Suốt thời gian ở cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở ngành Y tế về công tác chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh. Trong Thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3/1948, Người viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”,“nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa”, “người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”. Tiếp đó, trong Thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc tháng 6/1953, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Lương y phải như từ mẫu”…
“Lương y phải như từ mẫu” là cốt lõi quan điểm về y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đề cao vai trò của người thầy thuốc trong xã hội, đồng thời bày tỏ mong muốn người thầy thuốc phải như mẹ hiền, luôn yêu thương, đồng cảm, vị tha, tận tình, chu đáo, hết lòng vì người bệnh; không ngại khó, ngại khổ để làm tròn phận sự cứu người, hy sinh quên mình cho cộng đồng. Chính tình thương của người mẹ hiền giúp cho người thầy thuốc tránh được những thói xấu, như vụ lợi, tiêu cực, hách dịch, vô cảm, tắc trách khi thực hiện thiên chức cao quý mà xã hội trao gửi. Nội hàm y đức của Hồ Chí Minh còn bao hàm cả yếu tố y thuật, Người nói: “Muốn hồng phải chuyên sâu”, người thầy thuốc phải không ngừng học tập, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực để làm tốt vai trò mẹ hiền trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ (giữa) trong lần Bác đến thăm Trường Y - Dược và Khoa Ký sinh trùng. Ảnh: Tư liệu.
Khắc ghi lời Bác, biết bao thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã thấm nhuần và thực hành theo tư tưởng y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều tấm gương cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tiêu biểu về Y đức được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta ghi nhận, tôn vinh. Đó là Bộ trưởng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, vượt qua bom đạn, vào tận chiến trường miền Nam để chữa trị cho đồng bào, chiến sĩ và hy sinh trên chiến trường khi đang thực hiện sứ mệnh cao cả đó. Đó là Giáo sư Tôn Thất Tùng với “bàn tay vàng” đã cứu sống biết bao nhiêu người bằng phương pháp mổ gan không chảy máu nổi tiếng trên thế giới. Đó là Giáo sư Đặng Văn Ngữ, người thầy thuốc có công lao to lớn trong công cuộc chống sốt rét ở nước ta thời chống Pháp và chống Mỹ. Đó là nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với lý tưởng và nghị lực sống rừng rực trong trái tim thanh xuân đầy cống hiến, hoài bão, thương yêu trong sáng, sẵn sàng hy sinh cho người bệnh, cho đồng chí, cho đồng bào và cho Tổ quốc. Đó là Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tiến Quyết, người đi đầu thực hiện thành công ca ghép gan từ người sống, người chết não - một trong những thành tựu y học xuất sắc của ngành Y tế Việt Nam;…
Trên cơ sở học tập, quán triệt quan điểm người thầy thuốc phải như mẹ hiền, cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã nêu lên ba yêu cầu ngắn gọn, để cán bộ, nhân viên ngành Y dễ nhớ, dễ làm theo là: “Đến, tiếp đón niềm nở; Ở, chăm sóc tận tình; Đi, dặn dò ân cần”. Năm 1982, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị về “Thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình hằng năm theo Thư của Hồ Chí Minh” đã nêu lên những yêu cầu cụ thể về lòng “thương yêu người bệnh” cho cán bộ, nhân viên ở các lĩnh vực công tác khác nhau để thuận lợi cho việc vận dụng, liên hệ và rèn luyện. Tuy nhiên, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, những năm gần đây, y đức trở thành một trong những vấn đề “nóng”, dễ gây bức xúc trong xã hội.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức Lễ xuất quân đoàn thầy thuốc hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Nam, tháng 8/2021. Ảnh: Internet.
Trước tình hình đó, ngành Y tế đã có những biện pháp với quyết tâm xây dựng y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bộ Y tế đã ban hành quy định 12 điều y đức của người làm công tác y tế, người thầy thuốc “phải tận tình đem cả tâm và trí hiến dâng cho người bệnh, lấy tâm làm gốc không phân biệt đối xử”; “có tinh thần trách nhiệm, hǎng say, tận tụy với nghề nghiệp; luôn học tập để nâng cao trình độ chuyên môn để phòng ngừa bệnh tật cho nhân dân có hiệu quả”... Đồng thời, Bộ Y tế đã có Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT, ngày 18/8/2008 ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp Y tế; Chỉ thị số 09/CT-BYT, ngày 22/11/2013 về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua đường dây nóng nhằm tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh... Những quy định đó góp phần giáo dục, rèn luyện, đồng thời cổ vũ phong trào thi đua phấn đấu trở thành những thầy thuốc, nhân viên ưu tú, được nhân dân cả nước ghi nhận, ủng hộ.
