Bức tranh hỗn loạn đang kéo dài ở Nam Á với các cuộc biểu tình ở Nepal hay bạo loạn gần đây ở Bangladesh, cho đến khủng hoảng kinh tế ở các nước Pakistan, Bhutan, Maldives và Sri Lanka.
Đáng chú ý, đa số các quốc gia này đều là đối tác quan trọng trong sáng kiến "Vành đai - Con đường" của Trung Quốc, và sự bất ổn gần đây ở Nam Á có thể ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế thứ 2 thế giới này.
Sri Lanka, quốc gia thiếu tiền mặt, đã vỡ nợ nước ngoài vào tháng 5/2022 sau khi nền kinh tế của nước này bị đẩy đến bờ vực thẳm do dự trữ ngoại hối giảm nghiêm trọng.
Trong số các chủ nợ song phương, Sri Lanka nợ Trung Quốc 4,7 tỷ USD, nợ Ấn Độ 1,74 tỷ USD, nợ Nhật Bản 2,68 tỷ USD. Trong khi đó, các khoản vay thương mại, bao gồm trái phiếu chính phủ và các khoản vay có thời hạn khác, chiếm 14,73 tỷ USD. Chưa hết, quốc gia này nợ các ngân hàng đa phương khoảng 10,9 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hai lần chấp thuận mở gói cứu trợ cho Sri Lanka, với lần lượt 2,9 tỷ USD năm 2023 và 336 triệu USD đầu tháng 6 năm nay. Điều này giúp Sri Lanka ổn định phần nào điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, IMF cảnh báo nền kinh tế nước này vẫn dễ bị tổn thương và kêu gọi Colombo hành động nhiều hơn nữa để tái cấu trúc gánh nặng nợ khổng lồ của mình.
Người dân Sri Lanka xếp hàng chờ mua nhiên liệu. (Ảnh: ABC News)
Pakistan cũng đã trải qua vỡ nợ năm 2022 và tiếp tục đối mặt với khủng hoảng kéo dài. Nợ bình quân đầu người của Pakistan tăng 36%, từ 823 USD năm 2011 lên 1.122 USD năm 2023. Trong cùng khoảng thời gian đó, GDP bình quân đầu người của Pakistan đã giảm 6%, từ 1.295 USD năm 2011 xuống còn 1.223 USD năm 2023.
Tỷ lệ nợ trên GDP của Pakistan đã vượt quá 70% và IMF cùng các cơ quan xếp hạng tín dụng ước tính rằng các khoản thanh toán lãi suất cho khoản nợ của nước này sẽ chiếm 50% và 60% doanh thu của chính phủ trong năm 2024. Đây là tỷ lệ tệ nhất trong số bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới.
Nepal gần đây đã chứng kiến cuộc biểu tình lớn của người dân vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, phản ánh sự bất mãn với chính phủ cầm quyền, tình trạng kinh tế yếu kém và tham nhũng.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng triệu người Nepal phải di cư hàng năm để tìm kiếm cơ hội việc làm, bất chấp nguy cơ bị lạm dụng và bóc lột ở nước ngoài.
Lượng lao động di cư lớn đến mức số tiền kiều hối chiếm tới 25% tổng sản lượng kinh tế của Nepal và nước này hiện là nền kinh tế phụ thuộc vào kiều hối nhiều thứ năm trên thế giới.
Maldives đang chuẩn bị cho việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế một cách "không mong muốn" để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ đang rình rập. Cuối tháng 6, Tổng thống Mohamed Muizzu một loạt các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ được áp dụng để kiểm soát chi tiêu quá mức của chính phủ, bao gồm việc giảm số lượng các chức vụ chính trị và giảm chi phí tổ chức các sự kiện chính thức khác nhau hoặc không tổ chức.
Nội các cũng phê duyệt chính sách cắt giảm chi phí bao gồm cải cách chăm sóc sức khỏe miễn phí, loại bỏ dần trợ cấp gián tiếp cho thực phẩm, điện và nhiên liệu để hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ xếp hạng tín dụng của Maldives xuống mức “vỡ nợ”, gây nghi ngờ về khả năng đáp ứng “các nghĩa vụ trả nợ nước ngoài sắp tới” của quốc gia này.
