Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào miền Nam Israel cả trên bộ và trên không ngày 7-10-2023 đã khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng, 251 người khác (chủ yếu là người Israel) bị bắt làm con tin. Đây là tổn thất lớn nhất, bất ngờ nhất của nhà nước Israel hiện đại kể từ khi thành lập năm 1948 đến nay. Đất nước Israel bị đặt trong tình trạng chiến tranh, các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, kinh tế - xã hội, ngoại giao đều bị ảnh hưởng.
Khi xung đột bắt đầu, Israel cho biết họ đã huy động 360.000 quân dự bị[1]. Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (Anh), lực lượng vũ trang Israel hiện có 26.000 quân nhân chuyên nghiệp và khoảng 100.000 lính nghĩa vụ, bên cạnh đó là 400.000 quân dự bị và một sư đoàn đặc nhiệm chống khủng bố. Tổng cộng, lượng quân nhân của Israel vượt ngưỡng nửa triệu người. Đội quân này được trang bị hàng trăm máy bay chiến đấu, 400 xe tăng Merkava, hàng nghìn xe bọc thép các loại[2].
Cuộc tấn công đáp trả của Israel vào Dải Gaza mặc dù khiến Hamas tổn thất nặng nề khó có thể phục hồi trong ngắn và trung hạn, đồng thời có cơ hội mở rộng phạm vi kiểm soát lãnh thổ tại các vùng chiến sự, nhưng Israel cũng phải chịu những thiệt hại to lớn.
Trong một năm xung đột nổ ra, Israel đã phải hứng chịu những cuộc tấn công từ phía các đối thủ khắp Trung Đông: 13.200 quả rocket đã được bắn vào Israel từ Gaza, 12.400 quả khác được bắn từ Li Băng, 60 quả đến từ Syria, 180 quả từ Yemen và 400 quả đến từ Iran. Israel cho biết 726 binh lính nước này đã thiệt mạng, trong đó có 380 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 và 346 người trong cuộc chiến trên bộ ở Gaza. Số lượng quân nhân của Israel bị thương là 4.576 người[3]. Đây là những số liệu do Israel cung cấp, con số thương vong trên thực tế có thể cao hơn như vậy.
Bên cạnh đó, trước sự tấn công bằng tên lửa của lực lượng Hezbollah từ phía bắc, Israel đã phải tiến hành sơ tán công dân của mình để đảm bảo tính mạng cho người dân. Đến ngày 13-9-2024, Tổng thống Israel Herzog cho biết trong lúc quân đội Israel tập trung cho chiến sự ở Dải Gaza, Hezbollah không ngừng phóng rocket vào miền Bắc Israel, khiến khoảng 100.000 người phải sơ tán[4].
Cuộc tấn công của Hamas vào Israel ban đầu giúp các mâu thuẫn nội bộ trong Chính phủ Israel lắng xuống, tính đoàn kết của Israel được tăng cường. Tuy nhiên, khi cuộc chiến kéo dài, Israel phải đối mặt với cả những thách thức bên trong và bên ngoài. Nội các chiến tranh của Israel được thành lập vào cuối tháng 10-2023 đã phải giải tán vào ngày 17-6-2024.
Thách thức bên trong xuất phát từ việc những gia đình nạn nhân bất mãn với chính phủ vì không thể cứu các con tin ra khỏi sự giam giữ của Hamas. Đó là nguồn gốc châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình của người dân để phản đối chính quyền. Ví dụ, ngày 22-6-2024, có khoảng 150.000 người Israel tuần hành ở Tel Aviv chỉ trích Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu và yêu cầu tổ chức bầu cử mới. Nhiều người còn cầm theo biểu ngữ có dòng chữ “Thủ tướng tội phạm” và “Dừng chiến tranh”. Một số người khác nằm trên mặt đất phủ đầy sơn đỏ tại Quảng trường Dân chủ để phản đối những gì họ cho là “cái chết của nền dân chủ” ở Israel[5]. Đầu tháng 9-2024, các cuộc biểu tình đã bùng nổ trên khắp Israel sau khi quân đội nước này thông báo tìm thấy 6 thi thể con tin bị Hamas giam giữ tại một đường hầm ở Rafah, phía Nam Dải Gaza.
Cùng với những thách thức bên trong, Israel phải đối mặt với những thách thức an ninh từ bên ngoài. Israel đang bị các đối thủ bao quanh, không chỉ từ các thực thể nhà nước mà còn là các phong trào Hồi giáo vũ trang ở nhiều quốc gia trong khu vực. Israel hiện đang phải chiến đấu trên ít nhất 4 mặt trận quan trọng: Hamas - Israel, Hezbollah - Israel, Houthi - Israel; Iran - Israel. Mặc dù có vũ khí hiện đại, được sự ủng hộ của Mỹ và đồng minh, nhưng lãnh thổ Israel thiếu đi chiều sâu chiến lược. Một cuộc xung đột lớn nổ ra sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, thậm chí sự tồn vong của nhà nước Israel.
