1. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho công tác tuyên truyền cách mạng ngay từ những ngày đầu vận động thành lập Đảng Cộng sản.
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 06/01/1930 đến ngày 7/2/1930), cùng với việc thông qua các văn kiện quan trọng của Đảng, đã quyết định: Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và ra tờ báo tuyên truyền.
Ngày 01/8/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 01/8”. Đây là tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”.
Công tác tuyên truyền là một bộ phận cấu thành của công tác tư tưởng nhằm truyền bá hệ tư tưởng và đường lối chiến lược, sách lược cho quần chúng, xây dựng cho quần chúng thế giới quan phù hợp với lợi ích của chủ thể hệ tư tưởng, hình thành và củng cố niềm tin, tập hợp và cổ vũ quần chúng hành động theo thế giới quan và niềm tin đó.
Công tác tuyên truyền có sức mạnh như một lực lượng vật chất góp phần vào cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sức mạnh của công tác tuyên truyền không những làm thay đổi nhận thức của đối tượng mà còn dẫn đến hành động cách mạng một cách tích cực của đối tượng tuyên truyền; trên cơ sở đó xây dựng niềm tin, lý tưởng cộng sản và nâng cao tính tích cực, sáng tạo của quần chúng trong cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền quốc gia và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Qua tiến trình lịch sử cách mạng đã cho thấy, công tác tuyên truyền cách mạng trở thành một trong những hoạt động quan trọng của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tuyên truyền lớn trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người xác định rõ mục đích của tuyên truyền: Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền là hoạt động mang tính sáng tạo và tính thẩm mỹ, toát lên từ toàn bộ các yếu tố cấu thành hoạt động tuyên truyền: từ nội dung, hình thức, phương tiện cho đến tư tưởng, đạo đức, tình cảm của người tuyên truyền. Người nhấn mạnh: Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng... Chẳng những các người phụ trách tuyên truyền, những người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, mà tất cả cán bộ, tất cả đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy ai cũng phải học nói nhất là học nói cho quần chúng hiểu.
2. Qua các giai đoạn cách mạng, công tác thông tin, tuyên truyền luôn có vị trí quan trọng trong việc tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình và hợp tác quốc tế, góp phần vào những thành quả của cách mạng Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam chủ trương đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các phương tiện, các biện pháp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, pháp lý và ngoại giao, trong đó công tác thông tin, tuyên truyền là một mặt trận quan trọng, hết sức cần thiết, cấp thiết và lâu dài.
Công tác thông tin, tuyên truyền chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đi trước, cung cấp những chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam; tuyên truyền các giá trị lịch sử, truyền thống hào hùng của cha ông trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Công tác thông tin, tuyên truyền góp phần tạo nên nhận thức đầy đủ, đúng đắn trong nhân dân và bạn bè quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; truyền tải thông điệp về hòa bình của Việt Nam đến thế giới; làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường đoàn kết với nhân dân các nước trong khu vực, tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của công luận quốc tế và dư luận tiến bộ trên thế giới; góp phần đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lê Hoà