Maldives cần hơn 500 triệu USD mỗi năm để trả nợ vào các năm 2024 và 2025, tăng lên 1,07 tỷ USD vào năm 2026, con số vượt xa dự trữ ngoại tệ gộp của nước này là 492 triệu USD vào tháng 5 năm nay.
Cầu Sinamale của Maldives, một dự án xây dựng nhờ nguồn vốn Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Bhutan, quốc gia xinh đẹp nằm trên dãy Himalaya, luôn đặt ưu tiên “hạnh phúc quốc gia” hơn tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này đang bị đặt dấu hỏi khi thế hệ trẻ của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này đang gặp khó khăn với tình trạng thất nghiệp kéo dài và chảy máu chất xám do làn sóng di cư.
Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Bhutan là 29%, trong khi tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức trung bình 1,7% trong 5 năm qua. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng công dân trẻ rời khỏi Bhutan đạt mức kỷ lục để tìm kiếm cơ hội giáo dục và tài chính tốt hơn ở nước ngoài.
Tại Bangladesh, ít nhất 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình diễn ra trong nhiều tuần gần đây. Đỉnh điểm là đêm bạo lực chết nhiều người nhất trong các cuộc biểu tình ở nước này từ trước đến nay, khiến gần 100 người thiệt mạng vào ngày 4/8.
Các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 7, khi sinh viên ở nhiều thành phố Bangladesh xuống đường phản đối hạn ngạch việc làm đối với công chức. Tình hình đã leo thang thành một trong những cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong 15 năm cầm quyền của Thủ tướng Hasina. Bà Hasina đã từ chức và rời khỏi đất nước vào ngày 5/8.
Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong khu vực Nam Á không gặp khủng hoảng hiện tại, nhưng cũng không hoàn toàn mạnh khỏe. Cuộc bầu cử gần đây đã làm dấy lên cảnh báo đối với Tổng thống Modi khi các đảng đối lập đã chiếm ưu thế hơn dự kiến.
Nền kinh tế Ấn Độ đã chứng kiến giá bán lẻ tăng do sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu sau đại dịch COVID-19, thuế nhập khẩu cao hơn và giá hàng hóa toàn cầu tăng.
Lạm phát bán lẻ năm 2022-2023 tăng tốc lên 6,7%, so với 5,5% năm 2021/22. Chi phí sinh hoạt của người nghèo đã tăng mạnh trong 5 năm qua do giá thực phẩm tăng vọt.
Ông Modi cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không tạo đủ việc làm mặc dù đã cung cấp hàng tỷ USD trợ cấp để thúc đẩy sản xuất. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5,4% vào năm 2022/23. Trong đó, gần 16% thanh niên thành thị trong độ tuổi 15 - 29 vẫn thất nghiệp do kỹ năng kém và thiếu việc làm chất lượng.
Tỉ lệ nợ công của Ấn Độ dưới thời Tổng thống Modi vẫn ở mức cao và dự kiến sẽ tăng lên 82,3% GDP vào năm 2024-2025, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.
IMF dự báo nợ chính phủ nói chung, bao gồm nợ của chính quyền liên bang và tiểu bang, có thể đạt 100% GDP trong những trường hợp bất lợi vào năm tài chính 2028.
Đáng chú ý, sáu trong số bảy quốc gia trên đều là các đối tác quan trọng của Sáng kiến "Vành Đai và Con Đường" (BRI) của Trung Quốc. Trước đại dịch COVID-19, các quốc gia này đã phụ thuộc nặng nề vào việc vay vốn từ Trung Quốc để đầu tư hạ tầng.
Tuyến tàu điện ngầm Orange Line ở Lahore, Pakistan, một dự án tàu điện ngầm xây dựng trên hợp tác Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan. (Ảnh: Getty Images)
Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, Trung Quốc đã ký kết hơn 100 tỷ USD đầu tư vào các hợp đồng ở Nam Á, gần một nửa trong số đó là ở Pakistan.
Năm 2015, Bắc Kinh và Islamabad khởi động Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), với khoản vay đầu tư trị giá lên tới 62 tỷ USD của Trung Quốc vào các nhà máy than điện, thủy điện, đường sắt, khai thác đồng và dầu mỏ ở Pakistan.
Tuy nhiên, khảo sát kinh tế Pakistan năm 2020-2021 chỉ ra rõ ràng khối nợ của nước này với Trung Quốc ngày càng tăng.
