Luận điệu sai trái
Các lực lượng thù địch, phản động, những phần tử cơ hội chính trịđã tìm mọi cách suy diễn, bôi đen, bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ta. Nội dung chống phá của chúng tập trung vào các điểm sau:
Thứ nhất, họ cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ cho đến thời điểm hiện tại đã lỗi thời, phản tác dụng. Nguyên tắc này chỉ phù hợp với Đảng khi đang trong thời kỳ chiến tranh, chưa giành được chính quyền hoặc phải hoạt động bí mật. Còn hòa bình rồi, khi Đảng đã cầm quyền, nhân dân làm chủ thì phải phát huy tính năng động, sáng tạo của các đảng viên, tạo mọi điều kiện cho đảng viên tự chủ, tự quyết, thực hiện tập trung dân chủ lúc này sẽ kìm hãm sự phát triển cá nhân, gây cản trở hiệu quả hoạt động của Đảng.
Thứ hai, những luận điệu sai trái lập luận rằng, không thể có “dân chủ” khi tiến hành “tập trung”, và cũng không cần thực hiện “tập trung” nếu như đã có “dân chủ”. Họ cho đây là các mặt đối lập: tập trung sẽ tất yếu dẫn đến thu hẹp, triệt tiêu dân chủ và nếu muốn thực hiện dân chủ, trước hết phải từ bỏ tập trung; hai mặt này không thể cùng tiến hành song song, đồng thời (!?).
Thứ ba, nhiều quan điểm khác cũng xuyên tạc rằng, tập trung dân chủ là nguyên tắc do Đảng Cộng sản đặt ra để từ việc thực hiện trong Đảng sẽ là bàn đạp thuận lợi lấn sân sang tổ chức quản lý Nhà nước cũng như quản lý, điều hành kinh tế và mọi mặt xã hội; từ đó, sẽ thiết lập chế độ đảng độc tài cai trị mọi thứ dễ dàng. Do đó, nguyên tắc này theo họ, thực chất chính là bức bình phong để che đậy bản chất muốn tiếm quyền đoạt lợi của Đảng Cộng sản (!?).
Nói chung, có nhiều luận điệu xuyên tạc, suy diễn khác nhau về nguyên tắc tập trung dân chủ. Song, dù với lập luận như thế nào thì mưu đồ cuối cùng của các thế lực thù địch đều hòng xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, tiến tới phủ nhận, hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tính khoa học của nguyên tắc tập trung dân chủ
Trước tiên và trên hết, bất kỳ một đảng chính trị nào muốn tồn tại và phát triển cũng cần phải có hệ tư tưởng, mục tiêu và vận hành trên những tôn chỉ, nguyên tắc nhất định, nếu không có những quy tắc, quy định cho cấu trúc bộ máy và cách thức hoạt động sẽ là một đảng phái vô kỷ luật, vô tổ chức, sẽ sớm đi đến giải thể, tan rã.
Với luận điệu cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ cho đến thời điểm hiện tại đã không còn tác dụng thì có thể thấy ngay đây là nhận định rất chủ quan, ấu trĩ. Bởi đã là xương cốt, nền tảng cho tổ chức và hoạt động của Đảng, thì dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, tập trung dân chủ vẫn luôn cần thiết. Trong chiến tranh cách mạng, nhất là trong điều kiện phải hoạt động bí mật, tập trung dân chủ là để bảo đảm kỷ luật chặt chẽ của tổ chức, sự đoàn kết thống nhất và sự phục tùng tuyệt đối của đảng viên, bảo đảm sự trung thành và bí mật an toàn cho Đảng. Còn khi đã hòa bình, lúc Đảng đã cầm quyền, tập trung dân chủ lại là nguyên tắc để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đảng đồng thời cũng là nguyên tắc có tính quyết định, gắn với sự tồn vong của Đảng trong bối cảnh mới. Trong mọi hoàn cảnh, Đảng phải đề cao thực hiện nguyên tắc này, bởi nếu chủ quan, coi nhẹ tập trung thống nhất, thực hiện dân chủ hình thức sẽ là điều kiện thuận lợi cho những phần tử cơ hội, các thế lực phản động, thù địch công kích, phá hoại, làm cho Đảng đi chệnh hướng, bị tan rã. Lịch sử đã chứng minh, sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu năm 1989 và Liên Xô năm 1991 bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì lý do chủ quan chính là sự sai lầm của Đảng Cộng sản khi đã từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Vì vậy bài học đắt giá này đã được Đảng ta đặc biệt khắc cốt ghi tâm, luôn nêu cao lập trường giữ vững nguyên tắc căn cốt này của Đảng.
