phát triển từ nguồn cội các giá trị tinh thần truyền thống Việt nam, mà cao nhất, cốt lõi nhất, đó là lòng yêu nước.
Ngôi nhà ở Làng Sen - Quê nội của Bác, nơi đã từng gắn bó với một quãng đời tuổi thơ của Bác (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Internet.
Nguyễn Tất Thành sinh ra tại miền quê Nghệ Tĩnh - nơi nổi tiếng là vùng đất văn vật, chốn thi thư, giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, nơi đóng góp cho dân tộc Việt Nam biết bao người con ưu tú. Chí khí yêu nước của Người còn được ảnh hưởng từ người cha, cụ Nguyễn Sinh Sắc, một người rất mực liêm khiết, thương dân, chủ trương lấy dân làm hậu thuẫn cho mọi cải cách chính trị - xã hội, từ người chị gái và anh trai của Nguyễn Tất Thành, những người đã tham gia sôi nổi và nhiệt thành vào phong trào yêu nước của các sĩ phu đương thời, sẵn sàng chịu cảnh thực dân Pháp bắt giam, tù đày, quản thúc hàng chục năm trời. Truyền thống của quê hương và gia đình đã đắp bồi lên tinh thần yêu nước, thương dân của Nguyễn Tất Thành, là mạch nguồn hun đúc cho ý chí và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Văn Ba.
Hai là, thực tiễn những trải nghiệm sống trong những năm tháng tuổi thơ của Nguyễn Tất Thành đã hun đúc ý chí, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Thuở ấu thơ, Nguyễn Tất Thành nhiều lần được theo cha rong ruổi đến nhiều nơi, được hầu trà, pha nước, nghe các bậc sĩ phu bàn chuyện chính sự. Qua những chuyến đi, Người được chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, cơ cực của nhân dân, sự đàn áp, bóc lột dã man của thực dân Pháp đối với người dân nước mình, sự ươn hèn, bạc nhược của một số quan lại và chính quyền Nam triều.
Cụ Phan Bội Châu sau này chia sẻ lại: “Nguyễn Tất Thành thường nghe Cụ ngâm hai câu thơ và sau này anh vẫn nhắc lại: Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/ Lập thân tối hạ thị văn chương” (Nghĩa là: Mỗi bữa (ăn) không quên ghi sử sách/ Lập thân hèn nhất ấy (là) văn chương”[5].
Bởi vậy, hành động tham gia cuộc biểu tình chống thuế cùng với nông dân Thừa Thiên năm 1908 để đau nỗi đau của nhân dân, để chiến đấu trong cuộc chiến đấu của nhân dân của Nguyễn Tất Thành không phải là một hành động bộc phát, nông nổi mà đã có chủ ý rõ ràng.
Theo sự phát triển tự nhiên trong bối cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, Nguyễn Tất Thành sẽ có 2 lựa chọn: theo Đông học để thi cử ra làm quan hoặc theo Tây học, cũng sẽ ra làm quan dưới chế độ Pháp thuộc.
Người thanh niên ấy đã không chọn các giá trị phong kiến cũ kỹ theo phong trào Cần Vương, cũng không lựa chọn cách thức duy tân theo hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh để rồi sang Nhật Bản, sang Trung Quốc, đọc sách Tân Thư, Tân Văn để canh tân đất nước; Anh cũng quyết định không vào các trường Pháp học chữ Pháp rồi về giúp Pháp cai trị dân mình.
Với sự thông minh và nhạy bén, Nguyễn Tất Thành đã nhìn thấy hình ảnh một nước Pháp với các giá trị nhân văn về “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Chính điều đó thôi thúc những khát vọng cháy bỏng của Người về nền văn minh Pháp. Người muốn làm quen, khám phá và xem sự thật ẩn giấu đằng sau những mỹ từ đó là gì. Và hơn hết, Người muốn đến đó để trả lời câu hỏi của thế hệ cha, anh: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[6].
Để chuẩn bị cho cuộc trường chinh đó, hành trang Nguyễn Tất Thành mang theo là bàn tay lao động và trí tuệ cùng ham muốn tột bậc là nước được độc lập, dân được hạnh phúc, tự do. Người ra đi tìm đường cứu nước trong hình ảnh một người lao động, Nguyễn Tất Thành đã hòa mình vào cuộc sống của giai cấp vô sản, không e dè, mặc cảm, không bề trên, khinh thường, “đó quả là một sự đổi mới đầy dũng cảm”[7].
Ba là, thực tiễn của những năm tháng Nguyễn Tất Thành dấn thân, hoà mình vào cuộc đời của những người cần lao trên khắp thế giới để đúc rút ra những lý luận về con đường cứu nước phù hợp với dân tộc Việt Nam.
Gần 10 năm (1911 -1919), Người đã qua Xrilanca, Ai Cập, một số nước châu Phi, châu Mỹ, qua Anh và trở lại Pháp, nhờ cách nhận thức mới, sáng tạo so với nhiều người trước đó mà Nguyễn Tất Thành đã sớm thấu hiểu nỗi thống khổ của người lao động, lại càng hiểu hơn nỗi cơ cực của người dân mất nước, Người hiểu được sức mạnh của giai cấp công nhân khi được tập hợp lại. Người đến với học thuyết Mác - Lênin khi nhìn thấy ở đó ánh sáng soi đường, chỉ lối cho khát vọng cứu nước của mình, để rồi quyết định đưa chủ nghĩa đó về với phong trào công nhân Việt Nam, về với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tài sản lớn nhất mà Người đã có được đó chính là tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Với quyết tâm của mình, dần dần từng bước Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam, sáng lập chính đảng cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, cuộc cách mạng thành công đưa tới sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi tạo nên một thời đại rực rỡ, thời đại Hồ Chí Minh, đúng như lời tiên lượng trước kia của cụ Phan Châu Trinh: “Tôi tin rằng không bao lâu nữa cái chủ nghĩa Anh tôn thờ sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ nước ta”[8].
ThS Đào Tuấn Anh