Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ thực tiễn Việt Nam và kế thừa nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, Đảng ta đã từng bước nêu lên và dần hoàn thiện những quan điểm cơ bản về quyền con người. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ tập trung làm rõ nội dung liên quan đến 2 quan điểm cơ bản.
Quyền con người là giá trị chung của nhân loại
Quan điểm này được thể hiện trong Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rõ: “Nhân quyền là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại”.
Trong khi đó,hiện nayđang tồn tại những luận điểm cho rằng: “QCN không phải là giá trị chung của nhân loại” mà là “phát kiếncủa giai cấp tư sản”; “là giá trị riêng có của chủ nghĩa tư bản phương Tây”.
Vậy, để phản bác các luận điểm sai trái, xác định rõ nội dung vấn đề, chúng ta cần phân tích rõ nguồn gốc của QCN và bản chất của luận điểm trên.
Trước hết về nguồn gốc của QCN,theo nhận thức chung hiện nay, QCN có nguồn gốc tự nhiên, nguồn gốc pháp lý và nguồn gốc xã hội.
Luận giải về nguồn gốc tự nhiên của QCN đã xuất hiện sớm từ thời kỳ cổ đại. Giữa thế kỷ V trước công nguyên, các nhà triết học ngụy biện (Sophiste) của Hy Lạp đã quan niệm: về mặt tự nhiên, mọi người đều được bình đẳng. Các nhà luật học La mã (thế kỷ II-I tr.CN) khẳng định các quyền tự nhiên dựa trên nhu cầu bẩm sinh. Ở Trung Quốc cổ đại, Mặc Tử (479-371 tr.CN) đã dựa vào tư tưởng “kiêm ái”, yêu thương con người để xây dựng về quyền bình đẳng tự nhiên và quyền của các công dân tham gia công việc nhà nước. Tư tưởng này sau đó được nhiều triết gia tái khẳng định và phát triển trong thời kỳ phục hưng và khai sáng ở Châu Âu. Tại Điều 1 Tuyên ngôn Thế giới về QCN năm 1948 ghi nhận: “Quyền con người bắt nguồn từ nhân phẩm vốn có của con người”.
Về nguồn gốc pháp lý, QCN được ghi nhận và bảo vệ thông qua pháp luật. Ngày nay, các QCN trong Bộ luật Nhân quyền quốc tế có ý nghĩa toàn cầu, làm cơ sở cho các nước xây dựng hệ thống pháp luật về QCN. Do vậy, ở hầu hết các nước, nội dung các Công ước quốc tế về QCN đã được nội luật hóa và từng bước được tổ chức thực hiện trên thực tế.
Về nguồn gốc xã hội, QCN là một giá trị xã hội cao quý mà mỗi nền văn hóa từ phương Đông sang phương Tây đều tôn trọng và thừa nhận. Tư tưởng về QCN còn phản ánh trong các học thuyết, ấn phẩm tôn giáo, chính trị và pháp lý của nhân loại từ xưa cho đến nay. Thực tiễn đã chứng minh những tư tưởng về QCN, cũng như những quy định trong pháp luật và thực tiễn bảo vệ QCN là sự đóng góp chung của mọi quốc gia, dân tộc, qua các thời kỳ phát triển của lịch sử.
Trở lại với các luận điệu thù địch, phê phán, phản đối quan điểm của Đảng về QCN. Mục đích, bản chất của các luận điểm đó là gì? Thực tế đã chứng minh rằng, bản chất của các luận điểm trên không ngoài mục đích là để áp đặt “giá trị”, “mô hình QCN” của nước này cho nước khác, là để thực hiện mưu đồ chính trị đen tối của họ.
Quan điểm “Quyền con người là giá trị chung của nhân loại” có ý nghĩa rất quan trọng, nó chỉ rõ nguồn gốc của QCN, giúp chúng ta có cơ sở bác bỏ các quan điểm, luận điệu sai trái, coi QCN là phát kiến, là giá trị riêng có của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản phương Tây, do đó dẫn đến các biểu hiện phiến diện, cực đoan: hoặc quay lưng, khước từ những giá trị tiến bộ, văn minh; hoặc áp đặt mô hình của nước này cho nước khác. Quan điểm của Đảng còn giúp chúng ta nhận thức rõ rằng: tất cả mọi người, tất cả các dân tộc không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đều có quyền thụ hưởng “giá trị chung” QCN, và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển giá trị xã hội cao quý đó.
