Theo quan điểm biện chứng, chúng tôi cho rằng CNTB sẽ được thay thế bằng một “nấc thang” phát triển cao hơn. Điều này xuất phát từ những lý do sau đây:
Thứ nhất, logic tất yếu của mọi tiến trình phát triển là sự “thay thế” bởi những “thứ”, những “cái”, những “bộ phận”… được xác định là “phù hợp” hơn với tiến trình phát triển.
Như chúng ta đã biết, phát triển là một quá trình lịch sử - tự nhiên, là quá trình tự thân của sự vật, vận động tiến lên từ thấp lên cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Bởi vậy, nguồn gốc của sự phát triển là quá trình giải quyết mâu thuẫn trong bản thân sự vật. Cách thức của sự phát triển là quá trình tích lũy về lượng, thay đổi về chất trong sự vật. Khuynh hướng của sự phát triển là quá trình phủ định của phủ định, cái mới ra đời thay thế cái cũ. Chủ thể của sự phát triển suy đến cùng là con người đặt trong các mối quan hệtự nhiên, kinh tế, xã hội. Cũng bởi vậy, tiêu chuẩn, mục đích của sự phát triển là chất lượng và hạnh phúc dân sinh. Đồng thời, từ hiện thực vận hành, phát triển tự nhiên, kinh tế, xã hội, cho thấy mọi sự phát triển đều có tính quy luật và logic nhất định, nếu cố tình, áp đặt hay cưỡng ép sẽ đưa đến những xung đột, những bất lợi cho phát triển… và dù tiến trình đó thuận hay nghịch thì tất yếu cũng sẽ đưa đến sự cần thiết phải thay đổi, thay thế những “thứ”, những “cái”, những “bộ phận” không còn phù hợp, hay trở nên lỗi thời với quy luật, logic tổng thể hoặc giả định mọi sự phát triển là hợp quy luật/ hợp logic thì đến một “độ” nhất định, sự tích lũy đủ về lượng sẽ chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại...
Thứ hai, các lựa chọn phát triển và hướng đích của các sự lựa chọn phát triển luôn là những “nấc thang” cao hơn.
Nhìn lại lịch sử phát triển xã hội loài người, dù ở hình thái kinh tế - xã hội, ở những trình độ phát triển, ở những không gian, thời gian khác nhau và thậm chí là các chủ thể chính trị - xã hội khác nhau, song xét đến cùng mọi sự lựa chọn phát triển và hướng đích của các chủ thể đều nhằm đem đến chất lượng sinh tồn tốt hơn cho các chủ thể có thể cách thức thực hiện là khác nhau.
Cũng bởi vậy mà, xét cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy, CNTB không phải là nấc thang phát triển cao nhất của xã hội loài người. Bởi ngay lịch sử hình thành, phát triển của CNTB cũng trải qua các nấc thang phát triển khác nhau[1] dù vẫn thuộc hình thái kinh tế - xã hội TBCN, nhưng ngay chính trong một hình thái kinh tế - xã hội cụ thể cũng đã hàm chứa những sự thay đổi tất yếu từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, từ lạc hậu đến hiện đại, từ hiện đại đến hiện đại hơn…. tất thảy những điều này há chẳng phải tự bản thân CNTB cũng đang không ngừng thay đổi, không ngừng đưa ra các lựa chọn với hướng đích tương lai cao hơn thực tại. Theo đó, cũng có nghĩa rằng CNTB cũng chỉ là một nấc thang phát triển của xã hội loài người, là một hình thái kinh tế - xã hội trong các hình thái kinh tế - xã hội của loài người và vì vậy nó sẽ được thay thế bởi hình thái kinh tế - xã hội mới tiến bộ hơn, phù hợp hơn theo các quy luật phát triển vốn có.
Thứ ba, trong phát triển của mỗi hình thái kinh tế - xã hội luôn hàm chứa cả thành tựu và giới hạn của sự phát triển.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng tỏ rằng, mỗi hình thái kinh tế - xã hội chỉ phù hợp với một giai đoạn phát triển nhất định, cho đến nay loài người đã trải qua, hoàn thành 03 hình thái kinh tế - xã hội (cộng sản nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến) và hiện đang trong bước chuyển giữa hình thái TBCN và chủ nghĩa cộng sản (CNCS) mà giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Thực tiễn vận động của 3 hình thái kinh tế - xã hội (Cộng sản nguyên thuỷ, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến) cho thấy mỗi hình thái đó đã hoàn thành sứ mệnh trên cơ sở bản thân mỗi hình thái này không ngừng vận động và biến đổi, những vận động tiến bộ sẽ được thúc đẩy, những biến đổi không phù hợp hoặc lạc hậu sẽ bị loại bỏ, từng bước, từng bước một trong tiến trình đó cái mới về chất sẽ xuất hiện, thay thế cái cũ đã lạc hậu… theo đó mà hình thái kinh tế - xã hội sau tiến bộ hơn sẽ thay thế hình thái kinh tế - xã hội trước nó.
