Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 năm 2014 đến nay, trên mạng xã hội liên tục đăng tải nhiều bài viết của các thế lực thù địch chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân ta với nội dung hàm chứa vấn đề “bài Hoa” và “thoát Trung”. Trong đó, các thế lực thù địch với luận điệu xuyên tạc, cho rằng Việt Nam đang tìm cách “thoát khỏi sự ảnh hưởng, chi phối, lệ thuộc” vào Trung Quốc, mà bản chất và mục đích sâu xa của chúng nhằm chia rẽ, gây tổn thương, phương hại đến quan hệ hữu nghị, truyền thống, “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”. Tuy nhiên, thực tế quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian qua lại khẳng định điều ngược lại, khi quan hệ song phương, đa phương giữa Việt Nam với Trung Quốc phát triển tốt đẹp, đồng nghĩa luận điệu “Việt Nam bài Hoa, thoát Trung” của các thế lực thù địch đã phá sản. Điều đó được thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, chúng ta có thể khẳng định rằng: trong đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam và Trung Quốc, cả hai nước đều đánh giá cao vị trí, vai trò và tầm quan trọng của quốc gia láng giềng trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Về phía Trung Quốc, kể từ Đại hội XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, phương châm ngoại giao “thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là đối tác”, “quan hệ láng giềng hữu nghị” đã được Trung Quốc thực hiện đối với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Gần đây, trong Báo cáo Chính trị Đại hội XIX, XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như phát biểu của chính giới Trung Quốc tại các diễn đàn, hội nghị, tinh thần chung đều nhấn mạnh phương châm, chính sách đối với các nước láng giềng là theo ý niệm “thân, thành, huệ, dung”. Trong đó thân, thành nhấn mạnh nhiều về chính trị ngoại giao cả chính thức lẫn dân gian, cả quan hệ cấp cao về chính phủ lẫn mối quan hệ giữa người dân với nhau, mục đích là tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hữu nghị, ủng hộ lẫn nhau; huệ nhấn mạnh nhiều về hợp tác và mang lại lợi ích cho nhau về kinh tế, hai bên cùng có lợi; dung nhấn mạnh nhiều về hợp tác khu vực, vượt lên giới hạn phạm vi quan hệ song phương [1].
Đối với Việt Nam, phía Trung Quốc nhấn mạnh “coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam”. Trong các buổi tiếp xúc cấp cao, hội đàm, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều khẳng định “sự đặc biệt” của mối quan hệ song phương giữa hai nước: “đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, quan hệ hai bên có ý nghĩa đặc thù”; “Trung Quốc coi trọng cao độ phát triển quan hệ với Việt Nam”; “mối quan hệ không (giống) bình thường”[2],… Đặc biệt, trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (12/2023), Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh, Việt Nam là “phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao” [3] của Trung Quốc.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Ảnh: TTXVN
Về phía Việt Nam, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đến nay, trong đường lối, chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn đặt các quốc gia láng giềng, các nước lớn ở vị trí số một trong chính sách đối ngoại. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khẳng định: “Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng” [4]. Đối với Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhớ, đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ, to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc đối với Việt Nam” [5]. Từ đó, chúng ta khẳng định: “phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam” [6].
Thứ hai, thực trạng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trên tất cả các bình diện trong thời gian qua là minh chứng rõ nhất về quan hệ tốt đẹp, hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam với Trung Quốc. Trong đó, quan hệ chính trị ngoại giao có nhiều thành tựu nổi bật và là điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Các hoạt động ngoại giao được tiến hành thường xuyên, liên tục, dưới nhiều hình thức linh hoạt, ngay trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19. Đặc biệt, năm 2023, trong bối cảnh kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai nước đã định vị mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới khi khẳng định: “tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” [7].
