Ngoại trưởng Israel Israel Katz hôm 18/6 cảnh báo về nguy cơ nổ ra xung đột quy mô lớn với Lebanon, sau khi Hezbollah, nhóm vũ trang gần như kiểm soát nền chính trị nước này, công bố video cho thấy máy bay không người lái (UAV) của họ áp sát loạt cơ sở hạ tầng và địa điểm quân sự quan trọng ở miền bắc Israel.
"Chúng tôi đang tiến rất gần đến thời điểm quyết định thay đổi các quy tắc chống lại Hezbollah và Lebanon. Trong một cuộc chiến tổng lực, Hezbollah sẽ bị tiêu diệt và Lebanon sẽ bị ảnh hưởng nặng nề", ông viết trên mạng xã hội X.
Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo các tướng lĩnh quân đội đã thẩm định và duyệt "kế hoạch tác chiến cho cuộc tấn công tại Lebanon".
"Quyết định đã được đưa ra nhằm tiếp tục tăng tốc mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân nhân tại thực địa", thông cáo từ IDF cho hay.
Phản ứng trước các tuyên bố từ Tel Aviv, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 19/6 nhấn mạnh lực lượng này sẽ phát động một cuộc chiến "không kiềm chế, không quy tắc và không giới hạn" nếu Israel mở chiến dịch tấn công lớn vào Lebanon.
Cả hai bên gần đây liên tục leo thang hoạt động phóng tên lửa và không kích qua biên giới, khiến mối lo về nguy cơ xung đột bùng nổ thành một cuộc chiến tranh tổng lực càng có cơ sở hơn.
"Cảm giác của người dân Lebanon lúc này là họ ngày càng lo lắng và sợ hãi về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh tổng lực", Imad Salamey, nhà khoa học chính trị tại Đại học Mỹ - Lebanon, cho hay. "Việc quân đội Israel phê duyệt kế hoạch chiến tranh được người Lebanon đặc biệt quan tâm, khiến lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột càng trở nên hiện hữu. Điều này ảnh hưởng lớn tới các kế hoạch du lịch và đầu tư trong nước, vì du khách và nhà đầu tư tiềm năng đang xem xét lại quyết định của họ".
Quảng cáo
Lebanon đã trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế kỷ và rơi vào bế tắc chính trị khi đất nước không có tổng thống kể từ tháng 10/2022. Nếu xung đột nổ ra, việc cơ sở hạ tầng bị phá hủy và tác động tới đời sống kinh tế - xã hội có thể gây ra hậu quả tàn khốc đối với quốc gia vốn đang gặp vô số khó khăn này, giới quan sát đánh giá.
Theo Salamey, Lebanon không ở vào vị thế có thể đáp trả một cách hiệu quả trước một chiến dịch quân sự trên bộ hay một chiến dịch trên không quy mô lớn của Israel nhằm vào cơ sở hạ tầng.
"Xung đột lan rộng sẽ tạo ra tác động tàn phá khủng khiếp vì cơ sở hạ tầng bị phá hủy rất khó sửa chữa hoặc thay thế", ông giải thích thêm. "Chính phủ Lebanon thiếu nguồn lực để tái thiết và có rất ít nhà tài trợ quốc tế sẵn sàng cung cấp cho họ những hỗ trợ cần thiết".
Một cuộc xung đột quy mô lớn "có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng chính trị và xã hội hiện nay ở Lebanon, khiến việc phục hồi trở nên khó khăn hơn", Salamey nhấn mạnh.
"Việc Lebanon bị tàn phá còn tạo ra tình trạng hỗn loạn, khi các nhóm vũ trang cực đoan tận dụng cơ hội tràn vào lãnh thổ nước này", ông nói thêm.
Về phía Israel, nếu vẫn quyết định tiếp đẩy xung đột với Lebanon thành một cuộc chiến tranh tổng lực, cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của họ cũng có thể bị thiệt hại nghiêm trọng. Hezbollah mạnh hơn và được trang bị tốt hơn rất nhiều so với lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Nhóm gần đây còn tiết lộ các loại vũ khí mới, trong đó có cả những tên lửa phòng không đã lần đầu tiên đẩy được chiến đấu cơ Israel ra khỏi không phận Lebanon.
"Điều đặc biệt đáng lo ngại và quan trọng là người Israel dường như hoàn toàn không học được gì sau những trải nghiệm trong quá khứ ở Lebanon", Karim Emile Bitar, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Saint Joseph ở Beirut, nói. "Thông báo rằng họ sắp tiến hành một cuộc chiến tổng lực nhằm tiêu diệt Hezbollah là cực kỳ ngây ngô và tệ hơn cả, nó cho thấy sự nghiệp dư".
"Hezbollah có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng, đáng kể và thậm chí là chưa từng có cho Israel", ông nhấn mạnh.
Israel từng tấn công Lebanon vào năm 1978 và 1982, bao vây phía tây thủ đô Beirut để đánh bật Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat. Họ kiểm soát miền nam Lebanon từ năm 1985 đến 2000.
Bất chấp năng lực quân sự đáng gờm của Hezbollah, nhiều tiếng nói ở Israel, trong đó có các lãnh đạo cực hữu như Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, đang thúc đẩy các giải pháp quân sự thay vì ngoại giao.
Bộ trưởng Smotrich thậm chí còn nêu ý tưởng tái chiếm miền nam Lebanon, mặc dù theo Eyal Lurie-Pardes, chuyên gia từ Viện Trung Đông, trụ sở tại Washington "chỉ phe cánh hữu, cực đoan tại Israel mới muốn chinh phạt Lebanon".
Bên trong Israel, áp lực đang đè nặng lên các chính trị gia khi năm học mới đang đến gần và người dân ở miền bắc muốn trở về nhà. Những người Israel ở gần biên giới ngày càng lo ngại họ sẽ không thể sống trong yên ổn nếu Hezbollah còn hoạt động ở phía bên kia.
"Người dân muốn cảm thấy an toàn ở phía bắc và họ muốn thấy một hành động quân sự sẽ biến điều đó thành hiện thực", Lurie-Pardes nói. "Mọi người muốn thấy câu trả lời đó. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng Hezbollah mạnh hơn Hamas và sở hữu vũ khí phức tạp hơn".
"Điều rõ ràng là sẽ không có nhiều người chiến thắng trong một cuộc xung đột mở rộng", bình luận viên Justin Salhani và Simon Speakman Cordall từ Al Jazeera nhận định. "Israel đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu 'xóa sổ Hamas' trong suốt 8 tháng qua, trong khi Hezbollah có năng lực quân sự mạnh hơn Hamas. Mặc dù Israel có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho Lebanon nếu phát động tấn công, điều đó cũng có nguy cơ dẫn đến những hậu quả lâu dài không lường trước được, như đã từng xảy ra trong quá khứ".
Theo chuyên gia Bitar từ Đại học Saint Joseph ở Beirut, khi mở chiến dịch tấn công năm 1982 vào Lebanon, Israel đã đẩy được PLO khỏi quốc gia này, nhưng nó lại dẫn đến sự ra đời của Hezbollah, một phong trào cực đoan và có tổ chức hơn nhiều. "Kịch bản tương tự hoàn toàn có thể lặp lại", Bitar cảnh báo.