Chỉ trong thập kỷ qua, Mỹ đã trỗi dậy trên tư cách cường quốc dầu khí đứng đầu thế giới với tốc độ chóng mặt. Theo báo cáo được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố hồi tháng 3, nước này đã sản xuất nhiều dầu thô hơn bất kỳ quốc gia nào tại bất kỳ thời điểm nào trong sáu năm liên tiếp.
Sản lượng dầu thô tại Mỹ đạt trung bình 12,9 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023, phá vỡ kỷ lục trước đó của Mỹ và toàn cầu là 12,3 triệu thùng mỗi ngày, được thiết lập vào năm 2019. Sản lượng dầu thô trung bình hàng tháng của Mỹ lập kỷ lục hơn 13,3 triệu thùng mỗi ngày, được thiết lập vào tháng 12/2023.
Kỷ lục này khó có thể bị phá vỡ vì không quốc gia nào khác trên thế giới đạt được công suất sản xuất 13 triệu thùng mỗi ngày. Công ty Saudi Aramco, thuộc sở hữu nhà nước của Arab Saudi, gần đây hủy bỏ kế hoạch tăng công suất sản xuất lên 13 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2027.
Mỹ, Nga và Arab Saudi sản xuất tổng cộng 32,8 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 40% sản lượng dầu toàn cầu vào năm 2023. Ba nước này đã sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể từ năm 1971, dù vị trí hàng đầu đã thay đổi giữa họ trong năm thập kỷ qua.
Ba quốc gia sản xuất lớn tiếp theo gồm Canada, Iraq và Trung Quốc, có tổng sản lượng 13,1 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023, chỉ cao hơn một chút so với sản lượng của Mỹ.
Mỹ bắt đầu vươn lên trở thành một trong những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới từ năm 2015, khi quốc hội nước này dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô đã được áp dụng 40 năm, tạo bàn đạp để họ bỏ xa các quốc gia dầu mỏ như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait.
Cũng sau thời điểm này, Washington bắt đầu đẩy mạnh hóa lỏng và vận chuyển khí tự nhiên. Năm 2023, Mỹ trở thành nước dẫn đầu thế giới trong xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG), trung bình xuất khẩu 337 triệu m3 mỗi ngày, tăng 12% so với năm 2022, theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Mỹ.
Theo Guardian, chưa có quốc gia nào khai thác nhiều dầu và khí đốt như Mỹ trong 6 năm qua, nhờ đột phá trong công nghệ thủy lực cắt phá để khai thác dầu đá phiến.
Năm 2023, Mỹ khoan 20% tổng lượng dầu được khai thác trên thế giới. Sản lượng khí đốt của Mỹ cũng tăng 50% trong thập kỷ qua, lên vị trí đứng đầu thế giới. Trung bình mỗi giờ, Mỹ khoan khoảng một triệu thùng dầu, hai triệu tấn khí đốt tại các mỏ trải dài từ Texas đến Alaska.
"Thật đáng kinh ngạc khi Mỹ đi từ số 0 lên hàng tỷ thùng, điều này thậm chí còn khó hiểu", David Dismukes, chuyên gia năng lượng tại Đại học bang Louisiana, nói.
Sự bùng nổ trong khai thác, xuất khẩu dầu khí xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden đã gây nhiều khó khăn cho ông chủ Nhà Trắng, bởi ông Biden từng nhấn mạnh khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa, và cũng từng cam kết "không khoan dầu trên đất Mỹ".
Tổng thống Biden hồi tháng 1 bắt đầu dừng cấp giấy phép mới cho hoạt động xuất khẩu LNG. Quyết định này khiến 16 bang Mỹ đệ đơn kiện chính quyền lên tòa án liên bang ở bang Louisiana.
Hồi tháng 7, thẩm phán liên bang James Cain, được bổ nhiệm bởi cựu tổng thống Donald Trump, ra phán quyết ngăn Bộ Năng lượng Mỹ đình chỉ phê duyệt xuất khẩu LNG. Theo thẩm phán Cain, quyết định đình chỉ của chính quyền ông Biden là "hoàn toàn phi logic, không có lý do".
