Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trên bãi đá Chữ Thập vào đầu tháng 2.1988. Ảnh Tư liệu.
Lên án nghiêm khắc mưu đồ bành trướng và hành động dùng vũ lực xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam từ phía Trung Quốc
Thực tế, không phải chỉ sau khi sự kiện Gạc Ma diễn ra mà ngay từ trước đó, Việt Nam đã có những hành động mạnh mẽ lên án ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ngay sau khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, Nhà nước Việt Nam đã ra tuyên bố, gửi công hàm phản đối và gặp trực tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam phản đối hành động dùng vũ lực xâm chiếm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa; yêu cầu thực hiện các vấn đề về cứu nạn. Ngay trong ngày 14/3/1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố trong đó nêu rõ: “Sáng ngày 14/3/1988, các tàu chiến của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa đã ngang nhiên nổ súng vào hai tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn. Tàu của ta buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc... Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự lo ngại của dư luận trên thế giới, trước hết là của các nước Đông Nam Á, hành động trắng trợn nói trên bộc lộ rõ dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh của Việt Nam, phá hoại hòa bình ổn định và xu thế đối thoại ở Đông Nam Á, thực hiện mưu đồ bành trướng ở Biển Đông… Nhân dân và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kiên quyết lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc”[2].
Tàu HQ-604 - con tàu bị địch bắn chìm trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc ở Gạc Ma. Ảnh trưng bày tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh Tư liệu.
Khẳng định mạnh mẽ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa
Ngày 20/02/1988, Bộ Ngoại giao nước ta đã ra Tuyên bố nghiêm khắc lên án những hành động của phía Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa. Hai ngày sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố với nội dung xuyên tạc và bóp méo sự thật. Dựa vào điều do chính họ bịa đặt ra về cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” đối với quần đảo Trường Sa, nhà cầm quyền Trung Quốc mặc nhiên xem những hành động của họ là “bình thường”, thậm chí là “hợp pháp”. Việt Nam kiên quyết bác bỏ luận điệu dối trá trên từ phía Trung Quốc. “Một lần nữa, chúng ta khẳng định rằng, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hai lần công bố Sách Trắng nêu rõ những căn cứ đầy đủ và và xác thực của sự thật lịch sử đó, đồng thời bác bỏ những lập luận thiếu căn cứ, bịa đặt hoặc không có cơ sở pháp lý của phía Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với hai quần đảo này”[2].
Báo Nhân dân - tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong bài viết “Chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi được” đã tiếp tục khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa qua những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý cụ thể. “Cuộc tranh chấp về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã nổ ra từ lâu và từ đầu năm 1988 đến nay lại bùng lên một cách nghiêm trọng khi Trung Quốc huy động hàng chục tàu chiến các loại xuống vùng Trường Sa. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần khẳng định mạnh mẽ rằng: Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là lãnh thổ Việt Nam”[3].
Nêu cao tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc
Sau sự kiện Gạc Ma và những diễn biến trên khu vực quần đảo Trường Sa trước đó, một phong trào ủng hộ Trường Sa, đấu tranh với những hành động ngang ngược, bất chấp đạo lý của Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam đã diễn ra rộng khắp trên cả nước. Toàn dân tộc đều hướng về Trường Sa, biểu thị quyết tâm và những hành động cụ thể nhằm sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Với chủ nghĩa bành trướng bá quyền, phía Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị đàm phán hòa bình từ phía Việt Nam nhằm giải quyết các tranh chấp. “Nhưng điều đó không thể làm nao núng quyết tâm sắt đá của nhân dân ta bảo vệ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo. Nhưng sự biến thiên của lịch sử loài người đã chứng minh chính nghĩa cuối cùng bao giờ cũng thắng”[4].
Ngày 06/4/1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố, trong đó bác bỏ mọi sự vu cáo cho rằng Việt Nam tiến hành các hành động khiêu khích ở quần đảo Trường Sa mà phía Trung Quốc đưa ra. Cuối bản Tuyên bố một lần nữa khẳng định: “Nhân dân và Chính phủ Việt Nam quý trọng tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Nếu phía Trung Quốc cứ tiếp tục khiêu khích và lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam thì họ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do họ gây ra”[5].
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14/3/1988 (báo Quân Đội Nhân Dân đăng ngày 15/3/1988). Ảnh Tư liệu.
Thể hiện thiện chí mong muốn giải quyết các tranh chấp với Trung quốc bằng biện pháp hòa bình
Ngày 17/3/1988, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao nước ta Đinh Nho Liêm đã trao Công hàm của Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Lý Thế Thuần. Lấy lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước làm trọng, tôn trọng nguyên tắc không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp giữa các nước, phía Việt Nam trước sau như một, chủ trương đàm phán để giải quyết bất đồng giữa hai nước liên quan đến quần đảo Trường Sa cũng như các vấn đề tranh chấp về biên giới và quần đảo Hoàng Sa.
Công hàm ngày 17/3/1988 của Bộ Ngoại giao Việt Nam thể hiện thiện chí cũng như con đường đúng đắn, hợp lý để giải quyết tình trạng căng thẳng, nguy hiểm đang diễn ra trên vùng biển quần đảo Trường Sa. Thiện chí đó tiếp tục được Việt Nam đề nghị qua các Công hàm gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/3 và 26/3/1988. Tiếp đến, trong Tuyên bố ngày 06/4/1988 của Bộ Ngoại giao Việt Nam “về tình hình hiện nay ở quần đảo Trường Sa”, Việt Nam đã cực lực phê phán việc phía Trung Quốc tỏ ra không muốn đàm phán hòa bình và chỉ muốn dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, “Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước sau như một cho rằng, thương lượng hòa bình là con đường duy nhất đúng đắn để giải quyết tranh chấp phù hợp với lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước Việt Nam, Trung Quốc, phù hợp với xu thế đối thoại và nguyện vọng của dư luận nhất là ở Đông Nam Á. Chính phủ Việt Nam kiên trì các đề nghị đã đưa ra trong những ngày 17, 23 và 26-3-1988 và nhấn mạnh một lần nữa: Trong khi chờ đợi phía Trung Quốc ngồi vào đàm phán, hai bên không dùng vũ lực và tránh mọi đụng độ để tình hình không phát triển xấu thêm”[6].
Xuyên suốt chuỗi các sự kiện trên quần đảo Trường Sa năm 1988 với đỉnh điểm là sự kiện Gạc Ma, Việt Nam đã tỏ rõ thái độ, lập trường nhất quán để giải quyết các bất đồng, tranh chấp với Trung Quốc. Việt Nam đã lên án mạnh mẽ mưu đồ và hành động dùng vũ lực xâm phạm chủ quyền quốc gia từ phía Trung Quốc, vạch trần những luận điệu dối trá cũng như thái độ bất hợp tác của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam đã tỏ rõ cho dư luận thấy chủ quyền hợp pháp, không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc với sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc. Mặc dù rất căm phẫn trước những hành động bất chấp đạo lý từ phía Trung Quốc, nhưng vì đại cục, vì nền hòa bình, ổn định của khu vực, Việt Nam đã thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, thông qua con đường đàm phán và thương lượng. Quan điểm và hành động nhất quán của Việt Nam đã thể hiện tính hợp pháp, chính nghĩa của một dân tộc yêu hòa bình nhưng luôn sẵn sàng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đã được bao thế hệ cha ông xác lập và gìn giữ.
Lê Thủ