Theo báo cáo, nợ ngắn hạn của Pakistan đối với Trung Quốc là 6,7 tỷ USD tính đến tháng 6/ 2022, so với 2,8 tỷ USD nợ IMF. Hầu hết trong số này là nợ ngắn hạn với lãi suất cao từ 4,5% đến 6%, gây ra gánh nặng tài chính lớn cho Pakistan vốn đã gặp khó khăn về kinh tế.
Bangladesh là nước nhận đầu tư lớn thứ hai của Trung Quốc ở Nam Á, sau Pakistan. Kể từ quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2016, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của mình tại quốc gia này thông qua nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác nhau.
Ví dụ, với nguồn tài trợ của Trung Quốc, Bangladesh đã hoàn thành Dự án Nhà máy nhiệt điện Payra và tuyên bố đã đạt được 100% điện khí hóa, lần đầu tiên ở Nam Á.
Trong năm tài chính 2020-2021, Bangladesh nợ tổng cộng 60,15 tỷ USD nước ngoài, phần lớn là nợ Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới (25 tỷ USD) và phần còn lại là nợ các đối tác song phương, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Trong đó, khoản vay của Trung Quốc lên tới 17,54 tỷ USD, chủ yếu để xây dựng Đường hầm Bangabandhu Sheikh Mujibur Rahman bên dưới Sông Karnaphuli.
Sri Lanka nằm ở vị trí chiến lược tại điểm giữa của các tuyến đường vận chuyển nối liền Trung Quốc và Trung Đông. Bắc Kinh đã đầu tư trực tiếp nước ngoài đáng kể và nhiều lần trở thành nguồn FDI hàng đầu vào Sri Lanka.
Trong giai đoạn 2000 - 2020, chính phủ Sri Lanka đã nhận được hơn 12 tỷ USD tiền vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tại quốc đảo này, nổi bật nhất là dự án xây dựng cảng mới ở Hambantota năm 2002.
Bắc Kinh khi đó đã cung cấp 1,1 tỷ USD tiền vay cùng với các nhà thầu Trung Quốc cho dự án. Khi dự án bắt đầu thua lỗ - nhiều đến mức Sri Lanka vỡ nợ - nhà điều hành thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát cảng vào cuối năm 2017 - theo hợp đồng thuê 99 năm.
Nepal không có biển, trong lịch sử nước này phụ thuộc vào Ấn Độ cho phần lớn các tuyến đường thương mại và quá cảnh. Tuy nhiên, Nepal gần đây đã chuyển sang Trung Quốc và Bắc Kinh cam kết các dự án kết nối sẽ cung cấp các tuyến đường thay thế và giảm sự phụ thuộc vào Ấn Độ, với tên gọi "Hành lang xuyên Himalaya".
Hành lang này sẽ bao gồm một tuyến đường sắt nối Tây Tạng (phía tây Trung Quốc) và thủ đô Kathmandu của Nepal, ước tính chi phí hơn 5 tỷ USD. Ngoài ra còn có một dự án thủy điện chi phí hơn 2,5 tỷ USD nhưng từng bị hủy bỏ do quá trình đấu thầu tham nhũng.
Những bất ổn ở khu vực Nam Á có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Rõ ràng với con số đầu tư lớn, những nước trên tuyến "Vành đai - Con đường" đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Trung Quốc. Nếu việc xây dựng và phát triển hạ tầng thành công, nó sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường khu vực gần 2 tỷ người này.
Do đó, khi các nước trên rơi vào bất ổn, Trung Quốc cũng chịu tổn thất đáng kể. Bản thân Trung Quốc cũng đang gặp những vấn đề nhất định. Các nhà lãnh đạo hàng đầu nước này thừa nhận rằng "dư thừa công suất trong một số ngành công nghiệp" là một thách thức kinh tế lớn cần giải quyết trong năm nay.
Dư thừa công suất dẫn tới giá hàng hóa mà nhà sản xuất bán ra tại cổng nhà máy đã giảm liên tục trong khoảng 2 năm qua. Xu hướng giảm kéo dài này đang kéo toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc tới bờ vực giảm phát và bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Điều này khiến các vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp, bong bóng bất động sản, thúc đẩy tiêu dùng, tỷ lệ sinh giảm,... càng khó giải quyết.
Nguồn: vtcnews.vn