Nhiều năm qua, hình ảnh những chiến hạm của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng cùng Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới đã để lại ấn tượng sâu sắc về hình ảnh người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, cũng như sự tin tưởng, tự hào của cộng động người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần bảo vệ an toàn, an ninh trên các vùng biển của Tổ quốc.
Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, mỗi chuyến đi của các con tàu là hành trình của “sứ giả hòa bình”, đại diện cho Quân chủng Hải quân, Quân đội và đất nước giao lưu với bạn bè quốc tế.
Thượng tá Vũ Đức Hậu, Chính ủy Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân chia sẻ những câu chuyện về bản lĩnh chính trị của các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Lữ đoàn 162 trong quá trình rèn luyện, thể hiện ý chí quyết tâm qua nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
PV: Thưa thượng tá Vũ Đức Hậu, các tàu của Lữ đoàn luôn giao thực hiện những nhiệm vụ đối ngoại quân sự quốc phòng dài ngày trên biển, Đảng uỷ, Chỉ huy Lữ đoàn đã rèn luyện cho cán bộ chiến sĩ bản lĩnh chính trị như thế nào để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao?
Thượng tá Vũ Đức Hậu: Lữ đoàn 162 là lực lượng nòng cốt của Quân chủng, Vùng thực hiện nhiệm vụ đối ngoại Quốc phòng trên hướng biển, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; nhiều năm qua, Lữ đoàn đã hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Việc rèn luyện bản lĩnh chính trị cho các cán bộ chiến sĩ có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ. Đảng uỷ, Chỉ huy Lữ đoàn 162 tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, chúng tôi giáo dục cho CBCS niềm vinh dự tự hào được đại diện cho Hải quân nhân dân Việt Nam đi thăm, giao lưu, trao đổi, huấn luyện,...với Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới, cũng như đón các tàu của Hải quân các nước đến thăm cảng quốc tế Cam Ranh. Đồng thời quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng nói chung và đối ngoại Quốc phòng nói riêng; Nắm vững chủ trương và tinh thần chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về các hoạt động đối ngoại quân sự; nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa Hải quân Việt Nam với Hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng vùng biển hòa bình hữu nghị. Đồng thời tìm hiểu, nắm chắc lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa của nước bạn, mối quan hệ của từng nước đối với Việt Nam.
Thứ hai, chúng tôi tổ chức huấn luyện thuần thục các phương án, các khoa mục trong suốt quá trình hành quân và thực hiện các nội dung luyện tập, diễn tập song phương, đa phương với các nước. Đồng thời tăng cường rèn luyện sức khỏe dẻo dai, khả năng chịu đựng sóng gió, thời gian hành trình trên biển dài ngày.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn thể hiện rõ bản chất, văn hóa, truyền thống của Quân đội cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sỹ Hải quân” và tinh thần quốc tế trong sáng. Đặc biệt luôn rèn luyện về tác phong chính quy và trình độ ngoại ngữ nên trong quá trình tham gia các hoạt động, thể hiện tính tự tin, giao tiếp tốt, giúp cho mỗi CBCS vừa tích cực tham gia các hoạt động vừa là một tuyên truyền viên, tuyên truyền về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách, yêu chuộng hòa bình.
Thứ tư, nêu cao tinh thần đoàn kết tập thể, thương yêu giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chống tư tưởng chủ quan, đơn giản, tự do, chấp hành không nghiêm các quy định và kỷ luật của Quân đội, đơn vị làm ảnh hưởng đến truyền thống của Quân đội, Quân chủng, Vùng và mối quan hệ hai nước.
PV: Mỗi chuyến đi thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, các con tàu được coi là hành trình của “sứ giả hòa bình” đại diện cho đất nước giao lưu với bạn bè quốc tế. Sự tự tin, bản lĩnh của CBCS Lữ đoàn 162 được khẳng như thế nào thưa Thượng tá Vũ Đức Hậu?
Thượng tá Vũ Đức Hậu: Cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 162 còn tích cực thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, mỗi chuyến đi của các con tàu là hành trình của “sứ giả hòa bình” đại diện cho Quân chủng, Quân đội và đất nước giao lưu với bạn bè quốc tế. Xây dựng bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết; tôn trọng, hiểu biết và có trách nhiệm với Hải quân các nước; vững vàng trong ứng xử, xử lý các vấn đề theo nguyên tắc, luật pháp quốc tế là vấn đề chính trị trọng tâm mà Đảng uỷ, Chỉ huy Lữ đoàn 162 thực hiện thời gian qua.
Vì thế bản lĩnh, ý chí của mỗi CBCS trên những con tàu thực hiện đối ngoại quốc phòng được thể hiện qua việc hoàn thành xuất sắc xuất sắc các nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng trên biển xa tại các nước Hàn quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, đặc biệt là trong tham gia Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games 2021 tại Liên Bang Nga...