Một loạt tên lửa đã rơi xuống Jerusalem vào tối 2-10-2024. Ảnh: mirror.co.uk
Cuộc xung đột Israel - Hamas và Israel với các lực lượng ủng hộ Hamas còn gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế của quốc gia này. Trước khi xung đột nổ ra, kinh tế Israel có nền tảng tương đối vững chắc với mức tăng trưởng 6,5% vào năm 2022, tỷ lệ nợ quốc gia/GDP đã giảm từ 71% trong thời kỳ đại dịch Covid-19 xuống còn 60%. Nhưng từ khi xung đột nổ ra, hoạt động kinh tế của nước này bị xáo trộn, nhiều ngành công nghiệp bị gián đoạn, ngành du lịch bị đình trệ, nền kinh tế đã giảm gần 20% trong quý IV năm 2023 trong bối cảnh nước này dồn nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài chính) cho cuộc chiến ở Dải Gaza[6].
Tính chung cả năm 2023, tăng trưởng GDP của Israel chỉ còn 2,2%. Nền kinh tế của Israel có dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2024, nhưng tăng trưởng rất thấp, thuộc mức yếu. Tình trạng xung đột cũng khiến cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Israel sụt giảm nghiêm trọng. Thống đốc ngân hàng Trung ương Israel cho rằng, hậu quả của cuộc xung đột quân sự tại Dải Gaza sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung hạn[7]. Tình hình xung đột kéo dài và nguy cơ bất ổn gia tăng, khiến các nhà đầu tư ngoại quốc lo ngại, triển vọng kinh tế của Israel đứng trước nhiều thách thức.
Sau một năm xung đột, Ngân hàng Trung ương Israel cho biết Israel đã tiêu tốn hơn 72 tỷ USD, chiếm khoảng 10% thu nhập quốc nội (GDP) của đất nước, trung bình mỗi ngày ngân sách phải chi khoảng 270 triệu USD. Nhà kinh tế học Israel Rakefet Russak-Aminoach cho biết trên thực tế thiệt hại còn lớn hơn nhiều, bởi vì chi phí cho việc sơ tán người dân đến các khu vực an toàn, chữa trị cho thương bệnh binh, bồi thường cho gia đình các binh sĩ đã chết và binh sĩ bị thương… vẫn chưa được tính tới. Bloomberg dự báo thâm hụt ngân sách của Israel năm 2024 có thể lên tới 9%, tương đương 30 tỷ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế Israel thậm chí nhận định, kinh tế Israel đang bên bờ sụp đổ[8].
Cuộc chiến ở Dải Gaza kéo dài khiến nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế lên án mạnh mẽ Israel. Nếu như thời gian đầu, khi Israel bị tấn công thì nhiều nước bày tỏ quan điểm lên án Hamas, ủng hộ cuộc tấn công đáp trả của Israel, coi đó là quyền tự vệ chính đáng của Israel. Tuy nhiên, khi Israel liên tiếp không kích vào Dải Gaza, gây thương vong lớn cho dân thường và tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng dân sự, cộng đồng quốc tế bắt đầu phản đối, cho rằng hành động của Israel đã đi quá giới hạn của một cuộc tấn công phòng vệ, đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Israel gặp phải sự phản đối và lên án trước hết của các nước Hồi giáo. Sau đó, nhiều đồng minh của Israel cũng giảm sự ủng hộ về mặt vật chất và tinh thần, bắt đầu lên án các hành động cực đoan của Israel.
Đặc biệt, một số quốc gia như Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Chilê đã kiện Israel lên Toàn án Công lý Quốc tế (ICJ) với cáo buộc Israel phạm tội ác diệt chủng ở Dải Gaza. Ngày 11-10-2024, một Ủy ban điều tra độc lập của Liên hợp quốc cũng đã ra tuyên bố cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh vì đã phá hủy hệ thống y tế tại Dải Gaza trong cuộc xung đột kéo dài với lực lượng Hamas. Ngày 21-11-2024, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Gallant với lý do phạm tội ác liên quan đến cuộc chiến ở Gaza.
Bên cạnh đó, phong trào biểu tình phản đối Israel diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới và cộng đồng người Do Thái ở nhiều nơi bị tấn công, đối mặt với không ít nguy hiểm và thách thức.
Nguyễn Văn Chuyên
.............................................
Chú thích:
[1]. Frank Langfitt, “The war in Gaza has taken an economic toll on tech, Israel's most productive sector”, https://www.npr.org, ngày 12-01-2024.
[2]. Uyển My, “Xung đột Hamas- Israel nhìn từ góc độ lịch đại và đồng đại – Phần cuối”, https://nghiencuuchienluoc.org, ngày 19-11-2024.
[3]. Đức Hoàng, “Israel công bố thương vong sau một năm tấn công 40.000 mục tiêu ở Gaza”, https://dantri.com, ngày 7-10-2024.
[4] Huyền Lê, “Israel không muốn chiến tranh tổng lực với Hezbollah”, https://vnexpress.net, ngày 23-9-2024.
[5]. Vnexpress.net, “150.000 người Israel biểu tình, yêu cầu giải tán chính phủ”, https://vnexpress.net, ngày 23-6-2024.
[6]. SPSNews, "War in Israel to impact Electronics Supply Chain”, https://epsnews.com, ngày 11-11-2023.
[7]. Nguyễn Quang Khai, “Cuộc xung đột quân sự tại Dải Gaza: Những hệ lụy khó lường”, https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 12-5-2024.
[8]. Nguyễn Quang Khai, “Một năm xung đột Israel - Hamas: Nguy cơ cuộc chiến toàn diện”, https://baoquocte.vn, ngày 6-10-2024.