Nhà nước Việt Nam - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đồng thời Nhà nước thực hiện chức năng quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc và đúng đắn sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, toàn diện, khả thi, bảo đảm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là cơ sở xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, thực hiện mưu đồ chống phá Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động lợi dụng các vấn đề đang nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến trong quá trình lập pháp tại các kỳ họp của Quốc hội để xuyên tạc, bóp méo sự thật, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước,… Đây là hoạt động thường xuất hiện trên các trang mạng xã hội phản động, tài khoản facebook hay blog cá nhân của các đối tượng chống đối với nhiều hình thức tô vẽ, đưa tin, bài, đăng hình ảnh, video clip xuyên tạc, châm biếm hết sức vô lý, phản cảm với nhiều quan điểm xuyên tạc về thành quả và quy trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam.
Những luận điệu sai trái thường tập trung xuyên tạc hai vấn đề chủ yếu:
Thứ nhất, họ cho rằng Quốc hội áp đặt ý chí của một số ít người trong xây dựng luật, chẳng hạn như đó chỉ là ý kiến của một số đại biểu quốc hội tại nghị trường hoặc đó chỉ là ý kiến thẩm định của Ủy ban pháp luật của Quốc hội.
Thực tế điều này không đúng, vì theo quy định của Hiến pháp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Tổ chức Quốc hội, quy trình xây dựng luật được tiến hành qua 5 bước (sáng kiến lập pháp; soạn thảo; xin ý kiến, thẩm định; thông qua; và cuối cùng là bước công bố luật), có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, đặc biệt, đối với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội như Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ rất quan trọng là thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm bảo đảm tất cả nội dung liên quan của dự án luật đều được xem xét để báo cáo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Tương tự như vậy, trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, ngoài trách nhiệm chung của Ủy ban Pháp luật thì rất cần ý kiến thẩm tra chuyên môn sâu của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội với vai trò là cơ quan phụ trách lĩnh vực. Việc quy định như vậy cũng là nhằm đề cao, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quy trình xây dựng, ban hành luật như yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 19-4-2017. Đồng thời, đây là hướng mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và toàn dân trong xây dựng các dự án luật chứ không phải chỉ là ý kiến số ít ngườinhư các quan điểm sai trái, thù địch nêu ra.
Thứ hai, một số quan điểm cho rằng, trong quy trình xây dựng luật, Quốc hội không tham gia ở tất cả các bước mà chỉ là cơ quan thông qua luật.
Đây là quan điểm không có cơ sở lý luận và thực tiễn. Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp.
Quyền lập hiến của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp, trong đó Quốc hội là cơ quan được nhân dân ủy quyền soạn thảo Hiến pháp và Hiến pháp đó phải được thông qua một khâu quan trọng là trưng cầu ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Quyền lập pháp của Quốc hội được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên thực tế, quy định này của Hiến pháp và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện chặt chẽ, cụ thể theo trình tự như sau: Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lập và trình Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân công, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình này.
Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, bên cạnh việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, còn dành nhiều thời gian, công sức cho việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân, của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Để phục vụ cho công tác này, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đã tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng dự án luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với tư cách là cơ quan chuẩn bị và chủ trì kỳ họp Quốc hội, thường xuyên cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh.
Giữa hai kỳ họp, các đoàn đại biểu quốc hội tổ chức các hội nghị để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Ý kiến của đại biểu quốc hội là cơ sở quan trọng mang tính quyết định trong việc hoạch định chính sách, chỉnh lý và hoàn thiện từng nội dung của dự án luật. Theo trình tự này, Quốc hội đã nắm trọn quyền lập pháp theo đúng quy định của Hiến pháp, vì thế những ý kiến cho rằng Quốc hội chỉ là cơ quan thông qua luật là không có cơ sở lý luận và thực tiễn.
Như vậy, với quy định tại Điều 69 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp…, đây là cơ sở hiến định thể hiện rõ một trong ba chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp nhằm làm rõ quy trình lập pháp và ở quy trình đó, có sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó Quốc hội là chủ thể đóng vai trò quan trọng và đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong cả quy trình lập hiến và lập pháp.
Linh Phúc