Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Cũng trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, có 2 sự kiện nổi bật, có tầm quan trọng quốc tế to lớn, đó là cách mạng tháng Mười Nga 1917 và sự thành lập Quốc tế Cộng sản tháng 3/1919, trong đó, Quốc tế Cộng sản (1919-1943) có ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
Quốc tế Cộng sản đã trang bị cho Nguyễn Ái Quốc thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, kiến thức lý luận và thực tiễn về đấu tranh cách mạng
Quá trình tìm tòi, khảo nghiệm con đường cứu nước trong hàng chục năm đã trang bị cho Nguyễn Ái Quốc những kiến thức lý luận và thực tiễn, góp phần hình thành thế giới quan của Người. Nhưng thế giới quan và nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa trong Người chỉ thực sự hình thành vững chắc khi Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Năm 1920, khi tiếp xúc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi Quốc tế Cộng sản nói về ảnh hưởng to lớn của Luận cương đối với sự hình thành thế giới quan của Người và quyết tâm đi theo Quốc tế thứ ba.
Sau này, trong quá trình hoạt động, Người cũng luôn luôn nhắc đến tầm quan trọng của việc trang bị lý luận cách mạng cho những người cộng sản Đông Dương.
Bản thân Nguyễn Ái Quốc đã được đào tạo qua các trường học của Quốc tế Cộng sản như trường đại học Phương Đông, trường Quốc tế Lênin, qua đó, kiến thức lý luận của Quốc tế Cộng sản đã giúp đỡ Người rất nhiều trong hoạt động thực tiễn như mở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu.
Với những kiến thức lý luận đã được Quốc tế Cộng sản trang bị cộng với trí tuệ sắc sảo của Người, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra những luận điểm quan trọng, bảo đảm thắng lợi cho cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Những luận điểm này có sự tiếp thu, kế thừa và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, của Quốc tế Cộng sản.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, năm 1924 (Ảnh: TTXVN)
Bước đầu nhận thấy vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc
Trong quá trình hoạt động với tư cách phái viên Quốc tế Cộng sản, nhà cách mạng giải phóng dân tộc Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều bài phát biểu, nhiều bài báo gây được sự chú ý của Quốc tế Cộng sản.
Chính vì thế, trong Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp, Manuinxky thay mặt Quốc tế Cộng sản dự Đại hội đã thấy rằng Nguyễn Ái Quốc là nhà cách mạng thuộc địa có nhiệt tình, hăng hái, đấu tranh, có những đề xuất táo bạo, sáng tạo về cách mạng thuộc địa. Manuinsky đã đề xuất và giới thiệu Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế Cộng sản và Quốc tế Cộng sản đã mời Người sang công tác tại Matxcơva, được Quốc tế Cộng sản giao nhiệm vụ Ủy viên Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản trực tiếp phụ trách Cục phương Nam từ ngày 25/9/1924.
Tuy nhiên, trong những năm từ 1931 đến 1938, ngoài thời gian bị bắt giam tại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc bị đặt vào tình trạng “không hoạt động” vì Quốc tế Cộng sản cho rằng những quan điểm cách mạng của người trái với đường lối Quốc tế Cộng sản.
Mãi đến cuối 1938, sau khi đã có những thay đổi cơ bản trong đường lối Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc mới được phân công về hoạt động ở Đông Dương hoặc Nam Trung Quốc cuối năm 1938.
Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản khó khăn hơn, nhưng trong những năm 1939-1941, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động với tư cách đại biểu Quốc tế Cộng sản, là người chắp nối mối liên hệ giữa Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương và tiếp tục coi trọng vai trò Quốc tế Cộng sản đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc lúc Người gặp khó kăn trong sự nghiệp hoạt động cách mạng (vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông)
Ngày 6/6/1931, cảnh sát Anh tại Hồng Kông bắt giam Nguyễn Ái Quốc dưới cái tên Tống Văn Sơ tại số nhà 186 phố Tam Kung (Cửu Long, Hồng Kông)[1], âm mưu trao Nguyễn Ái Quốc cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương.
Khi được tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, Quốc tế Cộng sản thông qua Liên đoàn chống chủ nghĩa đế quốc ra bản kêu gọi “Hãy cứu lấy nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc”, phản đối đế quốc Anh bắt giam Nguyễn Ái Quốc, kêu gọi tất cả các tổ chức chống đế quốc trên thế giới đấu tranh chống việc nhà cầm quyền Anh trao Nguyễn Ái Quốc cho đế quốc Pháp và đòi nhanh chóng trả lại tự do cho Người.
