48 năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, vẫn còn nhiều ý kiến về việc Hoa Kỳ giảm viện trợ đã tác động như thế nào đến Việt Nam Cộng hòa. Mặc dù vậy, ý kiến cơ bản thống nhất là việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ đã dẫn đến sự sụp đổ mau chóng của Việt Nam Cộng hòa vào tháng 4 năm 1975
Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa
Quyết tâm rút khỏi cuộc chiến đau thương và sa lầy tại Việt Nam, khi quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam theo quy định của Hiệp định Paris, Quốc hội Hoa kỳ thấy rằng tại sao phải cần thiết chi hàng tỷ USD cho đồng minh Nam Việt Nam trong khi chính nước Mỹ lại đang cần những đồng đô la đó hơn bao giờ hết.
Chính vì thế, mặc dù các phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa đã tích cực sang Hoa Kỳ để vận động Quốc hội Mỹ không cắt giảm viện trợ cho Nam Việt Nam, nhưng Quốc hội Hoa kỳ vẫn quyết định cắt giảm viện trợ cho Nam Việt Nam trong tài khóa 1974-1975 từ mức 1,4 tỷ USD xuống còn hơn 700 triệu USD.
Tướng Mỹ Jhon Murey cho rằng “Nếu viện trợ còn 750 triệu USD, Sài Gòn chỉ còn khả năng bảo vệ một phần đất đai. Nếu xuống thấp nữa có nghĩa là xóa bỏ Việt Nam Cộng hòa”.
Việt Nam Cộng hòa, quốc gia lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, đặc biệt về quân sự, nhanh chóng suy sụp. Không chỉ là sự suy sụp về tinh thần khi không còn được Hoa Kỳ viện trợ, mà sức mạnh thực sự cũng nhanh chóng suy sụp theo.
Tháng 8/1974, Hạ viện Mỹ đồng ý chuẩn chi 700 triệu USD trong số 1,1 tỉ USD đã được chấp thuận cho miền Nam Việt Nam. Nhưng sau khi đã tính phí tổn của chương trình viện trợ quốc phòng, con số thực còn 500 triệu USD, chưa được một nửa.
Với số tiền này, quân đội Sài Gòn chỉ có thể mua đạn dược, xăng dầu và các chuyên gia tính toán rằng đến giữa năm 1975, quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ hầu như không còn xăng và dự trữ đạn được chỉ còn 30 ngày.
Sự thay đổi so sánh lực lượng quân sự của hai bên
Viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc cũng như các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm 1973-1975 giảm sút nhiều so với những năm trước.
Tổng số tấn vũ khí và thiết bị quân sự được viện trợ giảm từ 171.166 tấn/năm trong thời kỳ 1969-1972 giảm xuống còn 16.415 tấn/năm trong thời kỳ 1973-1975.
Mặc dù vậy, quân giải phóng vẫn nhận được nhiều vũ khí nặng trong những năm cuối của cuộc chiến.
Vào năm 1973, quân giải phóng đã nhận thêm từ 100 xe lên tới 500 và sau đó là 650 xe tăng, nhiều gấp đôi so với quân lực Việt Nam Cộng hòa trong thời gian đó.
Quân đội Sài Gòn tập trung tại bãi biển Đà Nẵng để rút chạy, cuối tháng 3/1975 (Ảnh tư liệu)
Tuy nhiên, nếu chỉ xét về hỏa lực, quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn có ưu thế hơn. Đến năm 1975, quân đội Sài Gòn có 1.200 khẩu pháo, con số đó là 400 về phía quân giải phóng.
Nhưng kiểu loại và chất lượng pháo binh quân giải phóng trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh lại là pháo tự hành 122 mm và 130 mm, cùng pháo chống tăng SU-122 của Liên Xô. Các loại pháo này bắn nhanh hơn, xa hơn pháo binh của quân đội Sài Gòn, vẫn đang sử dụng pháo 105 mm và 155 mm của Hoa Kỳ.
Vũ khí Liên Xô, Trung Quốc cũng cơ động, giúp bộ đội miền Bắc phản kích lại số lượng nhiều hơn của miền Nam.
Quân đội Sài Gòn cũng có một số khẩu pháo 175 mm tầm xa “Vua chiến trường” của Mỹ, nhưng SU-122 và 130 mm của Liên Xô lại chính xác hơn.
Đến cuối 1973, quân giải phóng được trang bị tên lửa đất đối không vác vai SA-7; một số đơn vị có SA-2. Có trung đoàn có cả pháo cao xạ ZSU-23, là loại chưa từng dùng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, kể từ sau hiệp định Paris 1973, viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng giảm đột biến. Điều này dẫn tới quan điểm cho rằng sự sụp đổ của miền Nam năm 1975 không phải do Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ, mà do sai lầm và yếu kém của Sài Gòn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sau Hiệp định Paris, miền Bắc không còn phải chịu ném bom, và có thể đẩy mạnh việc đưa phương tiện chiến tranh, vũ khí và bộ đội vào miền Nam.
Cuối năm 1974, Tướng Viktor Kulikov, Tổng tham mưu trưởng Liên Xô, thăm Hà Nội. Sau đó, tàu vận chuyển quân sự của Liên Xô cho miền Bắc tăng mạnh.