Quyền con người gắn với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia
Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia”[1]. Trong Sách trắng về thành tựu nhân quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “… quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình”[2].
Từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ và một số nước phương Tây tung ra luận thuyết “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không biên giới”. Những luận thuyết này được các thế lực hiếu chiến, phản động sử dụng như một cơ sở để thực hiện “chủ nghĩa can thiệp mới”, thực hiện các chính sách xâm lược, can thiệp quân sự vào các nước khác và biện minh cho các hành động xâm lược, can thiệp quân sự mà họ đã tiến hành đối với nhiều quốc gia, dân tộc trong những thập kỷ qua.
Vậy, phải chăng ngày nay “nhân quyền cao hơn chủ quyền” và “quyền con người” cao hơn chủ quyền thiêng liêng của quốc gia, dân tộc? Đây là những vấn đề về lý luận cần phải được làm sáng tỏ.
Thực ra luận điểm trên chỉ là một hình thức biến tướng của chủ nghĩa thực dân mới. Trước đây, để mở rộng thuộc địa, các nước đế quốc thường sử dụng phương thức cổ điển là đánh thành và chiếm đất; còn ngày nay với quan điểmcho rằng: “một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước”, hay “một đô la chi cho tuyên truyền có tác dụng năm đô la chi cho quốc phòng” và “chiến tranh không khói súng”…, những thế lực thực dân mới trắng trợn can thiệp vào nội bộ các nước có chủ quyền bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn, hình thức khác nhau không hẳn vì mục đích xâm chiếm lãnh thổ mà vì muốn áp đặt mô hình của đất nước mình, quan niệm, “giá trị nhân quyền” của mình lên các quốc gia dân tộc khác.
Hội thảo “Quyền con người trên không gian mạng” tại Hạ Long ngày 26/06/2020. Ảnh: Internet.
Chúng ta cần khẳng định rằngmuốn thực hiện hóa được QCN thì điều kiện tiên quyết là đất nước phải được độc lập, chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng. Thực tiễn lịch sử Việt Nam và nhiều quốc gia đã từng trải qua cuộc đấu tranh giành độc lập đã chứng minh rõ ràng rằng: khi đất nước bị nô lệ, trở thành những “vong quốc nô” thì người dân không thể có tự do, các QCN sẽ bị chà đạp nghiêm trọng bởi lẽ “Nước mất” thì “Nhà tan”. Do đó, để giành lại quyền tự do cho mỗi con người, trước hết phải giành quyền tự do cho cả dân tộc. Chủ quyền thiêng liêng là nhân quyền tập thể của nhân dân một quốc gia - dân tộc, cho nên phải được tôn trọng và bảo vệ bằng pháp lý quốc tế. Xâm phạm đến chủ quyền quốc gia, dân tộc cũng có nghĩa là chà đạp lên nhân quyền của toàn thể nhân dân quốc gia đó. Vì vậy, không thể có cái gọi là nhân quyền cao hơn chủ quyền mà chỉ có sự thống nhất biện chứng giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia. Không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia thì không thể nói đến QCN.
Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là nền tảng, điều kiện tiên quyết để thực hiện nhân quyền. Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải sử dụng các điều kiện này, kiến thiết đất nước để đem lại cuộc sống hạnh phúc nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì. Dân chỉ biết đến tự do độc lập khi được ăn no, mặc đủ.
Hiện nay các thế lực thù địch, phản động đang lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” làm chiêu bài để can thiệp vào công việc nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đảng và nhân dân ta cũng đã nhận thức rõ rằng, các thế lực phản động, thù địch thực chất không quan tâm tới quyền dân chủ của nhân dân ta mà chỉ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ, chống phá đất nước ta. Đồng thời, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nhận thức rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về QCN để không những khẳng định và bảo vệ quan điểm, chủ trương của Đảng, mà còn tổ chức đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới.
Ngày Mới