Ban Thư ký Quốc tế Liên đoàn chống đế quốc vì độc lập dân tộc ra Lời kêu gọi “Phản đối dẫn độ chiến sĩ cộng sản An Nam Nguyễn Ái Quốc”: “Ban Thư ký Liên đoàn chống đế quốc vì độc lập dân tộc đã nhiều lần phản đối việc bãi bỏ quyền cư trú của những người tị nạn chính trị, trong đó có những người cách mạng ở các thuộc địa…
Ban Thư ký Quốc tế Liên đoàn chống đế quốc phản đối hành động này và mong rằng công nhân Anh sẽ buộc Chính phủ Công đảng Anh phải tôn trọng quyền cư trú” đối với những người tị nạn chính trị2. Lời kêu gọi được đăng trên tạp chí La Correspondance Internationale số 59, năm 1931. Quốc tế Cộng sản thông qua Quốc tế Cứu tế công nhân Pháp có liên hệ với các tổ chức xã hội của Anh, ra sức vận động đưa Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù Hồng Kông.
Quốc tế Cộng sản còn bí mật nhờ luật sư Loseby ở Hồng Kông và luật sư Nowell Pritt, công tác tại Tòa án cơ mật của Anh, bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc.
Nhờ dư luận đấu tranh trên thế giới hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là sự giúp đỡ, vận động bí mật của Quốc tế Cộng sản, luật sư Loseby và một số luật sư, quan chức tiến bộ người Anh khác đã tích cực đấu tranh buộc đế quốc Anh trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc vào cuối năm 1932.
Về việc Quốc tế Cộng sản giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù của Anh tại Hồng Kông, trong thư của đồng chí Vasilieva, Trưởng phòng Đông Dương của Quốc tế Cộng sản gửi Ban Thư ký phương Đông ngày 29/6/1935 viết: “Quốc bị cảnh sát Anh tại Hồng Kông bắt giam ngày 6/6/1931. Đồng chí bị bắt giam hai năm. Đồng chí đã trải qua hai năm ở nhà tù. Thời gian này, chúng tôi liên hệ với luật sư của đồng chí (tức Loseby) thông qua Tổ chức Cứu trợ Quốc tế (MOPR) Pháp, gửi tiền cho đồng chí để xử lý công việc của đồng chí”3.
Khẳng định Nguyễn Ái Quốc là nhà cách mạng chân chính và những đóng góp về lý luận của Người đối với kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin
Sau một thời gian Quốc tế Cộng sản bị ảnh hưởng bởi đường lối tả khuynh dẫn tới sự phê phán những quan điểm cách mạng đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc, từ Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7-8 năm 1935), Quốc tế Cộng sản đã có những điều chỉnh về đường lối cho phù hợp với tình hình mới, trong đó có những quan điểm cơ bản về xác định kẻ thù, về xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, về tính chất nổi bật giải phóng dân tộc của cách mạng thuộc địa …
Những quan điểm mới của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản mở ra sự gặp gỡ giữa tư tưởng Nguyễn Ái Quốc với đường lối của Quốc tế Cộng sản. Với đường lối mới, Quốc tế Cộng sản đã bước đầu nhận thấy Nguyễn Ái Quốc là nhà cách mạng chân chính, có những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế Cộng sản tái khẳng định và đối với Đảng cộng sản Đông Dương - một phân bộ của Quốc tế Cộng sản, vai trò của Người lại càng quan trọng.
Ngày 8/6/1938, Ban Tổ chức cán bộ Quốc tế Cộng sản đề nghị điều động đồng chí Lin đến Trung Quốc để công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương, trong trường hợp không thể đưa về Đông Dương được, đề nghị đưa đồng chí về Trung Quốc tham gia đấu tranh chống Nhật. Trong thư của Vasilievna, Trưởng phòng Đông Dương của Quốc tế Cộng sản gửi Manuinxky đầu tháng 8/1938 trước khi Nguyễn Ái Quốc được cử về lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng Đông Dương, hoạt động tại Nam Trung Quốc: “Rất cần một đồng chí lãnh đạo nào gặp trao đổi với đồng chí Lin (tức Nguyễn Ái Quốc) trước khi đồng chí ấy rời nơi đây về những vấn đề có liên quan đến sự bất đồng ý kiến trong giới lãnh đạo của Đảng, về những vấn đề đang đặt ra trước Đảng. Lin là ủy viên Ban Trung ương Chấp ủy, là người có uy tín cao trong Đảng, và vì đồng chí ấy từ đây trở về, nên trong Đảng sẽ chú ý lắng nghe những gì đồng chí ấy nói”4
Sau khi về Nam Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước, trở thành cầu nối giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế Cộng sản.
Giữa tổ chức quốc tế to lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới với Nguyễn Ái Quốc - nhà hoạt động cách mạng chân chính của dân tộc Việt Nam có mối quan hệ lịch sử. Tuy có lúc thăng, trầm, nhưng sự gặp gỡ và kết hợp tư tưởng dân tộc và thời đại ở những quan điểm lớn, những tư tưởng cách mạng khoa học và bổ trợ cho nhau, làm cho giữa Quốc tế Cộng sản và cách mạng Việt Nam nói chung, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nói riêng có mối quan hệ chặt chẽ, nổi bật hơn hết, không thể không đề cập đến trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc cũng như trong lịch sử hoạt động của Quốc tế Cộng sản.