Còn với lịch sử hơn 400 năm, CNTB đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, với những đặc thù riêng ở từng giai đoạn. Song so với các hình thái kinh tế - xã hội khác và dù ở giai đoạn phát triển nào, CNTB cũng ghi nhận cả thành tựu lẫn những giới hạn..., đó là: (i)CNTB luôn là chủ thể nắm giữ trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất của nhân loại (đi đầu trong tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp). (ii) CNTB cũng là chủ thể nắm giữ đầy đủ những vấn đề tạo nên giới hạn phát triển khó vượt qua (chẳng hạn như: CNTB dù nắm giữ tiềm lực kinh tế, quyền lực siêu cường nhưng không thể loại bỏ được bất ổn xã hội của bản thân các quốc gia này)... Nên, CNTB không thể hiện thực được mưu cầu hạnh phúc của toàn nhân loại mà cần một hình thái kinh tế - xã hội mới phù hợp hơn. (iii) Thành tựu của CNTB sẽ tích luỹ về lượng để đưa đến sự thay đổi về chất…, còn những giới hạn CNTB đưa đến những thay đổi về quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng… theo đó hình thái kinh tế - xã hội mới, phù hợp hơn tất yếu sẽ xuất hiện thay thế, đó chính là bước chuyển từ hình thái kinh tế - xã hội TBCN sang hình thái kinh tế - xã hội CSCN mà giai đoạn đầu là CNXH.
Thứ tư, lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác mang giá trị khoa học không thể phủ nhận.
Thực tế chứng tỏ rằng, lịch sử phát triển xã hội loài người là do con người làm ra, con người tạo ra các quan hệ xã hội của mình… tuy nhiên, xã hội lại vận động, phát triển tuân theo quy luật khách quan, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và không phụ thuộc vào ý muốn của con người, đó chính là nguồn gốc sâu xa việc hình thành và thay thế nhau giữa các hình thái kinh tế-xã hội. Do vậy, lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác thực chất là sự phản ánh hiện thực khách quan về con đường phát triển chung của nhân loại với 5 hình thái kinh tế - xã hội cơ bản: Cộng sản nguyên thuỷ; Chiếm hữu nô lệ; Phong kiến; TBCN và CSCN.
Tuy nhiên, hình thái kinh tế - xã hội là một hệ thống hoàn chỉnh, bao gồm các mặt cơ bản là lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng… những mặt này luôn vận động, phát triển trong đó sự phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất đặt trong mối quan hệ tác động với quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng thúc đẩy sự vận động, thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. Vậy nên, cùng với những biến chuyển của lực lượng sản xuất, lý luận hình thái kinh tế - xã hội mà C.Mác xây dựng cần tiếp tục được bổ sung, phát triển phù hợp trong những điều kiện lịch sử cụ thể, hơn nữa, C.Mác cũng chưa bao giờ cho rằng lý luận của ông là một thứ gì đó đã xong xuôi. Do đó, dù đã có không ít những lập luận xuyên tạc lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, nhưng chưa có lập luận nào đủ sức thuyết phục để phủ nhận được tính khoa học của lý luận này, nên đến nay phong trào “trở về với C.Mác”, tìm đọc C.Mác lại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Vậy nên, một lần nữa có thể khẳng định rằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, lý luận hình thái kinh tế - xã hội nói riêng đã và đang tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử loài người và có sức lôi cuốn cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn nhân loại, còn sự “lạc hậu, lỗi thời” lại chính là ở nhận thức và vận dụng chưa đúng, chưa phù hợp lý luận này trong điều kiện cụ thể.
Thứ năm, đích đến của mọi chủ thể và mọi quá trình phát triển suy đến cùng làvì hạnh phúc của mỗi con người, là “kiến tạo” xã hội ngày càng văn minh hơn, hiện đại hơn.
Lịch sử phát triển nhân loại cho thấy, những thăng trầm trong phát triển có thể bắt nguồn từ những căn nguyên khác nhau, cũng đưa đến những kết quả không giống nhau, song nếu xét một cách tổng thể, toàn diện, đồng thời đối chứng với vận động, phát triển của nhân loại qua các hình thái kinh tế - xã hội, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, dù ở hình thái nào, ở trình độ phát triển nào, ở thể chế kinh tế, chính trị nào thì đích đến của mọi chủ thể, mọi quá trình phát triển là “kiến tạo” một xã hội mà ở đó sự phát triển là thực sự vì hạnh phúc của mỗi con người, vì một xã hội ngày càng văn minh hơn, hiện đại hơn. Theo đó, là một xã hội mà phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, một xã hội nhân ái, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai...một chế độ chính trị xã hội mà quyền lực thuộc thực sự thuộc về số đông, do số đông và phục vụ số đông...
Vậy thì, nếu so sánh với những gì mà các thiết chế TBCN đang gây dựng hay CNXH hiện thực hướng đến hay CNCS mà C.Mác mô phỏng nào có khác nhau, thậm chí trong hiện thực, những thành tựu phát triển mà CNTB đã và đang hướng đến (kinh tế phát triển, xã hội văn minh hiện đại) chẳng phải những thành tựu đó cũng chính là đích đến của CNXH, của CNCS và đích đến của nhân loại bất kể trình độ phát triển, thể chế chính trị... Chính bởi vậy, thêm một dữ liệu/một căn cứ nữa khẳng định tính khoa học, đúng đắn của lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, đồng thời cũng cung cấp thêm những căn cứ, góc nhìn đa diện về vấn đề này để có những lựa chọn phát triển phù hợp.
[1]CNTB tự do cạnh tranh, CNTB độc quyền, CNTB độc quyền nhà nước hay tiếp cận khác đó là CNTB cận đại, CNTB đương đại hay văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp.
Tuệ An