Israel và Iran trong nhiều thập kỷ mắc kẹt trong "cuộc chiến ngầm" ở Trung Đông, khi hai cường quốc khu vực coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Israel nhiều lần bị cáo buộc tập kích, tấn công mạng và tổ chức ám sát tại Iran, trong khi Tehran hậu thuẫn "Trục Kháng chiến" đối đầu với Tel Aviv trên nhiều lĩnh vực.
Kể từ khi xung đột bùng phát tại Dải Gaza, Iran thể hiện sự ủng hộ với lực lượng Hamas ở dải đất bằng cách gây áp lực lên Israel thông qua các đợt tấn công của đồng minh và lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, song vẫn cố gắng tránh căng thẳng leo thang thành chiến tranh toàn diện giữa hai nước.
Tuy nhiên, không ít lần hành động của Israel và Iran đã đẩy hai cường quốc Trung Đông đến bờ vực chiến tranh, dù cả hai bên đều không muốn nổ ra một cuộc xung đột quy mô lớn nhấn chìm cả khu vực.
Vụ hạ sát tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran
Truyền hình nhà nước Iran hôm 25/12/2023 bất ngờ đình chỉ chương trình phát sóng bình thường để thông báo về cái chết của tướng Sayyed Razi Mousavi, người được mô tả là "cố vấn giàu kinh nghiệm nhất của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) được triển khai đến Syria".
"Trung tướng Mousavi qua đời trong cuộc không kích của Israel nhằm vào quận Zeinabiyah ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria cách đây vài giờ", hãng thông tấn Iran IRNA cho hay. Ba nguồn tin an ninh giấu tên nói rằng tướng Mousavi là người điều phối hoạt động quân sự giữa Iran và Syria.
Phát ngôn viên IRGC Ramezan Sharif cho rằng Israel hạ sát tướng Razi Moussavi nhiều khả năng vì thất bại của Tel Aviv sau chiến dịch tấn công bất ngờ của Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10/2023 khiến hơn 1.100 người chết.
Quân đội Israel từ chối bình luận về thông tin mà Iran đưa ra, nhưng Sharif tuyên bố Iran sẽ hành động trực tiếp cũng như phối hợp với các bên trong "Trục Kháng chiến" để trả thù cho tướng Moussavi.
Iran phóng tên lửa vào mục tiêu Israel ở Syria
Gần ba tuần sau vụ hạ sát tướng Moussavi, IRGC thông báo đã phóng tên lửa đạn đạo tấn công "loạt trung tâm gián điệp" ở Erbil, miền bắc Iraq hôm 15/1.
IRGC cho hay các vị trí bị tập kích là tiền đồn của Viện Tình báo và Chiến dịch Đặc biệt Israel (Mossad) và cơ sở của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Nhân chứng cho biết ít nhất 8 vụ nổ đã xảy ra tại Erbil, khiến 4 người thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ tập kích. Một tên lửa rơi trúng nhà quan chức tình báo cấp cao của dân quân người Kurd, quả đạn khác đánh trúng trung tâm tình báo của họ. Israel không bình luận về vụ tập kích.
Iran tuyên bố trận tập kích nhằm bảo vệ an ninh của nước này và "chống khủng bố". Iran nhiều lần tấn công mục tiêu ở vùng Kurdistan ở đông bắc Iraq vì cho rằng khu vực này là "điểm tập kết lực lượng ly khai và gián điệp Israel".
Iran cáo buộc Israel tập kích sát hại 5 cố vấn IRGC ở Damascus
Gần một tuần sau, IRGC ngày 20/1 thông báo 5 cố vấn quân sự của họ thiệt mạng khi Israel không kích tòa nhà dân cư tại khu Mezzeh tại thủ đô Damascus, Syria. Trong số những người thiệt mạng có sĩ quan tình báo IRGC, cấp phó của người này và các thành viên lực lượng.
Các nguồn tin cho biết tòa nhà mà cố vấn quân sự Iran sử dụng "bị tên lửa dẫn đường chính xác của Israel san phẳng". Israel không thừa nhận cũng không bác bỏ thông tin này.
Truyền thông quốc tế hồi tháng 2 đưa tin IRGC thu hẹp quy mô triển khai các sĩ quan cấp cao ở Syria, sau loạt vụ tấn công nghi do Israel thực hiện, đồng thời dựa nhiều hơn vào dân quân địa phương để duy trì ảnh hưởng tại nước này.
Biệt thự của nhóm cố vấn Iran tại Syria bị tấn công
Ba vụ nổ ngày 1/3 làm rung chuyển thành phố Baniyas nằm ven bờ biển Địa Trung Hải của Syria, trong vụ tập kích nhằm vào biệt thự nơi một nhóm cố vấn Iran ở.
Truyền thông Iran sau đó đưa tin vụ tấn công do tiêm kích F-35 của Israel thực hiện, khiến một sĩ quan cấp cao IRGC là Reza Zarei và hai người khác thiệt mạng. Reza Zarei còn được cho là người phụ trách vận chuyển dầu mỏ tới Syria.
Giới chuyên gia nhận định Israel đang nhắm vào các mục tiêu giá trị cao như ông Zarei "để cắt đứt mối liên hệ giữa bộ chỉ huy tại Tehran với các nhóm dân quân thân Iran tại Syria".
