Hiến chương Liên Hợp Quốc[1](chính thức có hiệu lực từ ngày 24/10/1945) đề cao các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hòa bình; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Các nguyên tắc và giá trị này là thành quả đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, vẫn đang tồn tại xu hướng xem nhẹ các chuẩn mực, nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 trong giải quyết tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông.
Một số quốc gia tiến hành các chính sách, biện pháp có tính chất áp đặt, đơn phương, cường quyền, nước lớn, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền đã và đang gây căng thẳng, cản trở các nỗ lực chung giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Tình hình an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông đang bị thách thức bởi những hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là việc tuân thủ và thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Hiện tượng có quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, mưu toan “độc chiếm” Biển Đông, thực hiện quân sự hóa các bãi đá nhân tạo đe dọa đến lợi ích chính đáng, tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế; chủ quyền không thể tranh cãi, toàn vẹn lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam đang là thách thức nghiêm trọng đối với mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay[2].
Là thành viên của Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, kiên trì con đường giải quyết các vấn đề phát sinh trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của nhau, đáp ứng lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Việt Nam kiên quyết, kiên trì sử dụng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhưng đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước.
Các quốc gia trên thế giới, dù lớn hay nhỏ đều cần phải tuân thủ và thực hiện các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác; tăng cường lòng tin và giải quyết bất đồng, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải thông qua các biện pháp hòa bình, bởi lẽ giải quyết hòa bình những tranh chấp về trên biển Đông không chỉ đáp ứng nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước có liên quan trong khu vực biển Đông, mà còn phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với lợi ích của hòa bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Đó là con đường đúng đắn nhất. Dư luận ở Đông Nam Á và trên toàn thế giới chắc chắc luôn mong đợi sự đáp ứng tích cực của các bên liên quan.
[1]Hiến chương Liên Hợp Quốc được thông qua tại Hội nghị tổ chức quốc tế Liên Hợp Quốc họp ở San Francisco (Mỹ) từ ngày 24/4 đến ngày 26/6/1945 do đại diện của hơn 50 nước ký kết, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/10/1945.
[2]Xem: Tạp chí Lý luận Chính trị, số 4/2016, tr.3.
Nhị Hoà