Đối với lập luận cho rằng tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập, không thể thực hiện thì có thể khẳng định ngay suy diễn này rất phiến diện và mơ hồ. Bởi tập trung và dân chủ tuy đều có ý nghĩa riêng nhưng giữa chúng lại có quan hệ biện chứng chặt chẽ, phản ánh đầy đủ hai mặt của vấn đề chứ không hề có sự mâu thuẫn. Tính biện chứng và bản chất khoa học của nguyên tắc này thể hiện ở chỗ: Đảng ta là một chỉnh thể được tổ chức ở tất cả các cơ quan, đơn vị từ Trung ương tới cơ sở. Với mạng lưới rộng lớn và đa dạng như vậy, tập trung là yêu cầu cần thiết để toàn thể đảng viên thống nhất về ý chí, tư tưởng nhận thức và hành động, tạo nên sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận cao của nội bộ Đảng từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Nhưng tập trung ở đây không phải là tập trung mệnh lệnh, gia trưởng độc đoán dẫn đến những quyết định sai lầm hoặc hậu quả tai hạimà là tập trung được thực hiện trên cơ sở của dân chủ. Tức là thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, các đảng viên được bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, đóng góp ý kiến, qua đó phát huy được trí tuệ của tập thể, tránh được chuyên quyền, độc đoán, áp đặt. Và ngược lại, dân chủ phải trên cơ sở bảo đảm tập trung nếu không sẽ đi tới dân chủ quá trớn, sẽ làm cho tổ chức đảng rơi vào tình trạng lộn xộn, tùy ý, tự tiện, vô kỷ luật. Như thế, nguyên tắc tập trung dân chủ này không chỉ phát huy được tính chủ quan, năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân đảng viên mà còn bảo đảm kỷ luật, tạo được sự đồng thuận, thống nhất và quy tụ được sức mạnh của toàn Đảng.
Các đại biểu biểu quyết tại Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Internet.
Riêng với luận điệu cho rằng tập trung dân chủ là biện pháp để giúp cho Đảng độc tài cai trị mọi thứ dễ dàng thì cần phải nhận thấy rõ hai điểm:
Một là, bản chất, mục tiêu lý tưởng của Đảng mới là mấu chốt quan trọng để lập luận xem Đảng có lợi ích gì để mà ra sức bảo vệ lợi ích đó. Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc; là đảng mà đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”[1]. Rõ ràng một đảng không có lợi ích tư thân tư lợi, chỉ có sứ mệnh mục tiêu làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh thì lợi ích của Đảng cũng đồng thời là lợi ích của toàn thể dân tộc. Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội cũng chỉ để phụng sự Nhân dân, mưu cầu mục tiêu làm cho Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Do đó kể cả khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ này trong quản lý Nhà nước, xã hội thì cũng không phải là sự lấn sân để chiếm quyền đoạt lợi, mà nó càng cho thấy sự nhất quán, đồng thuận trong tổ chức thực hiện và thể hiện rõ mục đích cao cả, bản chất đạo đức,văn minh của Đảng rõ hơn mà thôi.
Hai là, không thể tránh khỏi những hạn chế, khiếm khuyết, yếu kém của đảng viên dẫn tới xảy ra các sai lầm, vi phạm. Bởi suy cho cùng, Đảng là tổ chức được hình thành từ nhiều cá nhân khác nhau. Tuy cùng là đảng viên của Đảng, cùng có tôn chỉ, mục đích, lý tưởng hành động nhưng đã là con người với tư cách là những cá thể độc lập thì trong chừng mực nhất định, với bản chất, tính cách khác biệt, với năng lực, nhận thức, phẩm chất và hoàn cảnh cá nhân khác nhau thì sẽ có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Trước những tác động ngoại cảnh, khách quan, trong điều kiện thế giới không ngừng vận động, có đảng viên đã có những dao động, đi sai quỹ đạo, làm trái nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng cũng là điều dễ hình dung. Song, những trường hợp này cũng chỉ là số ít, không thường xuyên bởi nếu như là sai phạm có tính hệ thống, toàn diện, thì đương nhiên Đảng không thể tồn tại cho đến bây giờ. Thêm vào đó, có một điều chắc chắn rằng, dù có không ít những cán bộ đảng viên đã vi phạm nguyên tắc, gây ra những hậu quả không mong muốn, nhưng điều đó không có nghĩa là Nhân dân mất niềm tin vào Đảng, quay lưng chối bỏ Đảng. Ngược lại, đại đa số Nhân dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng, tín nhiệm Đảng, đi theo ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ một bộ phận nhỏ bất mãn, cơ hội chính trị, phản động, chống phá mới vin cớ, tìm mọi cách để bôi nhọ, đòi hạ bệ Đảng. Như vậy, không thể lấy cái thiểu số tiêu cực để khẳng định đó là tiếng nói đại diện cho của toàn thể Nhân dân Việt Nam mong xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng.
Hơn hết thảy, thực tiễn mới là thước đo chuẩn xác các nguyên tắc, quy chuẩn, lý luận đặt ra. Tính từ những năm 90 của thế kỷ XX, khi mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, sụp đổ, và kể cả sự thoái trào của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong suốt thời gian qua thì cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đứng vững và không ngừng lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng đảng viên. Đặc biệt, Đảng vẫn là nhân tố quy tụ sức mạnh, tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc. Đảng thực hiện lãnh đạo Nhà nước, Nhân dân, xã hội và đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Những thành tựu đó đã từng bước định hình và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, được đông đảo cộng đồng và bạn bè quốc tế ghi nhận. Dấu ấn này đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn không thể phủ nhận vai trò tiên phong lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, việc tuân thủ các nguyên tắc nói chung và tập trung dân chủ nói riêng là yếu tố đã góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm sự tồn tại, siết chặt kỷ luật và tăng cường hiệu quả hoạt động của Đảng, đưa đến nhiều thành tựu phát triển của đất nước.
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.587.
Yến Đặng