Vụ tập kích tòa lãnh sự Iran ở Damascus
Ngày 1/4, Bộ Quốc phòng Syria thông báo máy bay quân sự Israel phóng tên lửa từ Cao nguyên Golan nhằm vào thủ đô Damascus, đánh trúng tòa lãnh sự Iran tại khu Mezzeh, phá hủy tòa nhà và khiến 13 người thiệt mạng.
Trong số các nạn nhân có chuẩn tướng Iran Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao của đặc nhiệm Quds thuộc IRGC, cùng cấp phó là tướng Mohammad Hadi Haji Rahimi. Tướng Zahedi được nhận định là người lãnh đạo mọi hoạt động của đặc nhiệm Quds trên ba mặt trận Palestine, Syria và Lebanon.
Đại sứ Iran tại Syria Hossein Akbari cho biết Israel điều tiêm kích F-35 phóng 6 tên lửa nhằm vào tòa lãnh sự, chỉ trích nước này "xem thường luật pháp quốc tế và sẵn sàng làm mọi cách để đạt mục đích riêng". Ngoại trưởng Syria Faisal Mekdad gọi vụ tấn công là "hành động khủng bố".
Quân đội Israel từ chối xác nhận sự việc, cho biết nước này không bình luận về thông tin trên báo chí nước ngoài. Tuy nhiên, Iran tuyên bố sẽ báo thù cho tướng Zahedi.
Iran phóng loạt tên lửa vào Israel
Hai tuần sau vụ tập kích khiến tướng Zahedi thiệt mạng, Iran ngày 13/4 cùng các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn phóng tổng cộng 170 máy bay không người lái (UAV), 120 tên lửa đạn đạo vào 30 tên lửa hành trình nhằm vào Israel.
Đây được coi là lần cận kề chiến tranh tổng lực nhất giữa Tel Aviv và Tehran, bởi đòn tấn công lần đầu tiên được Iran triển khai từ lãnh thổ nước này nhắm vào các mục tiêu ở Israel.
Tuy nhiên, ngòi nổ xung đột được tháo gỡ khi Iran dường như đã báo trước cho Israel và đồng minh về cuộc tập kích. UAV, tên lửa Iran cũng nhắm vào các khu vực ít dân cư của Israel, bay theo quỹ đạo dễ dự đoán và dễ bị bắn hạ.
Quân đội Israel tuyên bố cùng đồng minh, đối tác như Anh, Pháp Mỹ hạ 99% mục tiêu bay tới nước này. Một số quả đạn vượt qua được lưới phòng không và đánh trúng căn cứ không quân Nevatim trên sa mạc Negev, nơi Israel bố trí tiêm kích tàng hình F-35. Israel tuyên bố cơ sở chỉ chịu thiệt hại nhẹ.
Iran dùng chiến thuật phối hợp UAV với tên lửa để tập kích Israel, buộc đối phương phóng tên lửa đắt tiền để chặn UAV và làm cạn kiệt năng lực phòng không của họ, tạo điều kiện cho đợt tấn công kế tiếp bằng tên lửa.
Giới chuyên gia nhận định quân đội Israel có thể mất tới 1,3 tỷ USD để đối phó đợt tập kích bằng tên lửa và UAV của Iran, trong khi chi phí mà đối phương bỏ ra chỉ bằng khoảng 10%. Tehran sau đó tuyên bố đã "giải quyết xong ân oán" với Tel Aviv và không muốn xung đột leo thang thêm.
Thủ lĩnh Hamas bị ám sát ở Tehran
Căng thẳng song phương tiếp tục bùng lên khi thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh rạng sáng 31/7 thiệt mạng trong một vụ nổ tại khu nhà khách phía bắc thủ đô Tehran, Iran.
Truyền thông Iran đưa tin đây là tên lửa dẫn đường phóng từ bên ngoài lãnh thổ nước này và bay thẳng vào phòng ngủ của ông Haniyeh, khiến thủ lĩnh Hamas và vệ sĩ canh gác bên ngoài thiệt mạng. Trong khi đó, một số báo Mỹ dẫn các nguồn giấu tên cho hay nhà khách nơi ông Haniyeh ở đã bị cài bom từ trước và được một đặc vụ kích nổ từ xa.
Iran và Hamas cáo buộc Israel hạ sát thủ lĩnh Haniyeh, song tới nay tiết lộ rất ít chi tiết liên quan đến diễn biến vụ tập kích. Trong khi đó, Israel không bình luận về thông tin này.
Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas được coi là "cái tát vào mặt" Tehran và nguy cơ đẩy Iran và Israel vào xung đột trực tiếp nếu họ quyết định trả đũa bằng biện pháp quân sự.
Lãnh tụ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này "có nghĩa vụ trả thù" cho thủ lĩnh Hamas, cảnh báo Israel "sẽ phải nhận hình phạt thảm khốc" vì ám sát "vị khách thân thiết trên lãnh thổ chúng tôi".
Các quan chức Iran cho biết ông Khamenei "đã ra lệnh tấn công trực diện vào Israel", yêu cầu các chỉ huy quân đội và IRGC lên kế hoạch tác chiến lẫn phòng thủ trong trường hợp xung đột lan rộng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Iran không muốn nổ ra chiến tranh tổng lực với Israel và đòn đáp trả sẽ được tính toán để vừa đảm bảo "cứu vãn thể diện" cho Tehran sau vụ ám sát Haniyeh, nhưng không quá mức để có thể châm ngòi xung đột vượt tầm kiểm soát.
Nguồn: vnexpress,net