Trong 5 năm 2016 – 2021 cho thấy, cả nước giảm chi ngân sách hơn 15.000 tỷ đồng nhờ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Con số này được cho là không cao và chưa tương xứng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị nhằm giảm số người làm việc trong hệ thống chính trị.
Không giảm cơ học, mà giảm nơi thừa, người có năng lực yếu, sáp nhập những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần nhau; tăng thêm cho nơi thiếu dựa vào vị trí việc làm, thành phố Hà Nội đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về tinh giản biên chế từ 10% trở lên. Trong đó, đã giảm 1.473 biên chế công chức (tương đương 15,6%); giảm 12.890 biên chế sự nghiệp (tương đương 10%) so với năm 2015; giảm 280 cấp trưởng, 560 cấp phó; giảm 840 người; nhiều trụ sở sau sắp xếp được thu hồi và có phương án sử dụng hiệu quả hơn.
Kết quả đó đã góp phần tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần cải thiện an sinh xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, giúp bộ máy chính quyền các quận và thị xã Sơn Tây gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố có cơ chế khuyến khích chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ. Thực tế cho thấy, trong quá trình tổ chức thực hiện các đơn vị này phát huy hiệu quả, tự chủ tài chính, tự chủ kinh phí, tự chủ biên chế.
Hà Nội chủ trương mở rộng các đơn vị, lĩnh vực với tinh thần chỉ bao cấp những đơn vị hành chính, quản lý nhà nước, còn lại những đơn vị có thể xã hội hóa, có thể tạo tự chủ thì kiên quyết tập trung chỉ đạo.
"Đây chính là mấu chốt của tinh giản biên chế và số lượng công chức, viên chức tinh giản ở lĩnh vực nhiều, nhanh và hiệu quả”, ông Vũ Đức Bảo nhấn mạnh.
Thực tiễn và cách làm tại Hà Nội cho thấy, tinh giản biên chế phải gắn với việc giảm đầu mối; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chứ không đơn thuần là giảm số người làm việc trong các cơ quan. Là cơ quan đi đầu trong tinh giản biên chế, Bộ Tài Chính đã gắn tinh giản biên chế với tinh gọn tổ chức bộ máy và gắn với cải cách hành chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho rằng: “Tinh giản biên chế phải gắn với cải cách hành chính. Cải cách hành chính ở đây là trên tất cả các phương diện, từ thể chế chính sách để làm sao giảm nhiệm vụ của nhà nước mà xã hội có thể thực hiện được. Đấy là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Cùng với đó cải cách hiện đại hóa, đặc biệt chuyển đổi số”.
Nhìn rộng ra, thực hiện Nghị quyết 39, đến tháng 6/2021 đã giảm trên 27.500 biên chế công chức; gần 243.000 biên chế viên chức, vượt mục tiêu giảm 10% mà Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị đề ra; giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 557 đơn vị hành chính cấp xã. Cũng trong giai đoạn này, lương cơ sở đã điều chỉnh 4 lần, tăng 29% trong vòng 6 năm. Nếu không tinh giản thì quỹ lương chi cho bộ máy là 392.600 tỷ đồng, nhưng do tinh giản nên thực tế chi lương là 377.200 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phải chi cho chính sách tinh giản là 9.270 tỷ đồng.
Như vậy, chưa tính con số tăng lương, việc giảm chi ngân sách hơn 15.000 tỷ đồng nhờ tinh gọn bộ máy là hiệu quả không cao. Kết quả này cũng chưa tương xứng với việc đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị nhằm tinh giản biên chế.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Chúng ta đã bỏ một khoản tiền rất lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin nên bây giờ không cần phải nhiều người như trước đây. Do đó, cùng với việc xác định vị trí việc làm của mỗi một chức danh, tiêu chuẩn của vị trí việc làm của mỗi chức danh, phải kết hợp mạnh mẽ, sử dụng công nghệ thông tin nền tảng kỹ thuật số, như vậy chúng ta mới giảm được”.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn cho rằng, thực tế thời gian qua chưa khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy.
Tuy vậy, một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy; việc rà soát, tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để khắc phục hạn chế, thực hiện theo Kết luận số 40 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, ở đây cần sự đồng bộ cả hệ thống chính trị để giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công việc.
“Việc cải cách chế độ công vụ làm sao đổi mới về cách quản lý biên chế, phân cấp, phân quyền. Làm sao tách hợp đồng ra khỏi biên chế. Tập trung xây dựng nền công vụ có chất lượng và thu hút người tài vào nền công vụ. Trong bối cảnh thực tiễn của chúng ta, khó khăn thách thức 5 năm tới nhiều hơn thuận lợi”, nữ Bộ trưởng phân tích.
Tinh giản biên chế phải gắn với việc giảm đầu mối. Nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức gắn với cải cách hành chính sẽ không tinh giản được biên chế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tinh giản biên chế, sử dụng cán bộ, hay nói cách khác là việc dùng người cho hiệu quả phải được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng.
Đặc biệt, người đứng đầu cần được giao quyền nhiều hơn trong việc tuyển dụng, đồng thời cũng chịu trách nhiệm nhiều hơn nếu cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ. Có như vậy mới thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, đây là yếu tố quan trọng để đất nước phát triển ổn định và bền vững./.
Lại Hoa/VOV1