Mới đây nhất, ngày 4/3, Tàu 016-Quang Trung, Lữ đoàn 162, đã kết thúc tham gia giai đoạn diễn tập trên biển trong khuôn khổ Diễn tập Hải quân đa phương MILAN năm 2022 tại vùng biển phía Đông Ấn Độ với kết quả tốt, đạt các mục tiêu đề ra và bảo đảm an toàn tuyệt đối về con người và vũ khí thiết bị kỹ thuật. Tham gia diễn tập có 13 tàu chiến của hải quân các nước. Ngoài ra còn có sự góp mặt của 1 tàu ngầm, 2 tàu buồm, 10 tàu chiến, 4 trực thăng của Ấn Độ và các nước trong một số khoa mục diễn tập. Tàu 016-Quang Trung cùng các tàu trong nhóm chiến thuật số 3 (gồm 7 tàu của các nước Ấn Độ, Pháp, Sri Lanka, Seychelles và Việt Nam) đã thực hiện nghiêm các yêu cầu của tàu chỉ huy Jalaswa của Ấn Độ, hoàn thành tốt các khoa mục diễn tập, kể cả một số khoa mục phức tạp nhất. Tàu Quang Trung diễn tập liên tục 56 giờ trên biển vói hành trình 500 hải lý. Trong từng khoa mục, Tàu 016-Quang Trung đã thể hiện rõ trình độ và năng lực chuyên môn cũng như khả năng làm chủ vũ khí thiết bị kỹ thuật thông qua thực hiện đúng các yêu cầu, mệnh lệnh của chỉ huy, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với tàu bạn và bảo đảm an toàn tuyệt đối mọi mặt.
Trước đó, ngày 5/3, tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa, Tàu 015 – Trần Hưng Đạo, thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân Việt Nam đã tham gia luyện tập chung trên biển cùng tàu Hộ vệ F734 Vendémiaire của Hải quân Pháp. Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19, hai bên đã hội nghị hiệp đồng trực tuyến để thống nhất các nội dung thực hiện trong quá trình luyện tập chung trên biển. Tàu Hộ vệ F734 Vendémiaire của Hải quân Pháp gồm 100 sĩ quan và thủy thủ đoàn do Trung tá Alain Gaborit làm thuyền trưởng cùng Tàu Hộ vệ tên lửa Gepad 3.9, số hiệu 015 – Trần Hưng Đạo của Hải quân Nhân dân Việt Nam luân phiên chỉ huy luyện tập vận động đội hình hàng ngang, hàng dọc bằng các phương pháp quay liên tiếp, quay đồng thời. Hai tàu Hải quân của Việt Nam và Pháp cũng luyện tập vận động xây dựng đội hình tiếp nhiên liệu trên biển; luyện tập thông tin liên lạc theo “Bộ quy ước ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển của Hải quân Tây Thái Bình Dương (CUES)”.
Năm 2021, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện đội tuyển Cúp biển với lực lượng là hai tàu 015, 016 của Lữ đoàn tham gia hội thao quân sự quốc tế Army game tổ chức tại Liên bang Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đội tuyển giành huy chương Bạc toàn đoàn với 3 nội dung đạt giải Nhất và 2 nội dung đạt giải Nhì. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luyện tập chung trên biển với Hải quân các nước khi bạn đến thăm Việt Nam tại cảng quốc tế Cam Ranh…
PV: Trong tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn thép 162 đã chủ động, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu ra sao để không bị bất ngờ trong bất kì tình huống trong bảo vệ chủ quyền biển đảo?
Thượng tá Vũ Đức Hậu: Trước tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 162 đã tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ luôn có nhận thức đúng đắn về tình hình nhiệm vụ, lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo, yêu những con tàu và đơn vị; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; duy trì có nền nếp, việc thông tin phổ biến tình hình mọi mặt. Thường xuyên quán triệt sâu sắc cho bộ đội nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn, hành động của nước ngoài trên các vùng biển, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, nắm chắc đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài đối với biển đảo của ta.
Từ đó nâng cao bản lĩnh chính trị, niềm tin, ý chí quyết tâm, xây dựng mỗi con tàu và cả Lữ đoàn là một khối thống nhất, kỷ luật nghiêm minh, không ngại khó khăn, thử thách.
Điều đó thể hiện bằng việc luôn cảnh giác, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), nắm chắc tình hình trên không, trên biển, tham mưu với cấp trên xử lý nhanh nhạy, chính xác các tình huống, đúng đối sách, không để bị động bất ngờ; đồng thời tích cực chủ động trong công tác huấn luyện, nhất là huấn luyện thuần thục các phương án sát với đối tượng tác chiến và chiến trường biển Việt Nam. Khai thác làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng SSCĐ, không dao động, mơ hồ, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng về tâm thế, tư tưởng, tổ chức với phương châm “dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng”, có lệnh là xuất phát thực hiện nhiệm vụ, không ngại khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi điều kiện,hoàn cảnh.
PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tá Vũ Đức Hậu./.
Thu Lan/VOV1