“Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ”[1]. Vì thế, “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội”[2]. Như vậy, mục tiêu “ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” đã trở thành hệ giá trị gia đình ở Việt Nam trong tình hình mới.
Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Ảnh minh họa: Internet
Nhận diện hệ giá trị gia đình ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội chuyển đổi nhanh
Hệ giá trị gia đình được đúc kết lâu dài theo năm tháng và những giá trị đó góp phần hình thành và phát triển nhân cách của con người. Gia đình được xem là "thuốc thần kỳ” giúp làm tăng sức đề kháng cho nhân cách của con người trong bối cảnh xã hội có nhiều cám dỗ. Xã hội phát triển thì theo đó các giá trị gia đình cũng biến đổi, những giá trị truyền thống tích cực và phù hợp với tình hình mới sẽ tiếp tục được lưu giữ; những giá trị không còn phù hợp, lạc hậu và trở thành rào cản cho sự phát triển của gia đình thì bị loại bỏ và thay thế. Do đó, yêu cầu đặt ra cho các giá trị gia đình là phải chuyển biến sao cho phù hợp với tình hình mới. Hệ giá trị gia đình mới “ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh” được Đảng và Nhà nước đề cập xuyên suốt trong đường lối, chủ trương và chính sách cùng với những giá trị truyền thống của gia đình như yêu thương, chia sẻ, gắn kết để xây dựng gia đình Việt Nam bền vững, thực sự trở thành “tế bào của xã hội”.
Giá trị ấm no, đây là giá trị thể hiện khát khao ấm no, sung túc và là mong muốn mà mọi gia đình hướng đến. Giá trị ấm no được đo bằng chất lượng cuộc sống của gia đình với các biểu hiện về kinh tế - vật chất và thể chất. Điều này được thể hiện trước hết là “thỏa mãn các nhu cầu ăn, mặc, ở, học hành và giải trí của các thành viên trong gia đình một cách tương đối đầy đủ, cho các thành viên có cơ hội phát triển về tài năng, trí tuệ, sức khỏe và khả năng đóng góp với gia đình và xã hội”[3]. Ngoài ra, giá trị ấm no còn là phải ăn ngon, mặc đẹp, có nhà ở, chỗ ở riêng; có đủ tiện nghi sinh hoạt; thu nhập ổn định; có việc làm theo sở thích; có phương tiện đi lại phù hợp với sở thích; khỏe mạnh, trường thọ, có tài sản để dành và sống trong môi trường tự nhiên, xã hội ôn hòa, không ô nhiễm[4].
Giá trị tiến bộ là hướng đến sự bình đẳng trong gia đình, bình đẳng giữa nam – nữ, vợ - chồng. Sự bình đẳng nam – nữ trong gia đình là biện pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực của bất bình đẳng giới, giúp cho mọi thành viên trong gia đình có cuộc sống thoải mái, phát triển tốt hơn. Ngoài ra, giá trị tiến bộ thể hiện trong mối quan hệ vợ - chồng, đó là sự bình đẳng giữa vợ - chồng trong phân công lao động ở gia đình; tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực trong gia đình và quyền ra quyết định của vợ - chồng trong gia đình. Tất cả điều này không chỉ thúc đẩy cơ hội phát triển của các thành viên trong gia đình mà còn tạo ra giá trị hạnh phúc.
Giá trị hạnh phúc là giá trị mà con người luôn hướng đến và khát khao nắm bắt. Con người ta không chỉ có nhu cầu ăn, mặc, ở mà còn có nhu cầu được hạnh phúc, cho nên giá trị hạnh phúc là một trong những giá trị cốt lỗi để xây dựng gia đình. Hạnh phúc là sự chia sẻ, yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, cuộc sống sung túc và đủ đầy… Vì thế, gia đình hạnh phúc không chỉ có cuộc sống sung túc mà còn có các mối quan hệ trong gia đình luôn bình đẳng, dân chủ, “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Do đó, giá trị hạnh phúc trong gia đình cần được sử dụng và phát huy một cách có hiệu quả trong bối cảnh xã hội chuyển đổi nhanh.
Giá trị văn minh trong xây dựng gia đình là những phương thức ứng xử, giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình. Các mối quan hệ, ứng xử giữa cha mẹ - con cái, ông, bà – con cháu, vợ - chồng, anh – chị - em cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, các cách ứng xử, giao tiếp trong đình cần phải vừa phù hợp với bối cảnh hiện tại vừa phù hợp với truyền thống. Do đó, giá trị văn minh trong gia đình được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng, lắng nghe và dân chủ.
Giải pháp phát huy hệ giá trị gia đình ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội chuyển đổi nhanh
Để phát huy hệ giá trị gia đình mới vào xây dựng gia đình ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội chuyển đổi thì cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Trước hết, cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bởi vì đây cội nguồn mang lại sự phát triển. Thực hiện giải pháp này góp phần hiện thực hóa các giá trị hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Vì thế, cần tăng cường lồng ghép giới trong các chương trình đào tạo ở bậc học phổ thông; đẩy mạnh truyền thông giới đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ; tuyên truyền và vận động các cặp vợ chồng xây dựng mối quan hệ người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình; quan tâm hơn đến các mối quan hệ tâm lý - tình cảm của vợ chồng, đặc biệt trong bối cảnh của tình trạng phân ly gia đình hiện nay.
Song song với đó, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội của đất nước, từ đó chú ý lồng ghép các khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế - xã hội như hỗ trợ phát triển sinh kế, giải quyết việc làm,… Các chính sách kinh tế - xã hội chú ý đến những tác động đối với đời sống gia đình nói chung, góp phần đảm bảo chức năng kinh tế của gia đình, để hiện thực hóa giá trị ấm no. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Tăng cường giáo dục, tạo dựng quan niệm bình đẳng giữa con trai và con gái trong trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc ở các địa phương góp phần hình thành giá trị văn minh, tiến bộ và hạnh phúc trong gia đình.
Hơn nữa, xu thế suy giảm chức năng chăm sóc trẻ em và người cao tuổi của gia đình trong tình hình mới là không thể đảo ngược, do đó, Chính phủ cần chuẩn bị tốt cho hệ thống an sinh xã hội công và phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu của chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, đồng thời tạo điều kiện cho các dịch vụ tư nhân tham gia vào việc chăm sóc trẻ em và hỗ trợ người cao tuổi. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình đang diễn ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng các mối quan hệ gia đình, đe dọa sự bền vững của gia đình. Vì thế, cần tăng cường những giải pháp triệt để hơn nhằm thay đổi nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân, v.v.
Ngoài ra, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan tiến hành các nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được thường xuyên sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội. Có cơ chế bảo đảm tiến hành các nghiên cứu khoa học xã hội một cách hệ thống phục vụ việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội.
[1] Đảng cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991).
[2] Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 2238/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.
[3] Lê Thi: Gia đình, Phụ nữ Việt Nam với dân số, văn hóa và sự phát triển bền vững, Nxb KHXH. 2004, tr.47
[4] Lê Ngọc Văn, Mai Văn Hai, Đặng Thị Hoa, Bùi Thị Hương Trầm: Hệ giá trị gia đình Việt Nam từ hướng tiếp cận xã hội học, Nxb KHXH, 2016.
TT