Trong lịch trình dày đặc, còn có các cuộc gặp, đối thoại 2+2 giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin với người đồng cấp của Nhật Bản, Philippines. Cũng tại Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ họp với những người đồng cấp Australia, Ấn Độ và Nhật Bản - các thành viên Bộ tứ (Quad).
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng những người đồng cấp Philippines tại đối thoại 2+2 ở thủ đô Manila, ngày 30/7. (Nguồn" AFP) |
Động thái đó “không đột ngột”, bởi Mỹ nhiều lần khẳng định quyết tâm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”. Các hoạt động nhộn nhịp gần đây là một điểm nhấn trong quá trình thực thi chiến lược cơ bản, lâu dài của Mỹ ở khu vực, xuất phát từ nhiều lý do và nhằm nhiều mục đích.
Châu Á-Thái Bình Dương có tầm quan trọng rất lớn đối với an ninh toàn cầu. Đây cũng là địa bàn tiềm ẩn nhiều thách thức, từ đe dọa hạt nhân, khủng bố, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đến bất ổn, đối đầu, cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn... Đặc biệt, vai trò, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đối thủ hệ thống, lâu dài đang đe dọa ngôi vị cường quốc số một của Mỹ.
Tuyên bố chung Hội nghị Ngoại trưởng Bộ tứ ngày 29/7 nhấn mạnh, “vô cùng quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông”; “hoạt động quân sự hóa các thực thể tranh chấp và các động thái cưỡng ép và đe dọa ở Biển Đông”; đồng thời tái khẳng định lập trường “phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào tìm cách thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực”.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 (6/2024), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin khẳng định, “Mỹ chỉ an toàn nếu châu Á được an toàn. Đó là lý do vì sao Mỹ luôn duy trì sự hiện diện ở khu vực này” và “bảo vệ an ninh, thịnh vượng của khu vực là nguyên tắc cốt lõi trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ”. Như vậy, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm mục tiêu cơ bản, hàng đầu là tăng cường vai trò chính trị, an ninh, quân sự, vai trò dẫn dắt, chi phối của Mỹ trên nhiều mặt.
Đáng chú ý, Mỹ nhấn thách thức này là mối đe dọa chung của các quốc gia trong khu vực. Điểm mới trong chính sách của Mỹ là chuyển từ chiến lược “một trục và nhiều nan hoa” sang chiến lược “hội tụ mới”. Cốt lõi là củng cố, mở rộng quan hệ, tăng cường hợp tác với các đồng minh, đối tác; tập hợp họ xung quanh nguyên tắc giá trị chung, đối phó với các mối đe dọa, thách thức chung. Mỹ không phải một mình gánh vác mà vẫn thực hiện được mục đích.
Hành trình gấp gáp của “Tư lệnh" ngoại giao vào thời điểm này ẩn chứa thông điệp về cam kết lâu dài của Mỹ; giải tỏa mối quan ngại của đồng minh, đối tác về việc Washington chú trọng lò lửa Ukraine, Trung Đông mà xem nhẹ, xa rời khu vực. Đồng thời, nhằm dựng thêm sự đã rồi trước thềm cuộc bầu cử tổng thống. Cần khẳng định, dù ông chủ Nhà Trắng tới đây là ai, thì về cơ bản, chiến lược, chính sách an ninh của Mỹ đối với khu vực cũng không thể đảo ngược. Có chăng, cách tiếp cận, biện pháp thực thi cụ thể sẽ điều chỉnh, thay đổi.
Ngoại trưởng Antony Blinken và những người đồng cấp trong Bộ tứ: Subrahmanyam Jaishankar (Ấn Độ), Kamikawa Yoko (Nhật Bản) và Penny Wong (Australia) tại thủ đô Tokyo ngày 29/7. (Nguồn: Reuters) |
Mỹ tiếp tục củng cố cấu trúc an ninh, thể chế hợp tác đa phương diện (chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, công nghệ), nhằm liên kết, kết nối đồng minh, đối tác, bổ sung, hỗ trợ nhau.
Trước hết, Washington phối hợp, nâng chất quan hệ song phương, hợp tác nhiều mặt với các đồng minh chiến lược, đối tác quan trọng và giữa đồng minh, đối tác với nhau; bằng các hiệp định, hiệp ước, thỏa thuận. Mỹ củng cố, mở rộng phạm vi hợp tác với các đồng minh chiến lược, đối tác truyền thống; đồng thời thúc đẩy quan hệ với các đối tác mới như Ấn Độ, ASEAN.