Sau phán quyết của thẩm phán Cain, khả năng xuất khẩu khí đốt của Mỹ, vốn tăng gấp ba kể từ năm 2018, dự kiến tiếp tục tăng gấp đôi trong ba năm tới. Hàng loạt nhà máy xử lý, đường ống, cảng LNG đang được xây dựng với tốc độ chóng mặt tại các bang duyên hải Mỹ dọc Vịnh Mexico.
Tâm điểm của loạt dự án này là một khu vực ven biển chỉ dài khoảng 80 km ở Louisiana và Texas, nơi có tới 11 nhà máy LNG đang được xây dựng hoặc vận hành, và cũng là nơi ghi nhận tình trạng nước biển dâng nghiêm trọng.
Khi hoạt động với công suất tối đa, 11 nhà máy này có thể xuất đi nhiều LNG hơn cả Australia và Qatar, hai nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới chỉ sau Mỹ, cộng lại.
Venture Global, tập đoàn khai thác dầu khí đầu ngành, được chính quyền giảm thuế khi quản lý nhà máy LNG Calcasieu Pass ở Cameron, Texas, từ năm 2022. Tập đoàn này đã công bố dự án mở rộng trị giá 10 tỷ USD, còn gọi là CP2, hứa hẹn xử lý thêm khoảng 20 triệu tấn LNG, tăng tổng xuất khẩu khí đốt của Mỹ thêm 20%.
Ủy Ban Điều tiết Năng lượng Mỹ hồi tháng 6 đã phê duyệt CP2, dù một trong ba ủy viên phản đối rằng dự án có thể gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho cộng đồng xung quanh. Ông Trump từng nói sẽ ủng hộ dự án ngay trong ngày làm việc đầu tiên nếu tái đắc cử tổng thống.
Nền kinh tế Mỹ vốn có quy mô lớn và đa dạng, không phụ thuộc vào dầu khí như Libya hay Kuwait, nhưng các báo cáo cho thấy một số địa phương ở Mỹ đang dần trở nên phụ thuộc vào ngành này.
Nhưng người Mỹ hầu như không biết về điều đó. "Nếu hỏi người Mỹ nước nào là bên sản xuất dầu lớn nhất thế giới, chắc chắn hầu hết sẽ trả lời là Arab Saudi, nhiều người thậm chí sẽ không nhắc tới Mỹ", chuyên gia Dismukes nói.
Phát ngôn viên của Venture Global cho hay việc tăng khai thác và xuất khẩu LNG của Mỹ là để tăng cường an ninh năng lượng và hỗ trợ các đồng minh châu Âu bị ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine. Tập đoàn đã ký hợp đồng cung cấp LNG từ dự án CP2 cho Đức, Nhật Bản, Ukraine.
Theo dữ liệu gần đây do Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD) chia sẻ với Guardian, các nước giàu nhất thế giới như Mỹ, Anh, Canada, Australia và Na Uy đang dần trở thành các "quốc gia dầu mỏ mới" khi dẫn đầu làn sóng mở rộng sản xuất, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Dù thường xuyên được coi là những nước đi đầu về chống biến đổi khí hậu trên thế giới, lượng giấy phép khai thác, xuất khẩu dầu khí do 5 nước này cấp chiếm đến 67% tổng số giấy phép trên toàn cầu kể từ năm 2020.
"Mỹ không thể yêu cầu các nước khác giảm khí thải nhà kính khi chính Washington đang cung cấp dầu, khí đốt cho họ", Ed Markey, thượng nghị sĩ Dân chủ, nói. "Khi lệnh cấm xuất khẩu dầu được dỡ bỏ, Mỹ đã trở thành gã khổng lồ dầu khí trên toàn cầu. Mọi chuyện có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn với môi trường, khí hậu".