Di sản văn hoá phi vật thể bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hoá ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác (1)… kết tinh giá trị tinh thần mang đặc trưng của cộng đồng. Do vậy mà các nghệ nhân, người nắm giữ bí quyết biểu diễn và truyền bá văn hóa dân tộc mình, cộng đồng mình cũng cần được xem như các di sản văn hóa, báu vật nhân văn sống; cần được trân trọng, tôn vinh và có chính sách phù hợp. Đánh giá về điều này, Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ “Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy” (2).
Các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Ảnh: nhandan
Di sản văn hóa phi vật thể giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, cộng đồng và từng cá nhân, là chất keo cố kết các tộc người của quốc gia. Nhận thức tầm quan trọng của di sản văn hóa hóa phi vật thể đối với vấn đề phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ hội nhập, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phát phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Khơi dậy tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên. Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử văn hóa” (3).Tầm quan trọng của các di sản văn hóa phi vật thể thể hiện các chiều kích sau:
Di sản văn hóa phi vật thể phản ánh tinh thần của dân tộc
Các giá trị truyền thống nói chung và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói riêng đóng vai trò quan trọng trong nền tảng tinh thần của cộng đồng. Văn hóa là giá trị cốt lõi của tinh hoa dân tộc trong đó di sản văn hóa vật thể là tài sản hữu hình là những biểu hiện cụ thể còn di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị tinh thần to lớn được sáng tạo qua lao động và sản xuất. Các biểu hiện cụ thể của di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật trình diễn dân gian, không gian văn hóa giúp kết nối cá nhân riêng lẻ trong cộng đồng thành một tập hợp thống nhất có nội lực.
Di sản văn hóa phi vật thể tạo nên môi trường văn hóa của các cộng đồng
Văn hóa gồm mọi khía cạnh của con người trong đời sống hàng ngày và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong đó di sản văn hóa phi vật thể là những phần cốt lõi của giá trị tinh thần tạo môi trường văn hóa nuôi dưỡng đời sống cá nhân, cộng đồng đặc biệt có ý nghĩa trong việc tái sản xuất sức lao động của con người. Sự tổng hòa của mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa - xã hội tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân tồn tại và phát triển với tác động qua lại với các cá nhân khác trong cộng đồng và với cộng đồng. Di sản văn hóa phi vật thể không chỉ thể hiện và có hình thức biểu hiện mà còn gắn với vật thể và không gian văn hóa xung quanh, chính không gian này là rất quan trọng trong gìn giữ, lưu truyền các di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng.
Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản để phát triển kinh tế
Di sản văn hoá Việt Nam bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Di sản văn hóa phi vật thể là những sáng tạo của thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay, đều là những “hòn ngọc quý” (4). Xu hướng thừa nhận và khẳng định tiềm năng kinh tế to lớn của di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng đã trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự ưng thuận, ủng hộ của nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia phát triển. Bản thân các tổ chức văn hóa và kinh tế lớn trên thế giới hiện nay như World Bank, UNCTAD, WIPO, ADB, UNESCO, DCMS (Anh) cũng đồng quan điểm rằng việc hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa nên được tái định nghĩa lại như là một sự đầu tư cho phát triển hơn là hoạt động chi và rằng các ngành công nghiệp văn hóa là những nhân tố quan trọng cho tăng trưởng và thịnh vượng về kinh tế năng động, công cụ cho sự đổi mới, giàu có và xóa đói giảm nghèo. Xuất phát từ sự hiểu biết và đồng thuận này mà nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore đã trở thành những quốc gia dẫn đầu thế giới về việc khai thác và biến nền văn hóa cùng các di sản văn hóa của chính mình thành lợi thế cạnh tranh về kinh tế trong nhiều năm qua. Với sự phong phú, đặc sắc và giàu có về di sản văn hóa phi vật thể, Nhà nước Việt Nam cần hỗ trợ hỗ trợ sự phát triển công nghiệp văn hóa (cụ thể qua các dự án thuộc lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và audiovisual, xuất bản, thủ công và thiết kế, bản quyền, đa ngành). Bằng cách ủng hộ sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp đó, chúng ta sẽ nhận ra giá trị kinh tế lớn lao của các di sản văn hóa phi vật thể như là một nguồn tài nguyên được tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Di sản văn hóa phi vật thể là điều kiện để giao lưu, đối thoại văn hóa
Xu thế toàn cầu hóa tạo nhiều điều kiện cho các quốc gia trên thế giới tiếp xúc, giao lưu, tiếp thu các giá trị tinh hoa lẫn nhau. Trên cơ sở của giao lưu văn hóa các quốc gia tạo ra mối quan hệ cho việc hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội. Di sản văn hóa phi vật thể là giá trị của mỗi cộng đồng và dân tộc có tính bản sắc riêng, đặc trưng, khác biệt với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc tính này được đánh giá như điểm mấu chốt để giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, hội nhập và phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.
Di sản văn hóa phi vật thể dân tộc đóng dấu ấn của mỗi thời đại, là bức thông điệp của các thế hệ đi trước gửi lại cho các thế hệ hôm nay, là chứng tích phản ánh bước đi của mỗi dân tộc trải qua những giai đoạn lịch sử nhất định. Mà nói như Edouard Herriot, cố nghị trưởng Pháp từng nói: “Văn hóa, đó là cái còn lại khi người ta đã quên hết cả, đó là cái vẫn thiếu khi người ta đã học đủ cả”. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể dân tộc không chỉ đóng vai trò mang tính quyết định trong việc đem lại sự phát triển kinh tế bền vững; giúp xóa đói giảm nghèo mà còn tạo nền tảng gắn kết xã hội, đảm bảo sự phát triển bình đẳng, nhân văn và có bản sắc trong mỗi dân tộc.
------------------------
Chú thích
1. Việt Nam hiện có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại (Nhã nhạc, Âm nhạc cung đình Việt Nam (năm 2003); Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên (2005); Dân ca quan họ Bắc Ninh (2009); Ca Trù (2009); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc (2010); Hát xoan Phú Thọ (2011) ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012); Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (2013); Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014); Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015); Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016); Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam (2017); Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (2019); Xòe Thái (2021); Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022).)
2. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr 64
3. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr 134, 135.
4. Nguyễn Chí Bền (2007), “Di sản văn hóa phi vật thể từ sưu tầm, nghiên cứu đến bảo tồn và phát huy”, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Nxb Công ty Mỹ thuật Trung ương, tr,77.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Chí Bền (2007), “Di sản văn hóa phi vật thể từ sưu tầm, nghiên cứu đến bảo tồn và phát huy”, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, Nxb Công ty Mỹ thuật Trung ương,
2. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), tập 1,2, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Trường Sơn