Chủ trương giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hoà bình của Đảng đã được Nhà nước ta thể chế hoá trong Luật Biển Việt Nam năm 2012; tại điều 4, khoản 3 đã ghi rõ: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”[1]. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại (đó là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển), phù hợp với luật pháp quốc tế (quy định các nước giải quyết tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, và Liên hợp quốc cũng đã thành lập 4 cơ quan Toà chuyên giải quyết các tranh chấp biển, đảo giữa các nước); đồng thời chủ trương này phù hợp với truyền thống hoà hiếu của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là một chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng ta.
Trên thực tế, Việt Nam đang kiên trì thực hiện chủ trương này và cho đến nay đã giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng. Cụ thể là, năm 1997, Việt Nam cùng Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Thái Lan; năm 2000, cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ; năm 2003, cùng Indonesia phân định thềm lục địa ở Nam Biển Đông; tiếp tục kiên trì đàm phán, phân định biển với các nước có khu vực biển chồng lấn như Philippines, Malaysia… Gần đây, với những sự việc căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông như Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (năm 2014), hay năm 2019, tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính (thuộc thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam), bằng các biện pháp đấu tranh hòa bình, Việt Nam đã buộc các tàu Trung Quốc chấm dứt các hành vi xâm phạm, do đó chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc được giữ vững. Thực tế này đã chứng minh chủ trương đấu tranh đúng đắn mà Đảng, Nhà nước ta đã nêu ra; đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội khi cho rằng “Đảng, Nhà nước không có đối sách để bảo vệ chủ quyền biển, đảo” hay “Việt Nam chỉ biết lên tiếng quan ngại” mà không dám đấu tranh trực diện để bảo vệ biển, đảo đất nước.
Đối với Việt Nam, đấu tranh hoà bình bao gồm các biện pháp chủ yếu sau:
Một là, biện pháp đấu tranh chính trị: Đây là biện pháp hết sức quan trọng, do lãnh đạo cấp cao của những nước có tranh chấp, bất đồng trao đổi, bàn bạc trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như truyền thống quan hệ hữu nghị vốn có. Nếu lãnh đạo cấp cao còn thiện chí gặp nhau thì khả năng giải quyết bằng biện pháp hoà bình còn có thể thành công, khu vực còn hoà bình, ổn định, tránh được khả năng xảy ra xung đột quân sự.
Tăng cường các hình thức tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Ảnh: Internet.
Hai là, biện pháp đấu tranh ngoại giao: Đây là biện pháp đấu tranh thường xuyên, liên tục, tuỳ theo tình hình cụ thể mà có các phương pháp tiến hành khác nhau (từ thấp đến cao). Đấu tranh ngoại giao sẽ giúp cho các bên có bất đồng, tranh chấp hiểu rõ lập trường, quan điểm của đối phương, từ đó đưa ra cách ứng xử đúng đắn, phù hợp vì lợi ích chung của các bên. Biện pháp này vừa hỗ trợ cho biện pháp đấu tranh chính trị, vừa trực tiếp giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trên khu vực Biển Đông.
Ba là, biện pháp đấu tranh pháp lý: Trên cơ sở luật pháp quốc tế mà trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), chúng ta đấu tranh để các bên thừa nhận tính phù hợp của luật pháp quốc tế và cùng nhau bàn bạc giải quyết các tranh chấp. Cùng với đó, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, chặt chẽ về mặt pháp lý và các bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Khi các biện pháp khác không đạt kết quả thì sẽ đưa tranh chấp ra Toà án quốc tế để phân xử.
Bốn là, biện pháp đấu tranh bằng phương tiện truyền thông và dư luận xã hội trong nước và quốc tế: Đây là biện pháp cần thiết, đi đầu để tạo nên nhận thức đúng đắn ở trong nước và quốc tế về tính chính nghĩa, về cơ sở pháp lý và những bằng chứng lịch sử xác thực chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông - trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này vừa tạo sự đoàn kết thống nhất về nhận thức và hành động trong nước, vừa huy động sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế đối với quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông; đồng thời góp phần đấu tranh chống lại mọi sự xuyên tạc, bóp méo sự thật làm phức tạp thêm tình hình và gây bất ổn trong khu vực từ các thế lực thù địch.
Năm là, đấu tranh bằng biện pháp hoà bình ngoài thực địa: Đây là biện pháp quan trọng, trực tiếp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, do các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện. Điều này đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ và lực lượng tham gia trực tiếp đấu tranh trên biển phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam; giữ vững nguyên tắc kiên trì giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trên thực địa bằng các biện pháp hoà bình qua việc đẩy mạnh công tác vận động thuyết phục, dùng hành động chính nghĩa đẩy lùi sự hung hăng, bạo lực. Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không mắc mưu, không để bị khiêu khích nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, không để nước ngoài lợi dụng tạo cớ gây ra xung đột vũ trang trên biển.
Song song với các biện pháp đấu tranh hòa bình, Đảng, Nhà nước luôn chủ động đề ra kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; chủ động nhận diện, ngăn ngừa, triệt tiêu những nhân tố bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ trở thành xung đột trên Biển Đông. Cùng với đó, các lực lượng vũ trang luôn đề cao cảnh giác, không để Tổ quốc bị bất ngờ từ hướng biển; nhanh chóng, kịp thời phát hiện mọi âm mưu của nước ngoài đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền biển, đảo đất nước. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình bằng tất cả sức mạnh của một dân tộc yêu hoà bình kết hợp sức mạnh của thời đại để đánh bại mọi âm mưu, quy mô, hình thái chiến tranh từ kẻ thù, bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lê Thủ