Cùng với quan hệ chính trị, ngoại giao, quan hệ trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư; an ninh - quốc phòng; văn hóa giáo dục,… tiếp tục được thúc đẩy theo hướng chất lượng, hiệu quả, đi vào chiều sâu, thực chất. Đơn cử trong lĩnh vực thương mai, đầu tư: Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp lũy kế của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 27,64 tỷ USD, với tổng số 4.418 dự án đầu tư. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam cũng cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN [8]
Thứ ba, chúng ta không thể phủ nhận Trung Quốc là một nền văn minh lớn, một siêu cường, cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ trong thế giới đa cực, đa trung tâm. Sự ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và sức mạnh tổng thể của Trung Quốc đương đại đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhất là đối với các quốc gia tầm trung và nhỏ như Việt Nam là thực tế, thậm chí Trung Quốc là cường quốc có đủ sức mạnh và điều kiện để có thể thay đổi trật tự thế giới. Tuy nhiên, quan hệ song phương, đa phương từ chính tri, kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ đến văn hóa giữa hai nước Việt - Trung đều được dựa trên luật pháp và chuẩn mực ứng xử quốc tế, bình đẳng, hài hòa, cùng có lợi, cả hai bên đều đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết.
Thứ tư, lịch sử đã sắp đặt Việt Nam và Trung Quốc mãi mãi là láng giềng của nhau với núi liền núi, sông liền sông, kết nối với nhau một cách tự nhiên không thể tách rời. Việt Nam có hơn 1.400 km đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc, trong đó có hơn 383 km đường biên giới đi theo sông, suối. Việt Nam cũng là nước duy nhất trong số 14 nước tiếp giáp với Trung Quốc có chung đường biên giới cả trên bộ và trên biển.
Thứ năm, lịch sử cũng chứng minh Việt Nam chưa bao giờ lệ thuộc vào Trung Quốc và bị Trung Quốc đồng hóa, ngay cả khi Việt Nam bị các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ trong hơn 1000 năm. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc đó, mặc dù bị các triều đại phong kiến Trung Quốc thay nhau đô hộ song, dân tộcViệt Nam đã không ngừng đấu tranh giành quyền độc lập, tự chủ. Kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha, đồng thời thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới, Việt Nam đã phát triển quan hệ tốt đẹp, cân bằng, hài hòa với tất cả các nước lớn, trong đó có Trung Quốc. Một mặt, Việt Nam đề cao vai trò, vị thế của các cường quốc, mặt khác thực hiện chính sách độc lập tự chủ, giữ quan hệ cân bằng với họ, mềm dẻo, linh hoạt để ổn định, phát triển trước sức ép từ bên ngoài [9].
Như vậy, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch ra sức chống phá, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam bằng nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau, trong đó có những luận điệu sai trái, thù địch nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng, nhất là với Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh rằng, dù quan hệ hai nước có những thăng trầm, về tổng thể, từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã và đang nỗ lực vun đắp, duy trì mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp,vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần tích cực cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Đinh Thanh Tú & Lê Thế Lâm
Học viện Chính trị Khu vực I
[1], [2] Nguyễn Thị Phương Hoa (Chủ biên): Ngoại giao láng giềng của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình qua trường hợp Việt Nam, Myanma và Campuchia, Nxb. Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2023, tr.99-100, 110.
[3] Tập Cận Bình (2023): “Xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lại Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược: Mở ra trang sử mới chung tay hướng tới hiện đại hóa”, https://nhandan.vn/xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-trung-quoc-viet-nam-co-y-nghia-chien-luoc-mo-ra-trang-su-moi-chung-tay-huong-toi-hien-dai-hoa-post787021.html, truy cập ngày 15/6/2024.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr. 162.
[5] Chinhphu.vn: “Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Trung Quốc”, https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-cuoc-gap-go-nhan-si-huu-nghi-va-the-he-tre-hai-nuoc-viet-nam-trung-quoc-102231213205711259.htm, truy cập 24/6/2024.
[6] TTXVN: Dư luận thế giới về Việt Nam, ngày 14/6/2024, tr.2.
[7] Vnexpress.net: Toàn văn tuyên bố Việt Nam – Trung Quốc, https://vnexpress.net/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-4688334-p2.html, 2023, truy cập 19/6/2024.
[8] Veconomy.vn: “Thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam – Trung Quốc: Chủ động phòng ngừa và xử lý hiệu quả các tranh chấp”, https://vneconomy.vn/thuc-day-thuong-mai-dau-tu-viet-nam-trung-quoc-chu-dong-phong-ngua-va-xu-ly-hieu-qua-cac-tranh-chap.htm, truy cập ngày 25/6/2024.
[9] https://www.eria.org/news-and-views/vietnams-bamboo-foreign-policy-clout/, truy cập 5/6/2024.