Sau chiến dịch tiến công chiến lược Xuân -Hè năm 1972, quân giải phóng và bộ đội miền Bắc rút được kinh nghiệm về tác chiến hợp đồng binh chủng. Nhiều sĩ quan được đi đưa Liên Xô đào tạo cấp tốc về kiến thức quân sự, hiệp đồng binh chủng trong chiến tranh hiện đại.
Thừa nhận cay đắng, sụp đổ tất yếu
Tháng 10/1974, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Cao Văn Viên ra lệnh quân lực Việt Nam Cộng hòa chỉ được phép tiến hành đồng thời hai cuộc hành quân lớn, mỗi cuộc không quá 10 ngày trong tháng.
Cao Văn Viên báo cáo với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quân đội Sài Gòn không có khả năng chống lại quân giải phóng được trang bị và tiếp tế đầy đủ hơn.
Cuối năm 1974, thiếu hụt phụ tùng, cắt giảm nhiên liệu tác động mạnh mẽ đến không quân Việt Nam Cộng hòa. đã có 1.000 máy bay không hoạt động được vì thiếu phụ tùng, xăng dầu và phi công. Đạn đại bác giảm đến 90 %, đến mức mỗi ngày, mỗi khẩu pháo 105 mm chỉ được bắn không quá 4 quả đạn, một khẩu pháo 155 mm không được bắn quá 2 quả đạn.
Quân tư trang lính VNCH vứt bỏ trên đường tháo chạy khỏi Sài Gòn, tháng 4/1975 (Ảnh tư liệu)
Tác giả George J. Veith, trong cuốn sách Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-75, cho rằng vào năm 1975, nếu quân đội Sài Gòn "được chi viện đầy đủ và được Hoa Kỳ yểm trợ", kết cục chiến tranh có thể đã khác.
Nhưng tác giả Gary R. Hess trong Vietnam: Explaining America's Lost War, cho rằng: Không thể thay đổi kết cục của cuộc chiến cho dù Hoa Kỳ có tăng cường viện trợ hay thậm chí tham chiến trở lại trong một mức độ nhất định. Chính thể Sài Gòn với những yếu kém và thối nát của nó, không thể chống lại sự kiên trì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng thừa nhận rằng, trên thực tế, quân đội của ông ta chỉ có thể dựa vào viện trợ Mỹ. Mặc dù có những mỹ từ về quyết tâm bảo vệ miền Nam tự do, nhưng thực chất quân đội Sài Gòn không khác gì đội quân đánh thuê mà ở đây là đánh thuê cho Hoa Kỳ. Không có tiền, quân đội đó sẽ sụp đổ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng như vậy.
Công trình "Vietnam, the ten thousand day war", Nxb. Thames Methuan, London, xuất bản năm 1982, đã ghi nhận một số câu nói của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: "Nếu Hoa Kỳ mà không viện trợ cho chúng ta nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng ta sẽ rời khỏi Dinh Độc Lập!", "Mỹ còn viện trợ, thì chúng ta còn chống cộng".
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Phát triển của chế độ Sài Gòn, giáo sư đại học Harvard tại Mỹ, trong cuốn sách Từ tòa Bạch Ốc đến dinh Độc Lập đã đưa ra nhiều thông tin cho thấy khả năng tồn vong của chính quyền Sài Gòn hoàn toàn nằm trong bàn tay người Mỹ và phụ thuộc hoàn toàn vào sự cưu mang của chính phủ Hoa Kỳ. Cụ thể bản báo cáo mà Nguyễn Văn Thiệu đã đọc:
"Nếu mức viện trợ quân sự là 1,4 tỷ USD (giá thời đó) thì có thể giữ được các vùng đông dân cư tại bốn vùng chiến thuật.
Nếu mức viện trợ quân sự xuống 1,1 tỷ USD thì có thể không giữ được Quân khu I.
Nếu mức viện trợ quân sự còn 900 triệu USD thì khó giữ được Quân khu I, Quân khu II.
Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 750 triệu USD thì chỉ có thể phòng thủ một vài khu vực.
Nếu viện trợ quân sự chỉ còn 600 triệu USD thì chỉ còn có thể giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long."
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, có lúc Nguyễn Văn Thiệu đã nói cay đắng với một dân biểu Mỹ rằng: "Mới vài ngày trước đây là một tỷ, bây giờ còn 700 triệu, tôi làm gì được với số tiền này? Như là chuyện cho tôi 12 đô la và bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất từ Sài Gòn đi Tokyo." Sau đó, Thiệu nhờ tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đi xin thêm tiền và sau này thuật lại trong quyển sách trên, ông Nguyễn Tiến Hưng đã ví việc này với "cái nhục của kẻ đi cầu xin".
Rõ ràng là viện trợ của Hoa Kỳ trong những năm 1974-1975 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Nhưng quan trọng hơn, điều đó nói lên bản chất của cuộc cuộc chiến tranh tại Việt Nam trong toàn bộ giai đoạn 1954-1975 là cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ. Cho nên, nói theo cách này hay cách khác, khi Hoa Kỳ "bỏ rơi" hay "phản bội" đồng minh, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa là không thể tránh khỏi.
Quỳnh Chi