Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc (LHQ). 45 năm qua, Việt Nam luôn chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, góp phần đưa vị trí Việt Nam trên trường quốc tế lên tầm cao mới
Thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc, tham gia và thực hiện có hiệu quả nhiều cam kết được Liên hợp quốc triển khai
Về hòa bình và an ninh, từ năm 1996 đến 1998, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Việt Nam ủng hộ giải trừ quân bị toàn diện và triệt để do LHQ đề ra, nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ thành viên của các điều ước quốc tế về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thực hiện đầy đủ các nghị quyết của HĐBA về báo cáo các biện pháp thực hiện các điều ước này, phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và ký Nghị định thư bổ sung cho Hiệp ước Bảo đảm hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước… Trong đó, Việt Nam thực hiện thành công nhiều cam kết với LHQ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như:
Từ năm 2000, Việt Nam luôn tích cực triển khai thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ (MDGs), lồng ghép các mục tiêu này vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việt Nam đã hoàn thành sớm một cách ấn tượng mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, đạt được mục tiêu thứ hai về phổ cập giáo dục tiểu học, hoàn thành mục tiêu về tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; các mục tiêu còn lại hoàn thành đúng kế hoạch.
Những thành tựu của Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và coi đây là một mô hình tốt cho các nước đang phát triển tham khảo.
Việt Nam đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến Thống nhất hành động của Liên hiệp quốc, nhằm cải tổ, tăng cường hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.
Tháng 1/2007, Tổng Thư ký LHQ chính thức chọn Việt Nam là một trong 8 nước thí điểm thực hiện sáng kiến Một LHQ tại Việt Nam. Đây là sự tiếp nối của cả một quá trình cải cách việc quản lý, sử dụng và nâng cao tính hiệu quả của nguồn lực ODA, phản ánh sự chủ động, tính làm chủ của Chính phủ Việt Nam.
Thực hiện cam kết này, trong giai đoạn 2012-2016, Chính phủ Việt Nam và LHQ tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung của LHQ trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất Hành động – Một LHQ (DaO), định hướng phù hợp với dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội (SEDP) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (SEDS) của Việt Nam. Kế hoạch chung ưu tiên 3 lĩnh vực trọng tâm chính là: chất lượng tăng trưởng, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội; tăng cường tiếng nói và nâng cao quản trị công.
Một cấu phần quan trọng của Sáng kiến Thống nhất Hành động – Một LHQ là Một ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung LHQ tại Hà Nội. Đây là Ngôi nhà chung LHQ đầu tiên thân thiện với môi trường, được khánh thành vào tháng 5/2015.
Một đơn vị quân đội Việt Nam tham gia đội quân mũ nồi xanh của Liên hợp quốc
Theo Báo cáo tiến độ 5 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững được công bố (11/2021), dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt được 5/17 Mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP26), Việt Nam đã tham gia, thúc đẩy các sáng kiến đa phương quan trọng, nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết tại Hội nghị COP 26 về việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải metan, Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch…
Tham gia ngày càng nhiều vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc
Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ năm 1997, tham gia Hội đồng Kinh tế Xã hội của LHQ (ECOSOC) (1998-2000), hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021.
Với những cương vị nêu trên, Việt Nam đã tham gia giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan; góp phần giảm căng thẳng tại nhiều khu vực trên thế giới.
Tháng 7/2008, Việt Nam tổ chức và chủ trì thảo luận mở về Trẻ em và xung đột vũ trang tại HĐBA. Sáng kiến này đã được các nước đánh giá cao, thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong LHQ.
Tháng10/2009, Việt Nam chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1889 Về phụ nữ, hòa bình và an ninh - một trong 4 văn kiện quan trọng của Hội đồng Bảo an trong lĩnh vực này; đưa ra sáng kiến về việc tham vấn với các thành viên LHQ để xây dựng báo cáo hằng năm của Hội đồng Bảo an thực chất, toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy giải quyết hòa bình các vấn đề ở khu vực châu Á mà Việt Nam là đại diện (Vấn đề hạt nhân của Iran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, các vấn đề của Nepal, Đông Timo…), đồng thời thúc đẩy các vấn đề ở các khu vực khác như châu Phi, Trung Đông.
Năm 2019, Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu.
Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì soạn thảo, thương lượng, thông qua nhiều văn kiện, gồm: 2 Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; 3 Tuyên bố Chủ tịch của HĐBA về Tôn trọng Hiến chương LHQ, Tăng cường quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; 1 Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; 1 Văn kiện Cam kết Hà Nội của Hội nghị Quốc tế về phụ nữ, hòa bình, an ninh.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh và được Đại hội đồng LHQ thông qua với 112 quốc gia đồng thuận.
Việt Nam đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của LHQ và 1 triệu USD cho COVAX(cơ chế nhân đạo nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine nhanh chóng và bình đẳng giữa các quốc gia trên toàn thế giới), trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC (Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu) của LHQ.
Việt Nam còn là thành viên của Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) (nhiệm kỳ 2016-2018), Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027; một số cơ chế của LHQ như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại ương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027.
Với các cương vị trên, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên hiệp quốc.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Định Quý tại Lễ đặt quốc kỳ Việt Nam vào hàng cờ của các nước ủy viên HĐBA
Tham gia tích cực vào nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, từ tháng 6/2014 đến tháng 8/2022, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử 512 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hiệp quốc [1].
Đối với hình thức cá nhân, từ 2 sỹ quan Quân đội đầu tiên đi làm sỹ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan năm 2014, đến nay, Việt Nam đã cử 76 lượt sỹ quan hoạt động độc lập trên các cương vị sỹ quan: tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện, trang bị, phân tích thông tin tình báo, quân lương, ngoài ra còn có vị trí quan sát viên quân sự. Đặc biệt, sau hơn một năm chuẩn bị, tháng 8/2022, 4 sỹ quan công an đầu tiên đã được LHQ lựa chọn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại trụ sở LHQ và Phái bộ Nam Sudan
Đối với hình thức đơn vị, từ tháng 8/2018 đến nay, Việt Nam đã triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan. Các bệnh viện đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn.
Đặc biệt, tháng 5/2022, Việt Nam đã cử Đội Công binh đầu tiên với 184 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ Lực lượng an ninh lâm thời của LHQ tại Abyei (UNISFA).
Thực hiện Nghị quyết 1325 của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 8 năm qua, Việt Nam đã cử tổng số 74 nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân[2].
Bên cạnh đó, từ tháng 6/2018, LHQ đã công nhận Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác ba bên (Việt Nam, Liên hợp quốc và Nhật Bản). Từ năm 2018-2020, Việt Nam đã tổ chức 3 khóa huấn luyện cho hơn 100 học viên quốc tế và trong nước về vận hành trang bị công binh hạng nặng.
Trên lĩnh vực bảo vệ quyền con người, từ năm 2014-2016, Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền; tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế LHQ về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Hiện Việt Nam đang vận động ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Những đóng góp tích cực trong 45 năm gia nhập LHQ nói trên tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.
Trong vòng một năm bắt đầu từ ngày 13/9/2022, Việt Nam trở thành một trong các Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đại hội đồng là cơ quan hoạch định chính sách rất quan trọng của Liên Hợp Quốc nhằm khẳng định, thực hiện vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong quản trị toàn cầu, trong xử lý các thách thức chung mà cộng đồng quốc tế đang gặp phải.
Với đường lối đối ngoại đa phương đúng đắn, lấy LHQ là trọng tâm, trên cương vị mới, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho những mục tiêu cao cả của LHQ, đó là giải quyết xung đột, duy trì hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới.
Lê Quang Minh