Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Sự nghiệp cao cả đó phải thường xuyên được coi trọng, không được lơi lỏng và phải gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục rêu rao luận điệu cho rằng: “chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam chỉ là đường lối mị dân”(?!). Phải chăng họ muốn nói Việt Nam lo sợ không dám đấu tranh hoặc đấu tranh yếu ớt, không kiên quyết, không kiên trì, để mặc cho nước ngoài xâm lấn, chiếm giữ lãnh thổ, chủ quyền?! Đặc biệt, lợi dụng những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, chúng càng tăng cường xuyên tạc chủ trương của ta khi tiến hành giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, nhằm mục đích gây hoang mang, xôn xao dư luận, tác động đến tâm lý, tình cảm của các tầng lớp nhân dân, hạ uy tín của Đảng, gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Chúng ta hoàn toàn có thể và có có đầy đủ cơ sở để bác bỏ sự suy diễn vô căn cứ của những quan điểm sai trái, phản cách mạng nêu trên.
Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền(1), được quốc tế công nhận, đó là cơ sở pháp lý mà không một ai, không một thế lực nào, dù mạnh đến đâu có thể phản bác hoặc xâm phạm. Chủ quyền thiêng liêng ấy của nước ta không tự nhiên mà có, nó là kết quả của quá trình nhân dân ta gìn giữ, bảo vệ và giành lại cùng với quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do từ tay kẻ thù xâm lược. Đến nay, chủ quyền quốc gia Việt Nam vẫn được bảo vệ và giữ vững.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia chính là bảo vệ đất nước, bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển và hải đảo, bảo vệ cuộc sống hòa bình của nhân dân Việt Nam. Khi chủ quyền quốc gia được giữ vững sẽ là nguồn lực, là điều kiện tiên quyết để xây dựng chế độ xã hội mới, phát triển bền vững đất nước, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân. Vì vậy, trách nhiệm cao cả của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau là phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ cho được chủ quyền quốc gia, dân tộc và thể hiện một cách đầy đủ theo đúng hàm nghĩa của nó, tức là trên tất cả các lĩnh vực, trong các vấn đề đối nội và đối ngoại.
Bảo vệ sự “thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam, từ giữ vững sự đoàn kết, thống nhất của các dân tộc và các tôn giáo, đến giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(2). Cùng với đó, phải chú trọng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước đối với Việt Nam. Đây là quan điểm nhất quán, lâu dài, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra các vấn đề phức tạp ở trong khu vực và trên thế giới.
Bảo vệ sự “thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhất là trong thời gian gần đây tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh vùng biển Việt Nam. Nước ngoài đã bất chấp luật pháp, thông lệ quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Quy định về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ngang nhiên có những tuyên bố và hành động xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Để giải quyết các vấn đề phức tạp trên Biển Đông, lập trường kiên định, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là “kiên quyết” bảo vệ chủ quyền, “kiên trì” giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các bên trong khu vực, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh...” là một thể thống nhất, không tách rời nhau trong quá trình thực hiện. Kiên quyết đấu tranh, tức là đấu tranh không khoan nhượng, không do dự, thỏa hiệp, nhưng như thế chưa đủ, mà còn phải gắn với kiên trì, bền bỉ đấu tranh, không được nóng vội, bởi đây là cuộc đấu tranh lâu dài, không thể kết thúc trong “ngày một, ngày hai”. Đó là nội dung cốt lõi trong chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà chúng ta cần quán triệt để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, hiện thực “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(3).
Trên thực tế, chính chủ trương “kiên quyết, kiên trì đấu tranh” đã giúp Việt Nam bảo vệ và giữ vững 33 điểm đóng quân trên 21 thực thể quần đảo Trường Sa, đồng thời đang tiếp tục khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta đã tham gia xây dựng Bộ quy tắc ứng xử với các bên ở Biển Đông và đàm phán phân định biển trong Vịnh Thái Lan (năm 1997), trong Vịnh Bắc Bộ (năm 2000), giải quyết dứt điểm phân định thềm lục địa (năm 2003), vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia (năm 2022) và tiến hành khai thác chung với Malaysia (năm 1995), vùng nước lịch sử chung với Campuchia (năm 1982)... Chúng ta đã tranh thủ được sự lên tiếng của dư luận quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, bác bỏ các yêu sách vô lý, phản đối các hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, vi phạm luật pháp quốc tế, duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực. Sự tích cực mà hoạt động đối ngoại đạt được trong suốt thời gian qua chính là bằng chứng hùng hồn cho thấy tính đúng đắn, phù hợp của “chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”; đồng thời, qua đó cũng cho thấyViệt Nam luôn đấu tranh rất mạnh mẽ, quyết liệt nhưng tỉnh táo, linh hoạt, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”(4) trước những vấn đề thuộc về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mình.
Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực luôn đóng vai trò quyết định. Để thực hiện thắng lợi “chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”, Đảng ta, Nhà nước và nhân dân ta đã từng bước xây dựng thế và lực của quốc gia. Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội hơn 35 năm đổi mới ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực là kết quả đáng tự hào, là cơ sở quan trọng để Việt Nam giữ vững hòa bình, ổn định, đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Mặt khác, Đảng và Nhà nước cũng không ngừng quan tâm và đầu tư xây dựng nền quốc phòng chính quy, ngày càng hiện đại - coi đó là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu lên phương hướng, mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân: “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ...”(5). Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: Con người, tổ chức, vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến..., trong đó, chính trị - tinh thần là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Toàn quân ta đã luôn duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng. Song song với việc tổ chức chặt chẽ, hiệu quả công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống để từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Như vậy, có thể thấy nhờ kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh thời đại, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đi tiên phong trong giữ vững độc lập, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ những luận điểm xuyên tạc,sai trái về “chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” được đưa ra bởi các cá nhân, tổ chức không thiện chí, phản động, cơ hội chính trị trong thời gian vừa qua.
-------------------------------------------------------------------------
Y Thương