Trong bối cảnh cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hết sức tàn khốc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”, ngành Y tế lại một lần nữa lao vào cuộc chiến khốc liệt chống lại kẻ thù giấu mặt virut SARS-CoV2 với những biến thể hết sức nguy hiểm.
Trong các đợt bùng phát của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam, đặc biệt là trong đợt bùng phát thứ tư từ cuối tháng 4/2021 đến nay, những số liệu được cập nhật với số ca mắc mới và tử vong cứ tăng lên hằng ngày. Chưa có thống kê chính xác, nhưng chắc chắn trong số đó đã có hàng nghìn trường hợp là nhân viên y tế bị lây nhiễm khi chăm sóc, điều trị cho người bệnh; và có những người đã tử vong. Cả nước chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ trở thành những chiến sĩ ở tuyến đầu cuộc chiến; hơn ai hết họ biết rõ bất cứ lúc nào cũng có thể bị lây nhiễm bệnh nhưng không chùn bước, họ luôn làm hết mình để cứu chữa, điều trị cho bệnh nhân. Nỗi vất vả, hiểm nguy càng đè nặng lên vai họ khi cuộc chiến ấy phải đối diện khốc liệt hằng ngày, hằng giờ...
Bé gái 20 tháng tuổi òa khóc khi thấy mẹ là chị Nguyễn Thị Hạnh - Bác sĩ công tác tại Bệnh viện Quân y 103 được điều động vào tâm dịch Bắc Giang - trên truyền hình. Ảnh: Internet.
Có những bệnh nhân vào viện, có chuyển biến tốt, y, bác sĩ điều trị vui mừng; những bệnh nhân chuyển biến xấu, rồi tử vong... họ đau xót, bất lực như chứng kiến chính người thân của mình ra đi mà không thể làm được gì. Khi cứu người bệnh, không ai nghĩ cứu để được khen thưởng, được cảm ơn, mà đó là sự hy sinh, là trách nhiệm với cộng đồng. Và để điều trị bệnh nhân Covid-19, họ phải làm việc và sinh hoạt tập trung tại cơ sở điều trị để tránh mang nguồn lây nhiễm về gia đình, các concủa họphải gửi cho người thân chăm sóc; khi rảnh rỗi hiếm hoi cũng chỉ có thể nhìn con qua màn hình điện thoại hoặc đứng từ xa nhìn cho đỡ nhớ; nhiều người nghe tin người thân của mình qua đời cũng không về được... Rồi khi địa bàn công tác tạm ổn, hàng triệu y bác sĩ lại lên đường vào những “vùng đỏ” theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, “mệnh lệnh của trái tim” và lương tâm người thầy thuốc với quyết tâm: “Hết dịch mới về”. Đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương sáng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch. Đó là hai cha con Điều dưỡng trưởng Nguyễn Văn Tuyến công tác tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) “chung một chiến hào” tham gia chống dịch tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Hay câu chuyện bé gái 20 tháng tuổi òa khóc khi thấy mẹ là chị Nguyễn Thị Hạnh trên truyền hình; chị Hạnh là bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), được điều động vào hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang khi còn chưa cai sữa cho con. Bác sĩ Vũ Trí Tuệ, khoa Nội tiết, Bệnh viện nội tiết Trung ương; bác sĩ Trần Thị Oanh, Khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh; bác sĩ Bùi Thanh Nam, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ninh); cùng rất nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế... khi bệnh nhân cần, cộng đồng cần, họ sẵn sàng đi vào các tâm dịchđể tham gia công tác phòng, chống dịch, làm việc ngày đêm với tâm thế tốc độ quyết định tất cả, luôn phải đi trước một bước, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch có thể xảy. Và nữ hộ sinh Dương Nguyễn Thùy Trinh, công tác tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương tử vong do mắc Covid-19 khi mang thai hơn 20 tuần tuổi. Đó chỉ là một số trong nhiều tấm gương đã và đang lặng thầm cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi, tận tâm tận lực, không quản ngại vất vả, gian nan và hiểm nguy trong cuộc chiến chống dịch thời gian qua. Tất cả đã góp phần tô sáng bức tranh vềnền y học nhân văn Việt Nam. Tấm lòng của những người thầy thuốc đã và đang là động lực, là sức mạnh để người dân tin tưởng, chung tay phòng, chống dịch bệnh.
Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, trên bước đường cống hiến tiếp theo, khắc ghi lời dạy ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mỗi y bác sỹ trên từng vị trí công tác sẽ tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng nhiều hơn nữa để trở thành một người thầy thuốc chân chính, vừa có đức vừa có tài, hết lòng tận tụy với người bệnh, tận tâm với nghề Y, xứng đáng với truyền thống “Lương y như từ mẫu” và sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Duy Quyên