Cách đây 65 năm, trong bối cảnh đất nước chia cắt hai miền, Bác Hồ vào tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh thăm và động viên nhân dân, cán bộ, chiến sĩ. Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa, vừa trực tiếp thăm hỏi nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa động viên nhân dân miền Nam trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc. 65 năm đã trôi qua, trong ký ức những người được gặp Bác Hồ vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc, những tình cảm sâu nặng và ghi nhớ lời Bác dặn dò.
Nhân dân Quảng Bình nhớ mãi sự kiện đặc biệt vào 8h15 ngày 16/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn cán bộ Trung ương đến thăm tỉnh Quảng Bình. Nghe tin Bác Hồ vào thăm tuyến lửa, người Vân Kiều - Pa Cô ở miền núi các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đã cử những người có uy tín từ rừng núi xa xôi về gặp Bác. Bà con miền biển, đồng bằng cũng đổ về sân vận động thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ để được nhìn thấy Bác.
Chiều 16/6/1957, trước 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, Bác Hồ đã ân cần chuyện trò, động viên người dân Quảng Bình - Vĩnh Linh với những tình cảm thân thương. Đến tận bây giờ, trong ký ức của già làng Hồ Khay, 84 tuổi, ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vẫn không quên được hình ảnh Bác Hồ trong lần đầu tiên được gặp Bác. Già làng Hồ Khay lúc đó 27 tuổi, khoác bộ áo quần dệt bằng thổ cẩm của đồng bào mình, băng rừng vượt suối từ miền núi về thị xã Đồng Hới. Già Hồ Khay nhớ lại, lúc đó mong muốn được gặp Bác nên đôi chân ông đi không biết mỏi, làm sao để sớm về đến nơi. Theo ông Hồ Khay, trong chuyến gặp gỡ đầy cảm xúc đó, đồng bào Bru - Vân Kiều đã xin được mang họ của Bác. Kể từ lần đó, người Vân Kiều đều tự nguyện mang họ Hồ.
“Lúc đó Bác Hồ vào gặp bà con ở sân vận động, Bác mới hỏi: Có đại biểu miền núi không? Dạ thưa Bác có! Có đại biểu miền biển không? Dạ thưa Bác có! Rồi Bác đến nói chuyện, Bác dặn phải sản xuất cho thật nhiều thóc gạo, tiết kiệm để hỗ trợ cho đồng bào miền Nam. Giữa các dân tộc miền núi cũng như đồng bằng phải đoàn kết lẫn nhau", ông Hồ Khay nhớ lại.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng bào Bru-Vân Kiều còn nhiều hủ tục lạc hậu, đói nghèo, dịch bệnh bủa vây cùng với thú dữ, thiên tai, địch họa. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa đồng bào Bru-Vân Kiều trở thành những người chủ của bản làng. Khắc ghi lời Bác Hồ dạy ngày Bác vào thăm Quảng Bình, đồng bào Bru-Vân Kiều mang họ của Bác đã cố gắng vươn lên. Người Bru-Vân Kiều từ đó biết khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất để thoát khỏi đói nghèo, định canh, định cư, từng bước ổn định sản xuất và đời sống. Ngày nay, bà con Bru-Vân Kiều không những thoát khỏi đói nghèo lạc hậu mà còn biết vươn lên làm giàu.
Ông Hồ A Lai ở bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là một trong những tấm gương tiêu biểu làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trên vùng đất hoang hóa, cây dại, đầy rẫy hố bom của chiến tranh, ông đã cải tạo thành những ruộng lúa nước màu mỡ, trồng những cánh rừng gỗ lớn. Hơn 30 năm lao động sáng tạo, đến nay ông Hồ A Lai đã có cuộc sống khấm khá.
Ông Hồ A Lai chia sẻ, được vinh dự mang họ của Bác, người Bru-Vân Kiều phải sống thật xứng đáng, không cam chịu nghèo đói: “Người Bru-Vân Kiều trước đây nghèo khó, nhưng để vươn lên thoát nghèo thì mình phải cố gắng, làm sao đó để người Bru-Vân Kiều đừng nghèo khổ nữa. Để phát triển kinh tế gia đình, xã hội ngày càng đi lên thì gia đình tôi cũng cố gắng thật nhiều”.
Thời gian Bác Hồ vào thăm Quảng Bình không nhiều nhưng lời căn dặn của Bác đến nay nhiều người vẫn khắc cốt ghi tâm. Ông Lê Bá Hùng, 86 tuổi, ở tổ dân phố 2, phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình vẫn nhớ như in khoảnh khắc đầy xúc động khi ông và đồng đội được gặp Bác Hồ. Ông Hùng lúc đó là người lính trẻ ở tuổi 20, được vinh dự đứng giữa hàng đối diện với khán đài, gần Bác, nhìn rõ hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại. Bác Hồ trông hiền từ, giản dị trong bộ áo quần kaki màu vàng nhạt. Từng câu, từng lời dặn dò của Bác, mọi người im lặng lắng nghe, ghi nhớ.
Ông Lê Bá Hùng còn nhớ, khi trò chuyện xong, Bác Hồ bắt nhịp bài hát “Kết đoàn” rồi cùng nhân dân, chiến sĩ hát vang, bài hát vừa dứt thì trên khán đài, Bác Hồ vẫy tay tạm biệt, để lại những giọt nước mắt chia tay nồng ấm.
“Lúc trước chỉ biết Bác Hồ qua báo chí, hình ảnh đã thấy phong cách giản dị của Bác chứ chưa hiểu được hết. Khi Bác gặp bộ đội, tình cảm của Bác thể hiện sự vĩ đại. Bây giờ tôi đã về với đời thường rồi nhưng vẫn luôn học tập đạo đức, phong cách, tác phong của Bác Hồ”, ông Lê Bá Hùng bày tỏ.
65 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, các thế hệ người dân nơi đây luôn khắc ghi lời Bác dặn dò. Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong chiến tranh, Quảng Bình phấn đấu “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”. Vào thời bình, phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, Quảng Bình đẩy mạnh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế để từng bước chuyển mình vươn lên. Ông Hồ An Phong khẳng định, những lời căn dặn, động viên của Bác là hành trang mà các thế hệ quân và dân Quảng Bình luôn mang theo trong suốt 65 năm qua.
“Sự động viên của Bác Hồ khi thăm Quảng Bình rất lớn, mặc dù thời gian của Bác lưu lại Quảng Bình rất ngắn. Những lời căn dặn của Bác Hồ tuy rất gần gũi, giản dị nhưng có tầm nhìn chiến lược và cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đến ngày 16/6 hàng năm, luôn nhắc nhớ những tình cảm của Bác Hồ đã dành cho đồng bào”
Kỷ niệm 65 năm Bác Hồ vào thăm Quảng Bình - Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình tổ chức sự kiện trọng thể để báo công với Bác về những thành tựu của tỉnh trong suốt chặng đường đã qua. Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình hôm nay vẫn luôn mang theo bên mình những lời căn dặn của Bác Hồ, sát cánh bên nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh./.
Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung