Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng chứa đựng nội dung đạo đức, thể hiện lợi ích và tình cảm của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại và các trang trên mạng xã hội đã có tư tưởng thù địch khi ra sức cổ xúy cho cái gọi là “nói khác”, “nói ngược” trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật – là tiêu chí để các văn nghệ sĩ có cơ hội nổi tiếng, tác phẩm đáp ứng được sự “mong đợi của công chúng”. Vậy chiêu bài nguy hiểm mang tính kích động của các thế lực thù địch, đi ngược lại định hướng của Đảng về hoạt động văn hóa nghệ thuật là gì?
Mỗi mặt nạ tuồng là một tác phẩm mỹ thuật sống động, ẩn chứa và phô diễn những góc nhìn văn hóa đa chiều. Ảnh minh họa.
Nhà thơ nổi tiếng Raxun Gamzatop đã cảm nhận sâu sắc về thiên hướng sáng tạo của văn nghệ sĩ rằng:
“Qua giọng hát anh nhận ra người hát,
Qua nét khắc anh nhận ra người thợ bạc”.
Đúng vậy, tất cả các sản phẩm văn hóa nghệ thuật khi ra đời đều mang dấu ấn chủ quan, in đậm phong cách sáng tạo của chủ thể. Trong suốt hành trình sáng tạo của mình, văn nghệ sĩ phải tìm cho mình một phương thức riêng, không lẫn với ai, phải khiến cho công chúng mỗi khi thưởng thức thì biết ngay đó là sản phẩm của tác giả nào. Song đó mới chỉ là một nửa công việc. Dù sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo đến đâu, nó nhất thiết phải là “đứa con tinh thần đẹp nhất”. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng và khái quát được cái đẹp mang diện mạo của dân tộc mình, cộng đồng mà mình đang sống. Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ tài ba Văn Cao tâm niệm: Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi[1]và luôn khắc khoải cùng đất nước:
Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày[2]
thì có thể thấy ông nhìn nhận mọi thứ theo một chiều kích mang sứ mệnh lớn lao – tình yêu quê hương đất nước của mình. Văn Cao đã trở thành biểu tượng cho sự “kết tinh của nỗ lực miệt mài học hỏi, sáng tạo, đổi mới, dấn thân của Văn Cao cho nghệ thuật, cho văn hóa, văn nghệ nước nhà”[3]. Sáng tạo văn học nghệ thuật tất yếu đòi hỏi sự tham gia tích cực và đầy cam go để biểu đạt sự tinh tế nhằm gửi trọn niềm tin vào tác phẩm bằng tình yêu. Nhìn ở góc độ nào cũng thấy sự cần thiết của cá tính nghệ sĩ vì nếu thiếu thì không thể có tác phẩm giá trị. Những nghệ sĩ lớn trước hết là những cá tính độc đáo và biết hy sinh để khơi dậy khát vọng sống của mỗi con người trong dòng chảy môi trường văn hóa dân tộc.
Văn nghệ sĩ vẫn là con người, phải sống với đời thực, phải sinh hoạt, học tập, quan hệ xã hội... nhưng thiên chức của anh ta là tạo ra “cuộc sống thứ hai”, tức tác phẩm. Anh ta phải sống, phải “đi, về” giữa hai thế giới, thế giới của đời thực và thế giới trong tưởng tượng với những nhân vật, hình tượng... Người ta hay dùng các từ “hóa thân”, “nhập thân” khi nói về quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ là vì vậy. Dựa vào đặc trưng này, tâm lý học nghệ thuật hiện đại cho rằng nghệ sĩ dễ sa vào tình trạng đa nhân cách, thất thường, dễ ảo tưởng, hay xúc động,... Đây sẽ là điểm yếu khi có một số văn nghệ sĩ thiếu bản lĩnh, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo. Vì thế, nếu một văn nghệ sĩ cụ thể nào đó mà không tỉnh táo, nhà quản lý lại nhìn nhận đơn giản, một chiều sẽ dễ đẩy vấn đề càng đi về phía tiêu cực, có hại.
Với thực tế đó, sẽ không quá lời khi chúng ta cho rằng, văn hóa nghệ thuật lâu nay được xem là “mãnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch “gieo trồng”, “truyền bá” tư tưởng phản động, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Quả thật, trong thời gian gần đây, với sự hỗ trợ “đắc lực” của không gian mạng thì những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng văn hóa nghệ thuật để chống phá đất nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa lại càng diễn biến phức tạp hơn. Chúng đã tạo ra “hiệu ứng đám đông” từ việc dựng lên một số “mẫu hình tiêu biểu” về văn nghệ sĩ nổi tiếng từ những đối tượng cực đoan, bất mãn, suy thoái... rồi ra sức tung hô thành “thần tượng” để thu hút và hướng đến mục đích là dụ dỗ, lừa bịp công chúng.
Nghệ thuật chân chính bao giờ cũng chứa đựng một nội dung đạo đức, thể hiện lợi ích và tình cảm của quần chúng nhân dân. Thử xem những ca dao, tục ngữ của ta, những tiểu thuyết khuyết danh, những tranh dân gian, tất cả phản ánh cuộc sống lành mạnh và nhân văn, đề cao tinh thần “chị ngã em nâng”, lòng yêu thương, tình chung thủy của nhân dân lao động. Ngược lại, các thế lực thù địch, với tinh thần “nói ngược”, “nói khác” đã sử dụng nghệ thuật làm phương tiện để cổ xúy cho chính sự xuống cấp về mặt đạo đức của một số văn nghệ sĩ. Chúng ta thấy rõ ý đồ đó trong diễn tiến của một số sự kiện trong thời gian qua. Điển hình như sự kiện một nhà văn Việt Nam suy thoái tư tưởng chính trị và đang tiến hành chống phá quyết liệt tư tưởng văn hóa đất nước lại được Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng mang tên Prix Mondial Cino Del Duca gắn với đánh giá rất khoa trương rằng “một nhà văn lớn mà tác phẩm và nhân cách độc đáo chứa đựng thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại”! Chúng ta luôn trân trọng sự “khác biệt” trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa mà triết học văn hóa đề ra, song chúng ta kiên quyết phản đối việc lợi dụng sự kiện này để một số tổ chức truyền thông có tư tưởng thù địch với Việt Nam ở hải ngoại thực hiện các chiến dịch tô vẽ “thần tượng”; xuyên tạc môi trường văn hóa nghệ thuật trong nước, gieo rắc, lèo lái tư tưởng phản động, hạ bệ những nhà văn yêu nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Họ lập luận rằng, ở Việt Nam, văn nghệ sĩ muốn nổi tiếng thì cần tiến hành “nói khác” hoặc “nói ngược” với quan điểm, chủ trương chính thống của Đảng Cộng sản việt Nam.
Nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ sự lo lắng của mình về vấn này khi trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân rằng, điều ông và các nhà văn đã từng lăn lộn qua chiến tranh lo ngại nhất chính là sự xuất hiện của thái độ “ám chỉ” trong sáng tác văn hóa nghệ thuật. Lợi dụng vào tính hư cấu trong văn hóa nghệ thuật, không ít tác giả đã bày tỏ khuynh hướng sáng tạo đi ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng bằng kiểu ám chỉ, do họ bị tiêm nhiễm, kích động, ảnh hưởng bởi các luồng tư tưởng thù địch từ bên ngoài. Hệ lụy của lối tư duy “ám chỉ” đó là một số văn nghệ sĩ đã suy thoái về tư tưởng chính trị, rời bỏ quê hương ra nước ngoài sinh sống, sử dụng chính ngòi bút, vốn sống, cảm xúc nội tại để “nói ngược”, “viết ngược”, làm phương hại đến nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Thậm chí, đã có một số ít nghệ sĩ nổi tiếng, bị lôi kéo tham gia vào những bộ phim có nội dung xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bóp méo, bôi nhọ hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong chiến tranh, xúc phạm các danh nhân văn hóa đất Việt...
Quy luật tồn tại và phát triển của văn hóa nghệ thuật là quy luật của cái riêng, cái đơn nhất với cơ sở gốc là cá tính sáng tạo mà sự hình thành của nó, ngoài năng khiếu chủ quan còn là sự may mắn hội tụ tinh hoa của thời đại, vùng văn hóa, cuộc sống, nghề nghiệp... Khi kết tinh thành tài năng, cá tính sáng tạo lại trở về hòa nhập với đời sống, tôn vinh nét tinh hoa cùng vẻ đẹp của tâm hồn dân tộc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nói chuyện với anh chị em văn nghệ sĩ ngày 6-2-1973 đã nhấn mạnh rằng: “Các đồng chí cũng biết là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật phải để người ta rộng rãi, người ta sáng tạo. Nhưng, trong lĩnh vực tư tưởng thì phải nghiêm khắc. Không thể nào cho phép những người làm văn học nghệ thuật nói cái gì trái với quyền lợi của đất nước, của nhân dân, trái với đường lối của Đảng ta, của nhà nước ta. Người làm văn học nghệ thuật phải là người tận trung với với nước, tận hiếu với dân, là người có ý thức rất sâu sắc, có tình cảm rất sâu sắc đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với sự nghiệp cách mạng chung”[4].
[1] Văn Cao: Những người trên cửa biển
[2] Văn Cao: Những người trên cửa biển
[3] https://nhandan.vn/toa-dam-khoa-hoc-the-gioi-nhac-hoa-tho-cua-van-cao-tai-bao-nhan-dan-post781509.html
[4] Về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr.468-469.
Phương Nam