Yếu tố sức khỏe dân tộc
Di chứng sức khỏe, bệnh tật hậu Covid đối mỗi người nhiễm bệnh phát sinh ở những mức độ khác nhau, tác động đến hệ thống thần kinh, hô hấp, tim mạch, tuần hoàn và cả ở cấp độ tế bào…, và trên thế giới vấn đề này hiện chưa được phát hiện và nghiên cứu hết. Tại các quốc gia, việc kiểm soát tốt dịch Covid rõ ràng là một nhiệm vụ cấp thiết góp phần quan trọng bảo đảm sức khỏe cộng đồng, sức khỏe nòi giống, và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này sẽ kiên định với chiến lược zero Covid. Ảnh: Internet.
Để thực hiện chiến lược dân số mới phục vụ chiến lược “Giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc không những cần nâng cao chất lượng, mà còn muốn tránh những yếu tố bất lợi. Nhằm góp phần bảo đảm an toàn và sức khỏe cho đội ngũ lãnh đạo, Trung Quốc sẽ không nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng chống dịch Covid cho đến khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp xong vào giữa tháng 10/2022. Chính phủ nước này nhiều lần tuyên bố chính sách Zero-Covid là cách tốt nhất để bảo vệ người dân (một phần do nhiều người cao tuổi Trung Quốc không được tiêm phòng đầy đủ, nhưng cũng do sự chênh lệch lớn về năng lực chăm sóc sức khỏe giữa các địa phương).
Phong cách lãnh đạo tập quyền
Phong cách của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình luôn coi trọng sự lãnh đạo, hoạch định, điều hành, kiểm soát một cách toàn diện, tập trung từ trên xuống. Chính sách “Zero Covid” có thể được xem như một trong những phản ánh của phong cách lãnh đạo tập quyền này.
Công tác phòng chống dịch Covid được chỉ đạo và điều phối tập trung từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở để bảo đảm có thể kiểm soát toàn diện, chặt chẽ, đồng đều trên toàn quốc, phát hiện ngay, giảm tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát cục bộ hoặc toàn quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định việc duy trì chính sách “Zero Covid” là yêu cầu, việc làm bức thiết, khẳng định quyết tâm theo đuổi chính sách “Zero Covid năng động”, đồng thời đấu tranh chống lại mọi lời nói, hành động xuyên tạc, nghi ngờ hoặc phủ nhận chính sách này. Với chính sách “Zero Covid” nghiêm ngặt như hiện nay thì không một lực lượng chống chính quyền ở trong và ngoài nước có thể lợi dụng dịch bệnh và tình hình dịch bệnh để tạo phản ứng dây chuyền gây mất an ninh, mất ổn định sang các lĩnh vực khác.
Sách lược ưu tiên hướng nội
Tình hình đại dịch Covid-19 khiến việc thực hiện nhiều chiến lược quốc tế của Trung Quốc trở nên khó khăn về không gian, thời gian và đắt đỏ hơn về chi phí. Cùng với đó các khoản nợ đối với một số nước đang phát triển tham gia đại chiến lược “Một vành đai một con đường” của Trung Quốc và sức ép từ các quốc gia phương Tây nhằm vào Trung Quốc sau sự bùng nổ đại dịch Covid-19 khiến chiến lược đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng trên bình diện khu vực và quốc tế của Trung Quốc không thể tiến triển nhanh, mạnh như kỳ vọng. Trong khi đó, nền kinh tế - xã hội Trung Quốc hiện cũng đang bộc lộ đối diện nhiều bài toán lớn như bình ổn tình trạng bong bong bất động sản, tái cơ cấu nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, số hóa toàn diện đời sống xã hội (để góp phần mở rộng không gian kinh tế quốc dân và tăng cường quản lý nhà nước)… cần được giải quyết vừa khẩn trương, vừa căn cơ dài hạn.
