(Hình ảnh Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) xuất hiện trên sóng truyền hình Việt Nam ngày 9/6/2024)
Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, dư luận trong và ngoài nước tiếp tục dành sự quan tâm đến hiện tượng Thích Minh Tuệ. Vào công cụ tìm kiếm trên google, chưa đầy 1s xuất hiện 90 triệu kết quả tìm kiếm liên quan đến Thích Minh Tuệ. Trang thông tin Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) cũng đưa cái tên Thích Minh Tuệ vào để chú giải phục vụ cho hoạt động tìm kiếm thông tin.
Theo thông tin chính thức từ Ban Tôn giáo Chính phủ, Thích Minh tuệ tên thật là Lê Anh Tú sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại Thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật.
Theo Wikipedia, khi học hết phổ thông trung học, ông đi nghĩa vụ quân sự khoảng ba năm. Sau khi xuất ngũ, ông theo học Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên. Sau khi tốt nghiệp, ông làm địa chính viên cho một công ty tư nhân có trụ sở tại tỉnh Phú Yên, nhưng chủ yếu công tác ở tỉnh Đắk Lắk. Ông đọc sách về Phật pháp trong thời gian này và thực hành ăn chay, tu tại gia. Năm 2015, Lê Anh Tú quyết định xuất gia, lấy pháp hiệu là Thích Minh Tuệ và từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa.
Năm 2017, Lê Anh Tú thực hiện hành trình bộ hành khất thực từ Nam ra Bắc và ngược lại với mục đích học tập, tu tập theo 13 hạnh đầu đà (một hình thức tu tập của Phật giáo theo lối khổ hạnh) theo lời Đức Phật dạy. Tính đến năm 2023, Lê Anh Tú đã thực hiện ba chuyến bộ hành khất thực từ Nam ra Bắc và ngược lại. Các chuyến khất thực này diễn ra một cách bình thường, trên hành trình ba lần bộ hành của Lê Anh Tú, nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của người dân, chính quyền nơi ông đi qua.
Năm 2024, Lê Anh Tú thực hiện hành trình bộ hành khất thực lần thứ tư. Tuy nhiên, trên hành trình trở về, hoạt động của ông nhận được sự quan tâm của người dân ở các địa phương nơi ông đi qua. Đặc biệt, một bộ phận người dân lợi dụng hoạt động của ông để quay phim, chụp ảnh và phát tán trên các trang mạng xã hội như: youtube, facekook, tiktok…để trục lợi. Sự phát tán hình ảnh bộ hành của Lê Anh Tú trên các trang mạng xã hội tạo ra hiệu ứng và càng thu hút sự quan tâm của người dân. Ở các địa phương trên hành trình trở về của Lê Anh Tú, người dân đứng hai bên đường để “chào đón”, “đảnh lễ”, “giúp đỡ”, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông. Một số người dân địa phương nơi ông đi qua và các tỉnh thành khác tìm đến và tự nguyện tham gia cùng đoàn bộ hành, số này có lúc lên đến 40, 50 người. Sự tham gia của người dân gây nên nhiều hệ lụy: mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, tạo cơ hội để nhóm đối tượng lợi dụng hình ảnh của ông để trục lợi, thậm chí gây nên nhiều phiền phức đối với quá trình tu tập của Lê Anh Tú mà nhiều lần ông đã chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương đã bố trí lực lượng để bảo đảm sự an toàn cho người dân và các thành viên trong đoàn bộ hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Lê Anh Tú và đoàn bộ hành thực hiện ý nguyện tu hành chính đáng của mình.
Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, một số thành viên đi theo đoàn bộ hành bị đuối sức, sốc nhiệt, ngất xỉu trong đó có trường hợp ông Lê Thanh Sơn bị sốc nhiệt được người dân và chính quyền chuyển đến bệnh viện Trung ương Huế để cấp cứu nhưng đã tử vong. Trước tình hình đó và khả năng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, chính quyền địa phương đã gặp gỡ ông Lê Anh Tú để trao đổi về những hệ lụy mà cuộc bộ hành có thể mang lại. Nhận thức rõ trách nhiệm công dân trước những nguy hiểm có thể xảy ra liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông đối với đoàn bộ hành và người dân, đồng thời tránh những phiền phức trong quá trình tu tập, Lê Anh Tú đã tự nguyện dừng hoạt động bộ hành vào ngày 3/6/2024, chính quyền đã hỗ trợ, tạo điều kiện để ông trở về quê nhà.
Sau khi Lê Anh Tú tự nguyện dừng hoạt động bộ hành, xuất hiện nhiều thông tin trên các trang điện tử trong và ngoài nước, mạng xã hội đưa ra những thông tin trái chiều gây hoang mang dư luận. Trong đó, có không ít thông tin mang tính chất bịa đặt, xuyên tạc cho rằng chính quyền ngăn cấm hoạt động bộ hành của Lê Anh Tú, đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền tự do tôn giáo; rằng Chính phủ Việt Nam đã viện cớ về việc kiểm soát giao thông để đàn áp quyền tự do tôn giáo của nhà sư và các tín đồ Phật tử, tuỳ tiện buộc sư Thích Minh Tuệ phải ngưng hành trình của mình, thậm chí một số thông tin còn trắng trợn bịa đặt chính quyền đã “thủ tiêu bí mật” Lê Anh Tú…v.v.
Trước thông tin bịa đặt, xuyên tạc của các cá nhân, tổ chức cực đoan, thù địch, trong 2 ngày (8,9/6/2024), trên sóng Truyền hình Việt Nam đưa tin về cuộc gặp giữa phóng viên với Lê Anh Tú. Qua cuộc phỏng vấn, Lê Anh Tú đã khẳng định trách nhiệm của một công dân khi tự nguyện dừng bộ hành và mong muốn cần thời gian, không gian yên tĩnh để thực hiện ý nguyện tu hành của mình, đồng thời, tùy tình hình cụ thể, ông vẫn tiếp tục hành trình bộ hành một cách phù hợp, ông nói: “người tu họ cũng có thời gian an ổn, khi nào cần thiết thì mình mới bộ hành nhưng bộ hành phải được yên tĩnh giống như 6 năm trước không có ai đi theo. Bộ hành như thế đâu ai nói gì đâu”
Qua sự kiện bộ hành của Lê Anh Tú, một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do theo tôn giáo và không theo tôn giáo của mọi người. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo khẳng định: “Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật…Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo”. Trên cơ sở Hiến định, khoản 1, 2, điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.
Với Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một bộ phận của quyền con người và pháp luật bảo hộ cho quyền này. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chỉ bị nghiêm cấm khi vi phạm vào các vấn đề sau: 1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Việc quy định các hành vi nghiêm cấm trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo là khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền. Thực tế cho thấy, quyền tự do tôn giáo không phải là tuyệt đối mà nó bị giới hạn bởi luật pháp của mỗi quốc gia khi quyền đó vi phạm tới lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền tự do của người khác. Khoản 2, điều 18 Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị ghi rõ: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Bước chân bộ hành của Lê Anh Tú hay những ai có nhu cầu thực hành niềm tin tôn giáo đều được tự do và được pháp luật bảo hộ miễn là các hành vi đó không vi phạm pháp luật. Những luận điệu xuyên tạc hay hành vi cố tình bôi nhọ, phá hoại chính sách tôn giáo của Việt Nam cũng chỉ là tiếng nói lạc lõng trước thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Nguyễn Công