Thông qua các trang mạng, các lực lượng thù địch luôn tìm cách chống phá đường lối đối ngoại và ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, trong đó bao gồm việc xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Các lực lượng phản động cho rằng Việt Nam phải tham gia liên minh quân sự thì mới có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là ở khu vực Biển Đông. Thực tế cho thấy chỉ khi Việt Nam độc lập, không tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào thì Việt Nam mới có thể tự quyết định được vận mệnh của dân tộc mình, quyết định được đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của mình, mới giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa, và mới có thể hiện thực hoá mục tiêu mà Đảng và Nhân dân Việt Nam đã xác định.
Liên minh quân sự là gì?
Liên minh quân sự có thể được hiểu là một hình thức hợp tác quân sự giữa các quốc gia, trong đó các thành viên cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra tình huống quân sự hoặc an ninh. Mục tiêu của liên minh quân sự thường là tăng cường sức mạnh quân sự chung và nâng cao khả năng phản ứng tập thể trong trường hợp xảy ra các tình huống đe dọa hoặc xung đột. Một liên minh quân sự thường bao gồm các cam kết về hỗ trợ quân sự và an ninh giữa các thành viên, bao gồm cả việc cung cấp quân đội, trang thiết bị quân sự, hoặc hỗ trợ vận chuyển và cung ứng trong trường hợp khẩn cấp. Các hoạt động của liên minh quân sự có thể bao gồm cả cuộc tập trận chung, hợp tác trong công tác tình báo, hoặc tham gia vào các hoạt động quân sự chung. Một số liên minh quân sự điển hình bao gồm NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) và hay SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á) trong quá khứ. Mỗi liên minh quân sự có cấu trúc và mục tiêu riêng, tùy thuộc vào nhu cầu và mục tiêu an ninh của các thành viên.
Tại sao nhiều quốc gia không tham gia liên minh quân sự?
Có nhiều lý do giải thích tại sao các quốc gia không tham gia liên minh quân sự. Một số quốc gia thấy rằng việc tham gia vào một liên minh quân sự không phải lúc nào cũng phản ánh tốt nhất lợi ích quốc gia của họ. Hơn nữa, việc giữ sự độc lập và tự chủ trong việc quyết định về an ninh quốc gia là quan trọng hơn việc liên kết với các quốc gia khác thông qua một liên minh quân sự. Tham gia liên minh quân sự có thể có tác động tiêu đến vấn đề chủ quyền. Một số quốc gia lo ngại rằng việc tham gia vào một liên minh quân sự có thể làm mất đi một phần chủ quyền của họ trong việc ra quyết định về vấn đề an ninh quốc gia vì việc chia sẻ quyền lực quân sự với các thành viên khác trong liên minh sẽ làm mất đi sự kiểm soát và tự chủ của họ.
Hơn nữa, một số quốc gia có thể không muốn cam kết vào các hiệp định quốc tế về an ninh hoặc quân sự mà họ cảm thấy không thật sự cần thiết, đặc biệt là nếu họ cho rằng những cam kết đó có thể ràng buộc quá nhiều đối với việc hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại của mình, từ đó có thể gây ra rủi ro đối với sự phát triển của họ. Thêm vào đó, tham gia vào một liên minh quân sự thường đòi hỏi các quốc gia phải chi trả phần lớn ngân sách quốc phòng của họ và đối mặt với nguy cơ phải tham gia vào các hành động quân sự mà họ không muốn hoặc không ủng hộ. Một khía cạnh khác là do các yếu tố nội bộ, bao gồm các bất đồng chính trị giữa các đảng phái, nhóm chính trị, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của một quốc gia về việc tham gia vào một liên minh quân sự.
Trường hợp của Việt Nam?
Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định nguyên tắc không tham gia các liên minh quân sự, không liên minh với nước này để chống nước khác. Việt Nam đề cao đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ và phát triển. Việt Nam thúc đẩy quan hệ tốt với tất cả các quốc gia trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việc tham gia vào một liên minh quân sự không phù hợp với chủ trương đối ngoại, không phản ánh tốt nhất lợi ích quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam ưu tiên giữ sự độc lập, tự chủ trong việc đưa ra quyết định về an ninh quốc gia mà không bị ràng buộc bởi các cam kết hoặc quy định của một liên minh quân sự.
Lịch sử chiến tranh và kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chống lại sự can thiệp từ bên ngoài cho thấy việc không tham gia vào các liên minh quân sự là phù hợp nhất với điều kiện và lợi ích của Việt Nam. Tham gia liên minh quân sự đồng nghĩa với việc Việt Nam phải "chọn bên", "chọn phe" trong quan hệ quốc tế. Ngược lại việc không tham gia liên minh quân sự có thể giúp Việt Nam mở rộng, làm sâu sắc quan hệ trên tất cả các lĩnh vực với các nước, nhất các các nước lớn, các cường quốc về quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính của thế giới.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều cuộc xâm lược từ các quốc gia ngoại bang, nhưng luôn giữ vững tinh thần kháng chiến để bảo vệ lãnh thổ và độc lập của mình. Từ cuộc kháng chiến chống ngoại bang phương Bắc đến chiến tranh kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Việt Nam đã luôn thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sự kiên cường và quyết tâm bảo vệ độc lập của mình. Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã luôn khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tìm kiếm sự hòa bình và hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới mà không phân biệt chế độ chính trị - xã hội hay tôn giáo. Việt Nam luôn đề cao sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn và không muốn bị đặt vào tình huống phải chọn một phe hoặc một quốc gia nào đó.
Việc đòi Việt Nam tham gia liên minh quân sự là thiếu thực tế và bất hợp lý bởi lẽ tham gia liên minh quân sự sẽ thúc đẩy sự đối đầu với các nước khác, nhất là các nước lớn. Những ai và các tổ chức muốn chống phá Việt Nam đều muốn thúc đẩy sự đối đầu để từ đó giảm sức mạnh của Việt Nam bởi lẽ khi đối đầu, Việt Nam có thể phải phân tán nguồn lực, tập trung nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, từ đó có thể ảnh hưởng nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội.
Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia vào các liên minh quân sự sẽ làm mất độc lập và tự chủ của Việt Nam bởi vì khi tham gia vào các liên minh quân sự, Việt Nam có thể phải chia sẻ quyền lực quân sự và chịu sự ràng buộc của các thành viên khác trong liên minh. Nguy hiểm không kém đó là tham gia liên minh quân sự đồng nghĩa với việc tạo ra một mặt trận đa chiều, trong đó Việt Nam bị bao vây và cô lập bởi các quốc gia hoặc tổ chức thù địch. Quan trọng hơn, trong bối cảnh quan hệ quốc tế mà đối tác - đối tượng, bạn - thù thay đổi nhanh chóng, khó đoán định như hiện nay thì không tham gia liên minh quân sự phù hợp với truyền thống độc lập, tự chủ, yêu chuộng hoà bình, đề cao lợi ích quốc gia, bảo vệ Tổ quốc mà nhiều thế hệ người Việt đã dày công vun đắp.
Tóm lại, không tham gia liên minh quân sự là sự lựa chọn có cân nhắc và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như tình hình quan hệ quốc tế đầy biến động và phức tạp hiện nay. Những thành tựu và vị thế mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua đã góp phần minh chứng cho tính đúng đắn của sự lựa chọn đó. Do vậy phương châm không tham gia liên minh quân sự trên cơ sở triết lý đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" cần tiếp tục được kiên trì trong thời gian tới./.
Nam Cường