Các đại biểu dự Hội nghị phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho các chức sắc, nhà tu hành tôn giáo các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ảnh: Internet.
Cùng với sự nghiệp đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), việc đổi mới chính sách và hoàn thiện luật pháp về tôn giáo, tín ngưỡng cũng được chú trọng và có sự chuyển biến rõ nét. Nhờ đó,đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trong nước ngày càng ổn định và phát triển. Các tổ chức tôn giáo hành đạo theo hướng tuân thủ pháp luật, “đồng hành cùng dân tộc”, góp phần quan trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị có sự thay đổi lớn.
Với những kết quả đạt được, công tác tôn giáo của Đảng đã nhận được sự đánh giá cao của đại bộ phận chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo nói riêng và quần chúng nhân dân nói chung. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sớm khắc phục. Do đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 02/2016/QH14 được Quốc hội khoá XIV thông qua nhằm bổ sung và hoàn thiện những quy định pháp luật còn chưa có khả năng thực thi, không còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Song, lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch lại đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc cho rằng “Luật tín ngưỡng, tôn giáo ban hành là để chính quyền kiểm soát, hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân”.
Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái, không có cơ sở, hòng chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ nhất, hoạt động cơ bản của nền quản trị quốc gia bao gồm hai mặt là xây dựng và thực thi pháp luật. Điều này được giải thích, việc xây dựng và thiết lập nền quản trị quốc gia có hiệu quả phụ thuộc lớn vào hoạt động xây dựng pháp luật và hoạt động thực thi pháp luật. Đối với hoạt động xây dựng pháp luật không chỉ hướng tới xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn minh mà còn hướng đến bảo vệ và phát triển các giá trị chân chính đặc biệt là giá trị đạo đức. Phụ thuộc vào điều kiện chủ quan, khách quan khác nhau mà mỗi quốc gia trong quá xây dựng pháp luật có thể hoàn chỉnh hoặc cần có bổ sung điều chỉnh.
Ở nước ta, xây dựng pháp luật nói chung và luật pháp về tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng là một quá trình hoạt động vô cùng quan trọng, phức hợp, bao gồm rất nhiều các hoạt động kế tiếp nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng tiến hành, nhằm chuyển hóa ý chí của Nhà nước, của nhân dân Việt Nam thành những quy định pháp luật dựa trên những nguyên tắc nhất định và được thể hiện dưới những hình thức pháp lý nhất định mà chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật.
Người dân Sài Gòn trong đêm Giáng sinh. Ảnh: Internet.
Nhìn lại quá trình thể chế hóa đường lối của Đảng về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình mới, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh mới. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 - văn bản pháp luật cao nhất thể hiện rất cụ thể tinh thần này. Ở mức độ thấp hơn, hàng loạt các văn bản pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng cũng được Chính phủ và Quốc hội ban hành từ năm 1991 đến nay như: Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (2004), Chỉ thị số 01/CT-TTg (2005), Chỉ thị 1940/CT-TTg (2008)… Trước khi Luật Tín ngưỡng tôn giáo 02/2016/QH14 được ban hành, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo (2004) đã được xây dựng dựa trên cơ sở tổng kết sâu rộng quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng và các văn bản pháp luật có liên quan. Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta đã được khoác lên một diện mạo mới cả về số lượng và chất lượng mà Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đem lại. Số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo tăng lên nhanh chóng. Nhiều lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức với quy mô lớn thu hút đông đảo chức sắc, nhà tu hành, tín đồ và người dân tham gia. Hàng loạt cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xây mới, sửa chữa khang trang. Hoạt động từ thiện xã hội, cứu tế an sinh, đặc biệt là lĩnh vực y tế và giáo dục có sự tham gia tích cực của các tổ chức tôn giáo. Chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo yên tâm, phấn khởi và tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”. Trong quá trình thực hiện, một số vấn đề mới phát sinh do thực tiễn đặt ra nên có sự điều chỉnh về pháp luật tôn giáo là hoàn toàn phù hợp.
Thứ hai, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là sự kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp, có tính khả thi cao và quan trọng được thừa nhận bởi xã hội của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo khắc phục những bất cập thiếu tính khả thi và không phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, Luật bổ sung những quy định mới mà thực tiễn quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đang đặt ra như vấn đề đất đai liên quan đến cơ sở tôn giáo, quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam… vẫn chưa có những quy định của pháp luật điều chỉnh trước đó. Quan trọng hơn, Luật đảm bảo tính tương thích với luật pháp quốc tế điều chỉnh về quyền con người trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt là những văn bản mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Thứ ba, công tác đấu tranh đối ngoại trên lĩnh vực tôn giáo và nhân quyền ở nước ta có đóng góp quan trọng từ kết quả của việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo. Tại các diễn đàn quốc tế, nhất là Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc, tiến trình của Việt Nam về thực thi tự do tôn giáo, tín ngưỡng và quyền con người đã được nhiều nước phương Tây đặc biệt là Mỹ công khai thừa nhận tích cực. Từ năm 2006, Mỹ buộc phải đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC). Gần nhất, ngày 11/10/2022, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc. Điều này cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc. Cùng với những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền của mọi người trên tất cả các lĩnh vực nói chung và quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng nói riêng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.
Rõ ràng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 đã đánh dấu bước ngoặt trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân ta. Đồng thời, phủ nhận quan điểm bịa đặt, vô căn cứ của các thế lực thù địch coi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành là công cụ để kiểm soát quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân!.
Thanh Bùi