Thứ hai, củng cố, mở rộng hệ thống hơn 200 căn cứ quân sự, gần 70 nghìn binh sĩ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…, thành những pháo đài trên đất liền, mỏ neo, chiến hạm không thể đánh chìm trên biển; làm chỗ đứng chân răn đe, bàn đạp để sẵn sàng triển khai lực lượng, xử trí các tình huống ở khu vực.
Thứ ba, tăng cường, mở rộng hợp tác chiến lược đa phương, phát huy vai trò các tổ chức liên kết, hợp tác “tay ba”, “tay tư” (AUKUS, Bộ tứ, Ngũ Nhãn…). Dự kiến tới đây, Mỹ và đồng minh có thể phát triển cơ chế, cấu trúc an ninh mới ở khu vực.
Các “cấu trúc di động” này kết hợp với các “cấu trúc cố định”, hình thành hệ thống tam giác, tứ giác, vòng cung, chằng chéo, nhiều tầng nấc trên đất liền và trên biển. Bằng cách đó, Mỹ và đồng minh duy trì sự hiện diện sức mạnh, các cuộc tập trận cùng nhiều hoạt động thường xuyên ở khu vực.
Nhưng Trung Quốc và các nước lớn khác cũng không ngồi yên. Họ cũng liên kết, kết nối nhiều đồng minh, đối tác, tập hợp lực lượng, triển khai chiến lược của mình (có mặt còn đi trước), theo kiểu “lạt mềm buộc chặt”, gắn hợp tác, lợi ích kinh tế, tài chính, đầu tư với an ninh, hình thành vành đai, các trục, trên không gian rộng, cả ở lục địa và trên biển, tạo đối trọng với Mỹ và đồng minh.
ASEAN tiếp tục tăng cường đoàn kết, liên kết, kết nối nội khối và mở rộng hợp tác nhiều mặt với các đối tác khác, nhất là các nước lớn, nhằm củng cố vai trò trung tâm, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Các cơ chế, diễn đàn trong khuôn khổ hợp tác do ASEAN làm trung tâm như ARF, EAS, ADMM+…, ngày càng có sức thu hút lớn. Tình hình đó khiến các nước lớn phải tôn trọng, muốn hợp tác, tìm cách lôi kéo ASEAN và các quốc gia thành viên.
Với thực trạng đó, bên này hay bên kia có lợi thế chi phối, dẫn dắt hơn trên một số mặt, trong những thời điểm cụ thể, nhưng trên tổng thể, tương quan thế và lực ở khu vực chưa lệch hẳn sang bên nào.
Tác động và một số vấn đề đặt ra
Sự hiện diện, can dự, đối đầu, cạnh tranh của các cấu trúc, thể chế do nước lớn đứng đầu, dẫn dắt tạo ra cả thuận lợi và khó khăn.
Thuận lợi trước hết là có điều kiện duy trì môi trường an ninh và không gian hợp tác, phát triển cho ASEAN và nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam. Hai là, tạo cơ hội để ASEAN và Việt Nam cùng các nước tham gia giải quyết các vấn đề chung. Ba là, tạo cơ hội cho ASEAN và Việt Nam, cũng như các nước trung bình, đang phát triển khác, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là, ASEAN và các nước nhận thức rõ hơn sự cần thiết, cấp bách phải xây dựng lòng tin chiến lược; thực thi các cơ chế an ninh, kiểm soát bất đồng, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, DOC; xây dựng COC thực chất, hiệu quả thực sự.
Sự can dự, đối đầu, cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, cũng gây ra những thách thức, khó khăn. Một là, làm cho tình hình khu vực phức tạp, khó đoán định; tiềm ẩn nhân tố bất ổn, đối đầu căng thẳng, nguy cơ xung đột. Hai là, đặt ra những tình huống phức tạp, nhạy cảm đẩy ASEAN và các nước vào tình thế phải cân nhắc giữa bên này, bên kia. Ba là, gây ra sự chia rẽ, phân hóa nội bộ, những khác biệt trong quá trình hợp tác, liên kết với các đối tác; xử lý các vấn đề chung; làm suy giảm vai trò trung tâm, vị thế của ASEAN.
Trước tình hình đó, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, hợp tác vì lợi ích chung; thúc đẩy một cấu trúc khu vực trên cơ sở các cơ chế hiện có và đang xây dựng, mà ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Qua đó, nâng cao sức hấp dẫn, thu hút nhiều quốc gia tham gia, nhất là các nước lớn.
Việt Nam cần giữ vững độc lập, tự chủ, sự ổn định chính trị, an ninh; đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xử lý phù hợp các tình huống, cân bằng quan hệ với các nước lớn. Đẩy mạnh thực hiện định hướng chiến lược trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Nguồn: dantri.com.vn