Nếu bất chấp bối cảnh hiện tại để thúc đẩy mạnh mẽ các chiến lược quốc tế như giai đoạn trước khi bùng nổ đại dịch Covid-19 thì nguồn tài lực và công sức mà chính phủ Trung Quốc phải đầu tư sẽ nhiều hơn trong khi hiệu quả kinh tế và lợi ích chiến lược thu về thì không thể cao như giai đoạn trước đại dịch Covid. Trung Quốc dường như đang một lần nữa áp dụng sách lược “Giấu mình chờ thời” khi đang cho thấy mức độ ưu tiên quan tâm, đầu tư nhiều hơn vào công việc nội bộ.
Trung Quốc - quốc gia duy nhất kiên quyết duy trì mục tiêu “nhổ tận gốc” COVID-19. Ảnh: Internet.
Việc tập trung vào phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trong nước một cách hiệu quả, đồng thời cơ cấu lại nền kinh tế vĩ mô trong nước theo hướng ổn định hơn, phù hợp hơn với xu hướng hiện đại hóa và số hóa hiện nay có lẽ là một lựa chọn chịu sự chi phối của biến động quốc tế và trong nước. Đồng thời, Trung Quốc là một quốc gia đất rộng, người đông, trong trường hợp không bị hạn chế, phong tỏa nghiêm ngặt trên diện rộng thì hoạt động lữ hành, vận tải trong nước diễn ra nhộn nhịp với tần suất và mật độ rất lớn, kéo theo nguy cơ rất cao là đại dịch Covid bùng phát phức tạp trở lại, và do vậy rất khó dám chắc là thiệt hại kinh tế có thể cân bằng, bù đắp nhờ vào hoạt động mở cửa nền kinh tế.
Đối sách đáp trả Mỹ và đồng minh phương Tây
Sau khi dịch Covid bùng phát từ Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, nhiều quốc gia, Mỹ và các nước đồng minh phương Tây dấy lên nghi vấn về nguồn gốc của vi-rút gây đại dịch, và yêu cầu được đến Trung Quốc mở cuộc điều tra về vấn đề này, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp mang tính chế tài nhằm vào Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế-thương mại, tiếp đó là lĩnh vực công nghệ cao và an ninh quân sự. Nhìn chung, tuy nhấn mạnh đến nguồn gốc tự nhiên của vi-rút nhưng cho đến nay kết quả các cuộc điều tra quốc tế liên quan chưa đi đến được một kết luận đạt được sự nhất trí hoàn toàn.
Do vậy, không loại trừ khả năng chính sách “Zero Covid” còn là một động thái đối ngoại cương quyết đáp lại mối nghi hoặc đến từ Mỹ và các đồng minh phương Tây. Qua việc phong tỏa nghiêm ngặt dài hạn, Trung Quốc thể hiện sự coi trọng và khắt khe cao độ trong công tác phòng chống dịch bệnh; điều này hàm ý rằng, những nghi ngờ từ bên ngoài nhằm vào Trung Quốc về vấn đề nguồn gốc virút gây đại dịch Covid là không thiện chí và thiếu căn cứ. Và với tình trạng phong tỏa chặt chẽ hiện nay của Trung Quốc thì bất kỳ yêu cầu nào do các nước phương Tây phát động nhằm tiếp cận và tiếp tục được đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc virút đều khó triển khai trong thực tế.
Chính sách “Zero Covid” của chính phủ Trung Quốc chịu sự chi phối của nhiều nhân tố và được theo đuổi dựa trên sự cân nhắc tổng thể về các lợi ích quốc gia. Có thể nhiều quốc gia và chủ thể quốc tế đã và đang mong chờ Trung Quốc nới lỏng, mở cửa thông thương trong nước và quốc tế nhiều hơn và nhiều người dân trong nước đã và đang cảm thấy mệt mỏi với sự kéo dài của chính sách “Zero Covid”, nhưng chừng nào ưu thế tổng thể về lợi ích của chính sách này vẫn áp đảo thì nó sẽ vẫn được chính phủ Trung Quốc duy trì.
Quang Phan