Ngày nay, toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế lớn của thế giới. Quá trình này bắt đầu vào nửa cuối thế kỷ thứ XX và đầu thiên niên kỷ mới báo hiệu một kỷ nguyên tương tác giữa các quốc gia, các nền kinh tế và con người. Tuy nhiên, quá trình này cũng có nhiều mặt trái trong đó phải kể đến những thách thức đối với an ninh con người. Toàn cầu hóa không trực tiếp gây ra những đe dọa đối với an ninh con người nhưng nó lại gây ra những thách thức an ninh phi truyền thống và từ đó gián tiếp gây ra những thách thức đối với an ninh con người.
An ninh con người, theo Liên Hợp quốc, có thể được hiểu ở hai khía cạnh: Một là, an ninh con người có nghĩa là an toàn trước những mối đe dọa dai dẳng như nghèo đói, bệnh tật và đàn áp. Hai là, an ninh con người có nghĩa là sự bảo vệ trước những đổ vỡ đột ngột và có hại về mặt khuôn mẫu cuộc sống hàng ngày cho dù ở nhà, nơi làm việc hay trong cộng đồng[1]. Những thách thức đối với an ninh con người có thể chia thành 7 nhóm: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị[2].
Từ cách tiếp cận thách thức đối với an ninh con người, có thể thấy toàn cầu hóa đang đặt ra những vấn đề đối với an ninh con người như sau:
Thứ nhất, toàn cầu hóa đe dọa an ninh kinh tế của các quốc gia từ đó đe dọa đến sinh kế của con người và có thể đẩy nhiều người vào tình trạng nghèo đói, thiếu thốn. Có thể thấy mặt tích cực của toàn cầu hóa là làm gia tăng hợp tác, liên kết và hội nhập kinh tế thế giới từ đó thúc đẩy phân bổ nguồn lực phát triển một cách hợp lý và ngày càng hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc gia tăng phụ thuộc giữa các quốc gia về mặt kinh tế cũng cho thấy nguy cơ bất ổn kinh tế có thể gây ra bởi toàn cầu hóa. Quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và một thị trường toàn cầu mà ở đó các quốc gia và người dân trên thế giới tham gia ngày càng nhiều và đóng vai trò ngày càng quan trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như vậy an ninh kinh tế của các quốc gia ngày càng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố từ bên ngoài. Điều này có thể thấy qua những cuộc khủng hoảng gần đây như khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới năm 2008-2009, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 và khủng hoảng do xung đột ở Ucraina hiện nay gây ra.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, cái đói vẫn luôn ám ảnh hàng trăm triệu người ở châu Phi.
Thứ hai, toàn cầu hóa cũng đem đến thách thức đối với an ninh lương thực của các quốc gia. Quá trình tự do hóa thương mại đã làm giảm sự đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi của các quốc gia. Nhiều nơi đã phát triển mạnh chuyên canh một số loại cây trồng để phục vụ xuất khẩu trong khi vẫn bảo đảm được các loại lương thực, thực phẩm khác nhờ vào nhập khẩu từ thị trường bên ngoài. Hậu quả của sự phụ thuộc do toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại gây ra đó là những bất ổn từ thị trường thế giới có thể tác động mạnh mẽ đến nguồn cung từ bên ngoài và đe dọa an ninh lương thực của các quốc gia. Bằng chứng là khủng hoảng ở Ucraina đã làm cho lượng xuất khẩu lúa mì của Nga và Ucraina đều bị hạn chế và thế giới cũng chưa tìm được nhà xuất khẩu thay thế hoặc bù đắp được lượng thiếu hụt từ nguồn cung của Nga và Ucraina. Theo Liên Hợp quốc chỉ riêng ảnh hưởng của xung đột lên thị trường lương thực toàn cầu có thể gia tăng thêm từ 7,6 triệu cho đến 13,1 triệu người bị đói[3].
Thứ ba, toàn cầu hóa đặt ra những thách thức cho an ninh sức khỏe của con người trên toàn thế giới. Toàn cầu hóa ngày càng xóa mờ biên giới quốc gia và làm gia tăng di cư toàn cầu. Di cư toàn cầu là nguy cơ làm lây lan các đại dịch lớn, nguy hiểm cho sức khỏe con người, điển hình là đại dịch Covid-19 vừa qua. Dịch bệnh này khởi nguồn từ Trung Quốc vào cuối năm 2019 và đã nhanh chóng lây lan sang nhiều quốc gia khác. Đến đầu tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và sau 2 năm, dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 15/8/2023, toàn thế giới đã có 769.369.823 ca nhiễm và số ca tử vong do Covid-19 đã lên đến 6.954.336 người [4].
Số người tử vong hằng năm do ô nhiễm môi trường là cao hơn do đại dịch Covid-19
Thứ tư, một tác động tiêu cực khác của toàn cầu hóa đối với an ninh con người đó là nó gây ra thách thức đối với an ninh môi trường - điều kiện sống cơ bản của con người. Cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và môi trường. Thương mại tự do làm tăng cạnh tranh về chất lượng nông sản thông qua việc giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.
Tuy nhiên, ở những nơi mà tài nguyên không được định giá đúng mức hoặc có những chính sách gây hại cho môi trường thì toàn cầu hóa lại là yếu tố làm gia tăng ô nhiễm và xuống cấp môi trường. Toàn cầu hóa thúc đẩy sự chuyển dịch đầu tư và sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển để tận dụng lợi thế cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên và chi phí lao động thấp. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên được đẩy lên cao trong khi đó ở các nước đang phát triển còn tồn tại nhiều hạn chế trong chính sách và năng lực quản lý khiến cho việc định giá tài nguyên chưa đúng mức cũng như còn nhiều chính sách gây hại cho môi trường. Điều đó đã đẩy các nước đang phát triển vào tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, tài nguyên ngày càng cạn kiệt.
Thứ năm, toàn cầu hóa cũng đặt ra những thách thức đối với an ninh cá nhân. Cùng với sự phát triển của các hoạt động thương mại tự do là sự gia tăng các loại tội phạm xuyên quốc gia. Ngày nay, thế giới đang đối mặt với nhiều loại tội phạm xuyên quốc gia nghiêm trọng trong đó các loại tội phạm xuyên quốc gia gây ra đe dọa trực tiếp tới an ninh cá nhân có thể kể đến đó là tội phạm buôn bán người, buôn bán ma túy, buôn bán nội tạng. Bên cạnh đó, có nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Năm 2014, các vụ tấn công khủng bố đã xảy ra ở 95 quốc gia, số vụ khủng bố năm 2014 tăng 35% và số người chết tăng 81% so với năm 2013[5]. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2017, ước tính có khoảng 26.445 người chết do khủng bố trên phạm vi toàn cầu, số người chết trung bình 1 năm là 21.000 người[6].
Dona Đoàn